Đất văn hiến từ mạch nguồn châu thổ
Tìm về “đất danh hương” Thường Tín có lẽ phải đi từ cội nguồn nội sinh để hiểu sâu về những vỉa tầng văn hóa tích tụ và lan tỏa.
Đang độ tiết xuân, trời sáng trong ấm áp. Cỏ đầu xuân mơn mởn ướt đẫm sương mai. Cả triền đê cứ thế ngời lên sắc xanh non tơ mướt mát ấy. Đứng bên “Dòng Nhị Hà xôn xao sóng dội/ Phù sa hồng kết thành bãi Tự Nhiên”, tôi nghe đâu đây lời thì thầm của từng thớ đất, tiếng vỗ về của sóng nước mênh mang và cả những thanh âm trầm tích lịch sử như tiếng cha ông vọng về. Dòng phù sa bồi đắp đã hình thành nên một vùng châu thổ trù phú, tốt tươi. Trong muôn triệu phù sa ấy có khúc quanh uốn mình mà thành bãi Tự Nhiên và mênh mang hơn nữa là mảnh đất Thường Tín.
    |
 |
Lễ hội làng Nghiêm Xá Xuân 2023 tôn vinh truyền thống khoa bảng của địa phương.Ảnh: NGỌC NAM |
Ghi chép về vùng đất Thường Tín, trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi đã viết: “Là vùng đất cao ráo bằng phẳng, ruộng thì vào hạng thượng thặng, cấy lúa thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác, các triều phí dụng nuôi quân đều nhờ ở đây”. Áng cổ tự của bậc tiền nhân miêu tả Thường Tín là vùng đất ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng. Hơn nữa ở vị thế “cửa ngõ” kinh đô, đất Thường Tín có thủy bộ đôi bên để dắt hồn người vào bao miền hương sắc. Trục chính là con đường thiên lý Bắc-Nam. Trong ký ức, nỗi nhớ của người Thường Tín luôn xen lẫn tiếng còi tàu, tiếng xe chạy. Người theo những đoàn tàu xuất quân đi chiến đấu, người ngược lên vùng kinh tế mới, người chở hàng từ các làng nghề vắt chéo Đông-Tây, người xa quê, người trở về đều tìm đến ga Chợ Tía, ga Thường Tín để bắt đầu một hành trình. Đó là nhịp đập, là hơi thở hối hả trên trục Quốc lộ 1A. Còn thủy trình phía Đông là sông Hồng, phía Tây là sông Tô Lịch nhập dòng Nhuệ giang.
Nằm giữa ranh giới thủy bộ ấy là 29 xã với hàng trăm ngôi làng lớn nhỏ. Sông đắp bồi để sản xuất nông nghiệp, đường giao thương thuận tiện để phát triển làng nghề. Cuộc sống khởi sắc từ những điều kiện thuận lợi như vậy. Trong một dịp đi tìm hiểu về lịch sử của huyện Thường Tín, tôi được trò chuyện với PGS, TS Phạm Việt Trung, người được gọi là “Nhà sử học của quê hương Thường Tín” với hàng chục cuốn sách viết về lịch sử địa phương. Ông Trung cho hay: “Trong các thành phần sĩ-nông-công-thương, đất Thường Tín hội tụ cả. Người dân chuyên cần trồng lúa, làm nghề, buôn bán, trọng việc học hành. Tất cả cùng bồi đắp để hình thành nên một vùng đất văn hiến ở phía Nam kinh đô, tạo dấu ấn đậm nét trong dòng chảy văn hóa Thăng Long. Tự hào hơn, Thường Tín là vùng đất khoa bảng, nơi có truyền thống hiếu học trọng hiền tài”. Chính những nét đặc trưng tiêu biểu về văn hóa, lịch sử đã hình thành nên vùng quê Thường Tín là “đất danh hương”.
Thơm danh khoa bảng phát hiền tài
Trên nền tảng văn hiến, người Thường Tín luôn trọng đạo học từ trong tâm thức, trong nghi lễ tín ngưỡng, trong thực hành đời sống. Tìm về ngôi làng cổ Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên), tôi được diện kiến Đại đức Thích Chánh Thuần. Nhắc đến truyền thống khoa bảng, vị đại đức nói rành rẽ về làng Nghiêm Xá. Đây là mảnh đất thuần nông, các bậc tiền nhân đã sớm đề cao việc học, trọng người hiền tài. Cổ nhân Nghiêm Xá đồng tâm nhất bái rước hương linh Trạng nguyên Nguyễn Hiền về tôn làm thành hoàng, đồng thời thờ 12 vị tiên hiền trong đình để cầu cho con cháu noi gương sáng, cố gắng học hành tấn tới. Quả thực, ở ngôi làng nhỏ này đã xuất hiện 7 vị đỗ đại khoa. Đặc biệt, trong một gia đình, cha là Ngô Hoan, hai con là Ngô Ước và Ngô Hoành đều đỗ tiến sĩ.
Trên miền quê “đất danh hương”, những ngôi làng khoa bảng được tô son rạng rỡ bởi các bậc danh nhân lưu truyền sử Việt. Xuân này, tôi thăm lại làng Nhị Khê. Ngôi làng nằm bên dòng Tô Lịch. Theo sử sách ghi lại, xưa kia, mỗi độ xuân sang, Vua Lý Công Uẩn thường ngự thuyền rồng theo sông Tô Lịch xuôi về Nam. Qua Trại Ổi, thấy làng quê trù phú, hoa nở rực rỡ bên sông, nhà vua dừng lại ngắm rồi đặt tên cho vùng này là Nhụy Khuê (Suối Hoa). Thời Trần, Hàn lâm học sĩ Nguyễn Phi Khanh đã lấy cảnh đẹp quê hương làm tên hiệu của mình là Nhị Khê. Từ nơi làng quê này đã sinh ra Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Góp phần làm nức tiếng Nhị Khê còn có gia tộc họ Dương với nhị vị tiến sĩ Dương Công Độ, Dương Bá Cung. Gia tộc họ Lương với cụ Lương Văn Can, người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến... Theo dấu chân người xưa trên đất Nhị Khê, tôi được nghe nhiều câu chuyện về người hiền tài nhân nghĩa. Ngồi nép mình trong quán nhỏ, tiếng cụ bà rì rầm kể với vị khách phương xa những chuyện truyền khẩu trăm năm trước. Chuyện về cổng chính làng Nhị Khê đề 4 chữ “Quan quốc chi quang” ngợi ca Nguyễn Trãi là bậc khai quốc công thần. Thế nên cụ Cử Can mỗi lần đi xe kéo về quê tới trước cổng Quốc đều xuống đi bộ. Mặc dù theo lệ làng ai đến đền thờ Nguyễn Trãi có tấm bia “Hạ mã” thì mới phải xuống, nhưng cụ Cử đã tự đi bộ từ đầu làng, thể hiện lòng tôn kính bậc tiên hiền, noi gương cho hậu thế học tập. Sau này, cụ Cử về quê lập trường, soạn sách để mở mang tri thức cho con em trong vùng.
Nét son điểm nhãn cho bức tranh khoa bảng Thường Tín phải kể đến Văn từ Thượng Phúc (tại thôn Văn Hội, xã Văn Bình). Đây là nơi kết tinh những đài hoa trí tuệ, hiền tài. Khu văn từ được xây dựng bề thế là nhờ công sức, tấm lòng hằng tâm hằng sản của cán bộ, nhân dân địa phương. Theo hệ thống văn bia còn lại ở địa phương và thác bản văn bia của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Nghiên cứu Hán nôm, Văn từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ xây dựng vào năm 1695. Qua nhiều lần trùng tu, di dời, văn từ có sự biến đổi. Gần đây, huyện Thường Tín đã tiến hành xây dựng lại.
Dưới mái ngói vút cong, bia đá hiển hiện những dòng chữ khắc ghi tên các vị đỗ đại khoa của đất Thường Tín. Các bậc tiên hiền đã lấy tên mình để vinh danh cho vùng "đất danh hương”. Với 128 nhà khoa bảng, Thường Tín trở thành huyện có số lượng nhà khoa bảng nhiều nhất thành phố Hà Nội. Thường Tín cũng vinh dự có 11 làng khoa bảng, nhiều dòng họ, gia đình hiếu học. Tự hào về truyền thống “đất danh hương”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín đã khẳng định: “Các nhà khoa bảng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, hiếu học, là những tấm gương sáng tạo động lực để các thế hệ người Thường Tín phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học, trọng hiền tài, văn hiến”.
Đi giữa văn từ hôm nay, cháu con được ngắm nhìn tôn tượng các bậc hiền tài, được đọc những dòng tích sử lưu dấu công danh để thêm ngưỡng vọng, tự hào. Đúng như khúc văn ca: “Đất linh sinh tuấn kiệt/ Văn hiến phát hiền tài/ Văn từ uy linh một cõi/ Gương sáng tồn tại muôn đời”. Tôi lại hình dung ra hàng trăm năm trước, bên lũy tre làng, dưới mái nhà tranh, những người con quê hương Thường Tín đã chuyên tâm đèn sách, dùi mài kinh sử, tay nải bút nghiên, lều chõng bộ hành, lai kinh ứng thí. Để rồi, cá vượt vũ môn, bia đá bảng vàng vinh quy bái tổ, làm rạng rỡ liệt tổ liệt tông, thơm danh quê hương, dòng tộc.
Nhằm tôn vinh các nhà khoa bảng và truyền thống hiếu học, vào mồng 9 tháng giêng hằng năm, UBND huyện Thường Tín duy trì mỹ tục lễ khai bút đầu xuân để nhân dân cùng về vui hội xuân mới, thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ các bậc hiền tài. Đến đây, tôi được biết phong trào khuyến học, khuyến tài được các cấp chính quyền địa phương quan tâm chăm lo. Đến nay, toàn huyện Thường Tín đã có 69/93 trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần quan trọng trong công tác đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Hiện Thường Tín có hơn 200 trí thức tiêu biểu có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy là truyền thống hiếu học trên “đất danh hương” được tiếp nối, trở thành dòng chảy xuyên suốt, động viên các thế hệ noi gương sáng bậc tiền nhân gắng học tập, luyện rèn, góp sức phụng sự đất nước, dựng xây quê hương Thường Tín phát triển giàu đẹp, văn minh.
Ghi chép của DANH DUY