Tôi lật giở lại từng trang thơ văn Chu Thần lúc thời tiết còn đang giữa xuân, khi chạm đến trang cuối cùng là đôi câu đối của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu viếng anh em Cao Bá Đạt và Cao Bá Quát, ngẩng lên thì trời đã đang sắp vào giữa hạ. Đã những năm tháng thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, những áng thơ của Chu Thần vẫn cuốn hút tâm trí tôi, tôi như đang thấy Chu Thần lết qua đoạn đường dài dặc chập chùng mờ mịt và ngột bức nửa đầu thế kỷ XIX. Cái háo hức của chàng thanh niên Cao Bá Quát thoáng qua như làn gió thoảng "Trên đường công danh đã mấy ai nhàn?/ Mũ lọng nhộn nhịp ta cũng đi đây" (Hoành sơn vọng hải ca). Tiếp liền sau đó, nhà thơ đã dự cảm được chặng đường đầy chông gai lầy lụt mà mình phải kéo lết khát vọng qua đó "Tuổi trẻ chạy vạy biết rồi có nên việc gì không?/ Con đường ghê sợ còn dài, cứ vương vất lòng người lữ khách" (Lạc sơn lữ trung).
"Nhớ lại những chuyến đi năm trước/ Đã bị lầm vì chút phù danh/ Lần này lại từ biệt để đi đâu nhỉ/ Ngoảnh đầu lại, nhìn hoài việc cũ/ Nhưng vào đời đã có văn chương/ Chốn danh thì còn ham muốn gì?" (Phó Nam cung xuất giao môn biệt chư đệ tử).
"Đời ta trót lầm lỡ vì cái danh hờ/ Hằng mười năm chìm đắm trong bút mực/(…)/ Nữa rồi ra ngày còn dài/ Ai lại có thể không có sự may rủi?/ Nỗi buồn dằng dặc như trời đất/ Thương cảm biết bao giờ cùng?". (Đắc gia thư, thị nhật tác).
"Bãi cát dài, lại bãi cát dài/ Đi một bước lại lùi một bước/ (…)/ Cứ trèo non, lội nước mãi, bao giờ cho hết ta oán!/ Xưa nay hạng người danh lợi/ Vẫn tất tả ở ngoài đường sá/ (…)/ Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?/ Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt/ Bước đường ghê sợ thì nhiều/ (…)/ Anh còn đứng làm chi trên bãi cát? (Sa hành đoản ca).
Tâm sự u uất của Chu Thần đã bốc lên ngùn ngụt trước thời đại ông sống. Chu Thần đã cảm thấu thời đại của mình, nhưng đã bất lực và không thể vượt qua. Thời đại của ông như bãi cát mênh mông kia từng vùi lấp bao khát vọng, nhiệt huyết, làm cùn nhụt, tan biến bao ý chí, lý tưởng, bao ước vọng vì dân vì nước. Tôi thấy nỗi đau quằn xiết chạy dọc những áng thơ của Chu Thần, càng về cuối càng gấp gáp như dòng nước lớn từ thượng nguồn xé đổ qua vách đá lởm chởm dựng đứng của thời đại mà Chu Thần cùng bao danh sĩ tâm huyết đang trầm trải trong đó. Có một điều đặc biệt đối với Chu Thần, là tất cả những gì ông viết ra còn lại đến hôm nay, dù thơ chữ Hán, văn loại, thơ Nôm, câu đối, ở chỗ nào cũng đều ẩn chứa hạt nhân nén đầy năng lượng của sự nổ bùng những bất bình, phản kháng trước xã hội, được thể hiện qua khi là hình tượng, khi là hình ảnh, khi là điển tích, dựng lên một tâm hồn khao khát tự do, khao khát được cống hiến tài năng và sức lực cho dân, cho nước. Mặc dù, đối với Chu Thần, khao khát này mãi chỉ là ước vọng, chỉ là ánh hào quang dọi lại từ xa xăm của một lý tưởng về thời đại thái bình thịnh trị, nước thịnh dân an. Thực tại vẫn là thực tại và Chu Thần đã buộc phải chấp nhận thực tại đó một cách đau đớn, thực tại mà ông đã băng qua làm thân tâm tứa máu và cá nhân ông đã phải trả bằng máu tại chiến trường. Vì lẽ phải, ông đã hiến dâng cho lẽ phải bằng máu của mình. Điều này đã được ông dự báo từ trước đó "Biết rằng bút mực không phải là nơi để cho mình chết/ (…)/ Kiếp sống thừa kém hèn vẫn trơ ở trong trời đất", "Là người dũng cảm đâu có chịu chết ở nơi văn tự", "Nép mình giữa khoảng trời đất, thương nỗi bàn tay cô đơn/ Ngoảnh nhìn con đường mây khói, chí cả chưa được vẫy vùng" (Bệnh Trung). "Mối hận tràn theo dòng sông trong", "Nhìn về dặm đường phía Bắc, trời mây xa thẳm/ Xuân hết rồi, nào ai gội hồn người chưa chết?" (Kiến Bắc nhân lai, nhân thoại cố hương tiêu tức).
Căn cứ vào khối lượng thơ văn Cao Bá Quát còn lại đến nay, chúng ta thấy hình ảnh thanh gươm chỉ hiện lên đôi lần trong thơ Chu Thần, nhưng nó đã để lại ấn tượng đặc biệt "Tựa gối nhìn thanh kiếm dài" (Độc dạ cảm hoài), "Thanh gươm vùi dưới đất Phong Thành ban đêm vẫn có ánh sáng" (Cấm sở cảm sự, túng bút ngẫu thư), hoặc "Thập tải luân giao tầm cổ kiếm". Từ hình ảnh thanh gươm, tôi thấy hiện sau nó không phải là thanh gươm mà là biểu tượng của một ý chí quật cường xuyên thủng màn đêm thời cuộc. Thanh gươm là biểu tượng của một sự quyết liệt muốn phá tan đập đổ những gì cũ nát mục rỗng, những gì từng giam cầm vùi dập kìm giữ những tài năng và bầu tâm huyết của con người. Cái xã hội ấy tựa như một bầu không khí chứa đầy axít nó khoét sâu vào hơi thở, vào huyết mạch và ăn mòn làm rời rã mòn mục những ý chí, khát vọng và khí phách như Chu Thần đã từng bộc bạch trong thơ không chỉ một lần, mà là xuyên suốt thơ văn của ông "Trước kia là một thân cứng rắn như sắt luyện trăm lần/ Ngang tàng làm một kẻ sĩ đầy hăng hái/ Từ khi mắc vào lưới đời/ Khí phách cũng từ đó hao mòn dần" (Chính nguyệt nhị thập nhất nhật di tống Thừa Thiên ngục tỏa cấm).
Mặc dù Chu Thần luôn biết rằng "Người anh hùng không kéo lại được nước đã ngàn năm". Chính ông đã tự nhắc nhở mỉa mai chính mình, khi chưa làm được những gì bản thân ông từng nung nấu mang trong bầu nhiệt huyết của mình "Tài trai sống ở đời đã không làm được việc phơi gan bẻ gẫy chấn song, giữ vững cương thường/ Lại ngồi nhìn bọn lang sói nghênh ngang/ (…)/ Chỉ cúi đầu luồn mái nhà thấp, nhụt cả khí phách" (Đông vũ ngâm).
"Trượng phu ba mươi tuổi, chẳng nên danh gì/ Dạo khắp ven trời, khí bất bình chưa chịu/ (…)/ Ngâm vang bảy bài ca ngoảnh đầu nhìn lại/ Thân thế mờ mịt, chỉ đứng trừng mắt trông đời" (Du Đằng Giang).
DƯƠNG KIỀU MINH