Đến dự chương trình có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng; Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đông đảo khán giả trên địa bàn Hà Nội.

Chương trình hòa nhạc “Bài ca không quên 2022” do Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phât thanh- Truyền hình Quân đội  (TT PT-TH QĐ) chịu trách nhiệm nội dung; chỉ đạo sản xuất, tổng đạo diễn: Đại tá Trịnh Tùng Lâm, Phó giám đốc TT PT-TH QĐ; chịu trách nhiệm sản xuất: Đại tá Hoàng Thị Thu Hoàn, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Giải trí, TT PT-TH QĐ; viết lời dẫn và cố vấn: GS,TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Giám đốc nghệ thuật và chuyển soạn âm nhạc: Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

leftcenterrightdel
 Tiết mục "Bài ca Hà Nội" do ca sĩ Khánh Ngọc biểu diễn.
leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự chương trình.

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên các kênh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam; Truyền hình Công an nhân dân; Truyền hình Quốc hội; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

leftcenterrightdel
Tiết mục ca nhạc trong chương trình. 

Với thời lượng 90 phút, chương trình gồm 2 phần: Hà Nội – Linh thiêng – Anh dũng – Quật cường; Tình ca. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: NSƯT Đăng Dương, Lê Anh Dũng, Khánh Ngọc, Ngọc Mai, Đỗ Tố Hoa, Hoàng Viết Danh, nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền, nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân, nghệ sĩ Cello Bùi Hà Miên; nhóm nhạc Sức sống mới; tốp ca nam Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân.

Vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2016), chương trình hòa nhạc “Bài ca không quên” do TT PT-TH QĐ tổ chức sản xuất đã lần đầu tiên được ra mắt khán giả. Sau 6 năm với 8 chương trình hòa nhạc được tổ chức ở cả trong Nam và ngoài Bắc, chương trình “Bài ca không quên” đã tạo dựng được chỗ đứng riêng trong lòng những người yêu nhạc Việt Nam, trở thành "bữa tiệc” âm nhạc được khán giả mong chờ mỗi khi đến dịp 22-12. Đây là niềm hạnh phúc của những nhà báo-chiến sĩ nhưng đồng thời cũng là áp lực rất lớn đòi hỏi cả êkip sản xuất phải nỗ lực không ngừng để đổi mới và nâng cao chất lượng chương trình.

Nhìn lại chặng đường 6 năm với 8 chương trình hòa nhạc, hơn 120 ca khúc được chuyển soạn mới dành riêng cho chương trình “Bài ca không quên”, khán giả như được sống lại những năm tháng hào hùng của cả dân tộc qua các ca khúc sống mãi với thời gian.

Lịch sử đã minh chứng rằng, trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta vì độc lập, tự do, vì giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, “Tiếng hát đã át cả tiếng bom”. Vượt qua tất cả những thách thức, mất mát, đau thương và cả những hy sinh, tiếng hát ấy trở thành sức mạnh lớn lao, niềm tin sắt đá của các thế hệ người Việt Nam trong những tháng năm lịch sử không thể nào quên. 

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Thăng Long biểu diễn tại chương trình. 
leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự chương trình. 

Trong chương trình này, những ca khúc đã vô cùng gắn bó, quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ đã được mang một màu sắc mới, một âm hưởng mới khi được biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng. Trong đó có những tác phẩm âm nhạc như: “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, chuyển soạn: Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng; biểu diễn: Song tấu Cello Đinh Hoài Xuân và Bùi Hà Miên, do Dàn nhạc Giao hưởng Thăng Long và nhạc trưởng Đồng Quang Vinh biểu diễn; “Tên lửa ta đánh rất hay”, do ca Khánh Ngọc, Ngọc Mai, Đỗ Tố Hoa biểu diễn; “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, sáng tác Phạm Tuyên, do tốp ca nam Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không- Không quân biểu diễn.

Giao hưởng vốn được coi là loại hình âm nhạc bác học, tương đối kén khán giả. Vì thế, đây cũng là một thách thức lớn với ê kíp sản xuất chương trình “Bài ca không quên” khi quyết định sử dụng loại hình âm nhạc bác học này để làm mới những ca khúc cách mạng đã đi cùng năm tháng.

Đại tá Trịnh Tùng Lâm, Phó giám đốc TT PT-TH QĐ, Tổng đạo diễn chương trình cho biết: Để có thể đồng điệu với dàn nhạc và cống hiến cho khán giả những tiết mục biểu diễn đặc sắc nhất, các nghệ sĩ đã có những buổi tập luyện rất nghiêm túc, miệt mài. Âm thanh, ánh sáng, sân khấu, tất cả đều được chuẩn bị chu đáo và phù hợp với những yêu cầu khắt khe của thể loại giao hưởng.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương biểu diễn tại chương trình. 

Đối với các nghệ sĩ, chương trình hòa nhạc “Bài ca không quên” đã trở thành sân khấu lớn để họ được “cháy” hết mình với niềm đam mê âm nhạc. Cho dù là lần đầu tiên hay đã có nhiều năm gắn bó với chương trình thì đều để lại cho các nghệ sĩ những cảm xúc đặc biệt.

Bày tỏ cảm xúc khi được biểu diễn trong chương trình, Đại úy Cẩm Tú, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội cho biết: "Khi được biểu diễn với một dàn nhạc giao hưởng lớn là niềm hạnh phúc của tất cả những người làm nghề nói chung và các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội nói riêng".

Với Thiếu tá Lại Đức Tuấn, Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không- Không quân, cảm xúc khi lần đầu tiên được hát bài “Phi đội ta xuất kích” cùng dàn nhạc giao hưởng đã mang đến cho anh cảm giác mới, lạ. Với cách làm mới những ca khúc đã đi cùng năm tháng, góp phần lan tỏa tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của người lính không quân khi cất cánh bay trên bầu trời bảo vệ Tổ quốc bằng âm nhạc.

Nhạc công Lê Minh Chiều, Dàn nhạc Giao hưởng Thăng Long bày tỏ: "Tôi rất vinh dự được tham gia chương trình từ những mùa đầu tiên đến hôm nay. Mỗi khi tham gia chương trình, tôi đều có cảm xúc khác nhau và rất hứng thú khi được biểu diễn với dàn nhạc. Tôi nghĩ rằng, đây là một chương trình ý nghĩa, và mỗi chương trình đi qua đều để lại cho tôi một cảm xúc riêng".

Nếu như phần 1 của chương trình khắc họa hình ảnh Hà Nội linh thiêng, anh dũng, quật cường thì trong phần 2, khán giả được đắm mình trong những bản nhạc trữ tình chủ đề “Tình ca”. Trong đó có những tác phẩm âm nhạc đã nằm lòng trong trái tim người yêu nhạc như: Tình ca; Cô gái Sầm Nưa; Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara; Đưa anh đi hái măng rừng

Những khúc ca trữ tình, sâu lắng được khắc họa bằng âm nhạc, ngợi ca người chiến sĩ ở mọi khía cạnh, dù họ đứng trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ hay đi hái măng rừng trên đường hành quân; dù là người lính tình nguyện dịu dàng trong điệu múa Apsara hay thủy chung với lời hẹn ước trở lại bên em – cô gái Sầm Nưa xinh đẹp trong những năm tháng chung chiến hào với nhân dân đất nước Triệu Voi. Vẻ đẹp của người chiến sĩ trong suốt 78 năm qua đâu chỉ là sự kiên cường, sự sẵn sàng hy sinh và những chiến công, mà sâu thẳm trong họ là tình yêu đất nước.

leftcenterrightdel
Tiết mục của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. 
leftcenterrightdel
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự chương trình tặng hoa các nghệ sĩ. 

“Có một bài ca không bao giờ quên/Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên/Có một bài ca không bao giờ quên/Là lời mẹ ru con đêm đêm/Bài ca tôi không quên, tôi không quên/Tháng ngày vất vả/Bài ca tôi không quên, tôi không quên/Gót mòn hành quân hối hả/Làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya…”, những ca từ của bài hát “Bài ca không quên” cũng là chủ đề xuyên suốt chương trình đã khép lại “bữa tiệc” âm nhạc đặc sắc. Khán giả ra về trong niềm vui rạo rực bởi được thưởng thức những ca khúc cách mạng mang màu sắc hấp dẫn hơn, phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn không mất đi bản sắc.

KHÁNH HUYỀN-VIỆT CƯỜNG (thực hiện)