PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nên cấm sóng, cấm quay lại biểu diễn đối với những hành vi nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần, không thể tha thứ được trong môi trường nghệ thuật. Điều này sẽ trả lại môi trường trong lành cho nghệ thuật. Khi xây dựng được môi trường nghệ thuật hướng thiện, chúng ta có điều kiện để con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới ước mơ thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

leftcenterrightdel
 PGS, TS Bùi Hoài Sơn.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL): Với người nghệ sĩ, được biểu diễn, được xuất hiện trước công chúng là điều cực kỳ quan trọng. Bởi vậy, khi phải áp dụng các hình thức cấm xuất hiện trên truyền hình, trên các nền tảng mạng xã hội, cấm biểu diễn là điều cơ quan quản lý không mong muốn và sẽ rất cân nhắc. Phần lớn nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện rất tốt Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, đã là nghệ sĩ, là người của công chúng, người có ảnh hưởng với xã hội, họ luôn là tâm điểm của công chúng, chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Công chúng không bao giờ chấp nhận người làm văn hóa-nghệ thuật mà lại có những hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa. Vì thế, với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có tính chất lặp đi lặp lại dù đã được cảnh báo nhắc nhở... thì cũng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết. Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Bộ VHTTDL cùng Bộ TTTT tiếp tục rà soát, xử lý các vi phạm để xử lý hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên môi trường mạng.

leftcenterrightdel
 NSƯT Trần Ly Ly.

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái: Thời gian gần đây có nhiều lùm xùm trong phát ngôn, ứng xử và hoạt động của giới nghệ sĩ, giải trí Việt, cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Chửi tục, công kích, bôi nhọ nhau rồi tán phát tin giả, phát ngôn chia rẽ... là những hành vi làm mất đi hình ảnh người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Nghệ sĩ cũng là người, không phải là vị thần để đứng ngoài pháp luật. Các cơ quan quản lý văn hóa cần phải tăng mức xử phạt, tăng các mức chế tài để tạo sức răn đe với người nổi tiếng, nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng. Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực là mục đích hướng đến của Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội xác định cụ thể hơn về chuẩn mực và trách nhiệm của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái. 

NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Đa phần những người làm nghệ thuật nói chung và nghệ sĩ nói riêng đều hiểu vai trò, trách nhiệm của mình và đang hằng ngày cống hiến cho sự nghiệp văn hóa-nghệ thuật nước nhà, giúp người dân hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Trong môi trường hoạt động nghệ thuật, quan trọng là mỗi đơn vị phải luôn coi anh chị em nghệ sĩ như một gia đình, tạo môi trường hoạt động nghệ thuật lành mạnh, công bằng, có trên có dưới, các thế hệ trước sau cùng sống với nghề, yêu nghề, học nghề lẫn nhau, chứ không phải anh có danh hiệu cao thì hơn và coi thường các bạn trẻ. Càng nổi tiếng càng phải tạo cho mình áp lực, suy nghĩ, lao động sáng tạo nhiều hơn để làm tấm gương, điểm tựa cho đồng nghiệp, cho thế hệ sau mình.

leftcenterrightdel
NSND Nguyễn Trung Hiếu. 

 

HÀ ANH (ghi)