Nhất là sân khấu kịch, những vở kịch thiếu nhi hồi đó đã gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ chúng tôi vẻ đẹp nghệ thuật chân chính, gieo vào những hoài bão mơ mộng, gieo vào tính thiện lương và trắc ẩn...

Một thời hào quang

Nhắc tới kịch thiếu nhi thì chắc chắn phải nhắc đến Nhà hát Tuổi trẻ. "Thành lập năm 1978, Nhà hát Tuổi trẻ là nhà hát nghệ thuật quốc gia duy nhất tại Việt Nam có chức năng biểu diễn phục vụ thiếu nhi và khán giả trẻ”. Trang web chính thức của nhà hát đã rất tự hào giới thiệu về mình như vậy. Thực sự, họ từng làm nên những vở diễn xứng đáng để tự hào.

Nhà hát Tuổi trẻ dang tay sát gần lại khán giả trẻ với những vở diễn thiếu nhi giàu sáng tạo và đổi mới. Lần đầu tiên các em được thưởng thức những vở diễn nghệ thuật nhưng vẫn đậm chất giải trí như “Dế mèn phiêu lưu ký” do đạo diễn Đức Hải chuyển soạn và dàn dựng theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Rồi đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Hùng liên tiếp cho ra mắt những vở kịch giàu năng lượng như: “Đô Rê Mon và cánh cửa thần kỳ”. Đạo diễn, NSND Anh Tú thành công rực rỡ với loạt vở diễn về Tôn Ngộ Không. Khán giả nhí thấy mình được tham gia vào câu chuyện, được cười với những trò ngớ ngẩn của Trư Bát Giới, được khóc vì uất ức trước hành xử bất công của Đường Tăng với Tôn Ngộ Không... Đạo diễn, NSND Lan Hương lại tỏa sáng tài năng dàn dựng hoành tráng với “Trận chiến rừng xanh”... 

 Cảnh trong vở kịch thiếu nhi “Dế mèn phiêu lưu ký” của sân khấu Lệ Ngọc. Ảnh: CAO NGỌC 

Phía Nam, nhắc đến kịch thiếu nhi thì phải nhắc đến Sân khấu kịch Idecaf với NSND Thành Lộc. Thành Lộc xứng đáng với danh hiệu “phù thủy” của sân khấu kịch với một vệt rất dài chuỗi vở “Ngày xửa ngày xưa” làm mê đắm bao nhiêu thế hệ khán giả. Những khán giả nhí khi xưa từng xem “Ngày xửa ngày xưa” do anh đạo diễn, giờ đã trưởng thành, lập gia đình, sinh con đẻ cái, nay họ lại đưa các con mình đi xem “Ngày xửa ngày xưa” mới. Đến xem mà thưởng thức thế giới lộng lẫy đa sắc, đa thanh của thế giới cổ tích và sống lại tuổi thơ cùng con trẻ.

Có thể thấy, đến quãng thời gian Tết Thiếu nhi (1-6) hay Tết Trung thu là Nhà hát Tuổi trẻ tưởng chừng “vỡ” rạp vì quá đông khán giả. Rạp 600 chỗ nhưng cao điểm phải phục vụ hơn 800 em thiếu nhi. Khán giả ngồi tràn ra lối đi, ngồi kín tiền đài mà háo hức, hò hét, hòa mình vào các vở kịch, chương trình nghệ thuật. Một ngày, các anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên phải phục vụ 4 đến 6 suất diễn từ sáng đến khuya. Đấy là chưa kể đến những hợp đồng biểu diễn phục vụ thiếu nhi các trường học quanh Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Anh chị em nghệ sĩ mệt đứt hơi vì diễn nhiều nhưng nhìn mắt trẻ con thì lại có thêm động lực. Thu nhập khá tốt nên họ càng háo hức và đầu tư cho kịch thiếu nhi hơn. Nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật chất lượng liên tục ra đời đem đến niềm vui, tiếng cười hạnh phúc cho nhiều lớp thiếu niên, nhi đồng.

Từ rất sớm, các nghệ sĩ đều đã nhận ra thị trường màu mỡ của kịch thiếu nhi. Vậy nên không có gì là lạ vì có sự nhập cuộc của gần như tất cả nhà hát ở Hà Nội. Từ Nhà hát Kịch Việt Nam cho đến sân khấu kịch tư nhân của NSND Lệ Ngọc. Không nhà hát nào là không thủ sẵn trong kịch mục một vài vở diễn cho thiếu nhi. Mảnh đất màu mỡ, béo bở của kịch thiếu nhi như vậy nên không thể không thu hút sức lao động sáng tạo của các nghệ sĩ, nhóm hài hoạt động độc lập bên ngoài các nhà hát. Hơn chục năm trước, nhóm hài của các nghệ sĩ: Xuân Bắc, Tự Long đã “đánh đông dẹp bắc” với những kịch mục dành cho thiếu nhi khá chất lượng, được các em nhỏ rất yêu mến. Thậm chí, họ đã “nổ” một phát pháo đầu tiên, dự Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Huế với một vở kịch thiếu nhi và có được những huy chương cá nhân.

Những nốt lặng trầm

Không thể phủ nhận rằng trẻ em bây giờ bớt hào hứng với kịch thiếu nhi hơn xưa, bớt háo hức bước chân vào rạp hát hơn xưa. Lý do đầu tiên là thiếu kịch bản có chất lượng tốt. Phải "có bột mới gột nên hồ", phải có những kịch bản tốt thì mới hy vọng có những vở diễn hay phục vụ các em thiếu nhi. Giá trị nhân văn của những tác phẩm kịch thiếu nhi đều cần bắt nguồn từ văn chương. Trong khi dưới con mắt của Hội Nhà văn Việt Nam gần như chưa ghi nhận tồn tại một nền văn học kịch trong nước. Tác phẩm văn học thiếu nhi tiêu biểu qua nhiều giai đoạn vẫn chỉ là “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.

Một yếu tố chủ quan nữa của sân khấu kịch là quá coi trọng tính giải trí, tính thị trường. Vậy nên đa số vở kịch thiếu nhi chỉ mang chất lượng của những chương trình thuần tính giải trí. Cốt yếu các chương trình đó đều ngắn gọn, mang lại nhiều tiếng cười hơn là những thông điệp nghệ thuật và nhân văn, mang lại nhiều màn “giao lưu bim bim, bỏng ngô” phớ lớ, dễ thanh quyết toán hợp đồng chạy show hơn là những gửi gắm tâm huyết nghệ thuật với mầm non tương lai. 

Nhìn lại những yếu tố khách quan với thực trạng sân khấu, ngay cả các bậc phụ huynh giờ đây cũng thờ ơ với những bộ môn nghệ thuật chính thống chứ đừng nói đến trẻ em. Nhiều trẻ em chỉ tìm thấy sự vui thích từ games, YouTube, TikTok... trong khi cha mẹ chúng cũng thế. Khó trách họ được vì quy luật tất yếu của phát triển là thách thức, sàng lọc, đào thải và phát triển những giá trị mới. Liên tục các bộ phim "bom tấn" mùa hè đổ bộ vào Việt Nam, phủ kín truyền thông và quảng cáo trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Kịch thiếu nhi Việt Nam có còn cách nào cạnh tranh sòng phẳng với những bộ phim hoạt hình, cổ tích... của Walt Disney cũng như các hãng phim Hollywood lừng danh khác? Đấy là chưa tính đến vô vàn cám dỗ mua vui ngoài xã hội mà chính các bậc làm cha làm mẹ dù rất cảnh giác cũng vẫn vô tư mang về cho con cái. Con quấy, con đòi chơi, vòi vĩnh nọ kia thì cứ quẳng cái điện thoại, bật YouTube cho chúng lướt những clip “màn hình dọc” là yên chuyện để làm việc riêng. Xã hội đang theo xu hướng giải trí tạm thời với những gì thấy ngay và nhanh trong màn hình dọc của điện thoại như vậy thì còn chút ánh sáng nào cho kịch thiếu nhi hay không?

Vẫn tin có "phép màu" đến với kịch thiếu nhi

Ngoại thành Hà Nội vào vụ gặt. Tôi đưa hai đứa con đi chơi ngoài những cánh đồng. Nông nghiệp giờ cơ giới hóa, máy gặt đập liên hợp tuốt lúa thẳng vào bao và nghiền rơm phun ra ngập mặt ruộng; nông dân giờ không phải gặt bằng liềm và đập thóc như xưa. Với thế hệ tôi thì vẻ đẹp đồng quê đã bị công nghiệp hóa, nhưng với hai đứa trẻ thì mở hết mọi giác quan mà cảm nhận một cách trong trẻo nhất. Chúng nó gần như đồng thời òa lên: “Thơm quá! Mùi đồng ruộng thơm quá!”; rồi “Con chuồn chuồn kìa!”; “Kia là châu chấu hay bọ ngựa hả bố?”...

Tối khuya, sau khi đi xem kịch với nhau về, bạn nhỏ 7 tuổi của tôi bảo: “Con mèo ngu ngốc dạy hải âu bay được bố ạ. Vì nó tin nó làm được”. Ô hay! Khác hẳn những gì trong thông cáo báo chí về vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ. “Con mèo dạy hải âu bay” là một vở kịch thiếu nhi được tác giả Nguyễn Công Đức chuyển soạn từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Luis Sepúlveda (Pháp). Thầm thấy những hoài bão gửi gắm đến con trẻ của đạo diễn Đào Duy Anh. Nếu không thật sự yêu, không thật sự thương bọn trẻ thì không thể gửi những “tín hiệu vũ trụ” về tình người một cách tài tình và chân thành đến thế!

Tôi thì vẫn tin ở hoài bão của các nghệ sĩ chân chính. Con đường nghệ thuật vẫn luôn phiêu lưu như của chú dế mèn thơ ấu. “Dế mèn phiêu lưu ký” lên sân khấu lần đầu năm 1995 với bản dựng của đạo diễn Đức Hải, năm 2015 với bản dựng nổ vỡ rạp của đạo diễn Bùi Như Lai, năm 2021 trở lại trên sân khấu Lệ Ngọc với bản dựng của đạo diễn Lê Hùng.

Các diễn viên vẫn diễn chan chứa niềm vui và những khúc mắc cuộc sống như bao đời, bất kể trẻ, già. Nghệ sĩ và sáng tạo nghệ thuật với sân khấu kịch thiếu nhi vẫn nguyên vẹn ở đó như cánh đồng mùa gặt. Có ai cùng nhau đưa các em đến đây không?

Nhà văn NGUYỄN ANH VŨ