Hiếm có, khó tìm kiến trúc sư trẻ thành danh
Ngày 29-6-2024, lãnh đạo Hội KTS Việt Nam làm việc với Câu lạc bộ KTS trẻ Việt Nam. Sau buổi làm việc tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã đưa ra nhiều kết luận quan trọng, trong đó Hội KTS Việt Nam ủng hộ tổ chức thí điểm giải thưởng dành riêng cho KTS trẻ (dưới 40 tuổi) trên phạm vi toàn quốc. Như vậy, sự “trẻ” của các KTS lúc này đã được nâng thêm 5 tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, với một số chi hội KTS địa phương, số lượng KTS trẻ còn hiếm đến mức phải nới rộng biên độ lên thành 45 tuổi trở xuống cũng được gọi là trẻ.
 |
Tác phẩm "Bắc Hồng" của KTS trẻ Phạm Quốc Đạt đoạt giải vàng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018. Ảnh: MỘC MIÊN |
Như vậy, có thể thấy lực lượng KTS có tuổi đời trẻ thì tương đối đông đảo do việc đào tạo KTS ngày càng mở rộng về mặt số lượng khi nhiều cơ sở đại học tham gia mở chương trình đào tạo ngành kiến trúc. Tuy nhiên, số lượng KTS trẻ về tuổi nghề, nghĩa là thực hành nghề nghiệp liên tục và có tác phẩm thiết kế được ghi nhận bởi các hội nghề nghiệp lại tương đối ít. Lĩnh vực sáng tác đã vậy, lĩnh vực lý luận và phê bình kiến trúc còn khó tìm hơn những KTS được gọi là trẻ bởi những yêu cầu cao hơn về trình độ hiểu biết cũng như khả năng tổng hợp, đánh giá thông tin.
Trong Giải thưởng Kiến trúc quốc gia, sau khi trao các giải thưởng chính thức, sẽ có bằng khen “KTS trẻ tiêu biểu” dành cho các KTS dưới 35 tuổi đoạt các giải thưởng lớn, giải vàng hoặc giải bạc. Trong 3 mùa Giải thưởng Kiến trúc quốc gia gần đây nhất vào các năm 2016, năm 2018, năm 2020-2021 thì số lượng KTS được trao bằng khen “KTS trẻ tiêu biểu” với các hạng mục công trình tương đối áp đảo: Năm 2016 có 4 tác phẩm, năm 2018 có 5 tác phẩm, năm 2020-2021 có 2 tác phẩm.
Đặc biệt, năm 2018, giải vàng duy nhất của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia được trao cho tác phẩm “Bắc Hồng” (hạng mục Nhà ở nông thôn) cùng với bằng khen “KTS trẻ tiêu biểu” cho tác giả-KTS Phạm Quốc Đạt, sinh năm 1991. Trong khi đó, cả 3 lần thì chỉ có duy nhất KTS Vũ Hiệp (sinh năm 1982) với ấn phẩm “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật” thuộc mảng lý luận, phê bình kiến trúc được trao bằng khen “KTS trẻ tiêu biểu” vì ấn phẩm này đã đoạt giải nhì Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018, một hạng mục mà giải nhất là tương đối hiếm hoi.
Tin tưởng vào trình độ kiến trúc sư trẻ
Xét về mặt số lượng, các KTS trẻ có tác phẩm đoạt giải tuy không nhiều nhưng nếu xét trên phương diện chất lượng thì tác phẩm của các KTS trẻ được đánh giá cao bởi giới chuyên môn, không hề kém cạnh khi so sánh với các lớp đàn anh đã hành nghề “lão luyện”, kể cả trên phương diện thiết kế sáng tác lẫn lý luận phê bình kiến trúc. Điều này đã được chứng minh trên thực tế khi các tác phẩm của KTS trẻ đã đạt được những ngôi vị cao nhất không chỉ trong các giải thưởng kiến trúc trong nước mà còn ở các giải thưởng quốc tế.
Cũng như các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác, tác phẩm của các KTS trẻ thường có những cách thức tiếp cận mới, tươi trẻ, cập nhật các xu hướng của thời đại cũng như chuyển hóa những phong cách, thủ pháp đương đại trong xử lý tác phẩm, mang đến những làn gió mới, hơi thở mới cho nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng. Thậm chí, các KTS trẻ sẵn sàng phá vỡ những giới hạn, lối mòn trong thực hành kiến trúc để tìm ra các cách thức thiết kế mới, những quan điểm thẩm mỹ mới, mở đầu và tiên phong cho những xu hướng, phong cách mới. Chính vì vậy, một số tác phẩm của các KTS trẻ như những “tuyên ngôn” định hướng về con đường kiến trúc của họ.
Mức sống của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao nên lĩnh vực kiến trúc ngày càng đa dạng và được phân nhánh, phân cấp thành nhiều mảng công việc thiết kế khác nhau. Một điều dễ nhận thấy nhất là các KTS trẻ hiện nay thường thích làm thiết kế kiến trúc nội thất hay thiết kế kiến trúc cảnh quan công trình, bởi số lượng công việc tương đối dồi dào, quy mô công việc vừa tầm, thời gian triển khai nhanh, ngắn và quan trọng nhất là tính thanh khoản cao. Trong khi đó, lĩnh vực thiết kế công trình và nhất là thiết kế đô thị hay quy hoạch đô thị lại kém thu hút sự hứng thú của các KTS trẻ do những công việc này đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, thời gian và chất xám hơn-điều mà những người trẻ ngày nay tương đối ngại bởi các cân nhắc tương đối thực dụng của họ.
Mặt khác, do đặc điểm ngày càng năng động, tự chủ của thế hệ trẻ, cũng như đề cao cá tính, mong muốn sớm tự mình tạo dựng phong cách riêng cho mình nên các KTS trẻ thường hành nghề độc lập mà ít quan tâm đến việc tham gia các hội nghề nghiệp, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề với những chủ đề chuyên sâu, hay những buổi truyền đạt kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước. Chính vì vậy, đôi lúc, tác phẩm của các KTS trẻ vẫn mang tính hình thức, hào nhoáng hơn là đề cao nội dung, tư tưởng khiến thiết kế của họ trở nên thiếu chiều sâu.
Như vậy, có thể thấy điểm mạnh của các KTS trẻ là sức sáng tạo, niềm say mê, tinh thần nhiệt huyết, năng động, tự chủ trong việc tìm tòi những phong cách thiết kế mới, hướng đến sự độc đáo và khẳng định mình trên thị trường. Tuy nhiên, điểm yếu của họ là tính thực dụng cao nên họ dễ dàng chấp nhận những công việc mang lại giá trị kinh tế nhanh chóng hơn là những công trình thực sự vị nghệ thuật thường hiệu quả kinh tế lại có thể không cao.
Để yếu tố trẻ trở thành một điểm mạnh
Có thể khẳng định, so với những lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khác, các sản phẩm của kiến trúc không chỉ đơn thuần tạo cảm xúc cho người sử dụng mà đó là “nghệ thuật có trách nhiệm” nên còn phải bảo đảm các yêu cầu định hướng xã hội, vận hành kỹ thuật công trình hay an toàn sinh mạng cho con người nên nếu người thiết kế trẻ quá cũng chưa hẳn đã là tốt khi vốn sống chưa tích lũy đủ, phong cách sống của họ chưa được định hình. Do đó, thật dễ hiểu khi khái niệm “trẻ” đối với các KTS vẫn có một độ trễ nhất định.
Việc các giải thưởng kiến trúc có thêm những hạng mục hay giải thưởng riêng dành cho KTS trẻ được xem như sự khuyến khích, sự tôn trọng của xã hội, của giới chuyên môn với những nỗ lực của những người trẻ. Tuy nhiên, có vẻ như điều đó là chưa đủ. Thực tế vừa qua cho thấy, rất nhiều hội, chi hội nghề nghiệp địa phương lẫn Trung ương đã thành lập những câu lạc bộ KTS trẻ để tạo ra các sân chơi, nơi giao lưu cho thế hệ trẻ. Việc thành lập các câu lạc bộ này có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo sân chơi cho những KTS trẻ có được không gian, môi trường tương tác làm việc, có hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa nhà thiết kế, nhà cung cấp, nhà thầu và chính quyền địa phương.
Các hội nhóm KTS, dù chính thức hay không chính thức cũng được xem như một kênh hữu hiệu để những KTS trẻ tìm đến trao đổi, học hỏi phong cách, kinh nghiệm lẫn nhau cũng như từ các thế hệ KTS đi trước. Chính điều này đã phần nào giúp các KTS trẻ tạo nên mạng lưới cho riêng mình bởi xét cho cùng, kiến trúc là một ngành công nghiệp dịch vụ mà dịch vụ do KTS cung cấp tốt hay không còn phụ thuộc cả vào mạng lưới quan hệ của họ mạnh hay yếu, bởi một mạng lưới tốt sẽ giúp công việc của các KTS trẻ suôn sẻ hơn và mở ra thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp cho họ.
Một đặc điểm khác biệt của thực hành kiến trúc là các KTS sẽ được tham gia các chương trình đào tạo trong phát triển nghề nghiệp liên tục CPD (Continuous Professional Development) nhằm nâng cao những hiểu biết lý luận, cập nhật những cách thức thực tế trong hành nghề. Đây thực sự là những cơ hội tốt để các KTS trẻ tự trau dồi, cập nhật và phát triển các kiến thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các hoạt động chuyên môn dành riêng cho KTS trẻ cũng được chú ý hơn, nhất là các trại thiết kế, cuộc thi, workshop dành cho KTS trẻ liên tục được mở ra với những hoạt động thú vị, đúng với lứa tuổi của họ.
KTS trẻ thời nào cũng vậy, luôn đối mặt với những khó khăn đi tìm cái mới, cái tôi khi mà thế giới xung quanh họ đã được định hình bởi nhiều định chế nghệ thuật. Nhưng rất may, tuổi trẻ có nhiều năng lượng để bứt phá, có nhiều khát vọng để sáng tạo. Do đó, chỉ cần cho các KTS trẻ những môi trường kết nối, những phương pháp tư duy và những niềm tin nghề nghiệp thì chắc chắn họ sẽ nỗ lực không ngừng, để có thể đóng góp cho xã hội những sáng tạo của riêng mình.
PGS, TS TRẦN MINH TÙNG, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.