Làm được điều này cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương, khu vực.

Đối diện với những thách thức

Với 1.350 làng nghề, Hà Nội hiện chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Làng nghề vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng. Trong các làng nghề nói chung, Hà Nội có số lượng lớn các làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, một trong 6 lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh mà thành phố ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

leftcenterrightdel
 

Các sản phẩm làng nghề truyền thống trưng bày tại đình Kim Ngân trong Hội nghề kim hoàn Hà Nội năm 2023. Ảnh: VĂN TUÂN

Những làng nghề truyền thống sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đã nổi tiếng trong và ngoài nước lâu nay có thể kể đến như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)... Chưa kể hàng chục làng chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nằm rải rác ở các huyện: Thạch Thất, Đông Anh, Thường Tín... Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội là nơi các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử. Không chỉ làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo, để nâng cao chuỗi giá trị, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ làng nghề còn cần phải đầu tư cải tiến mẫu mã để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, hiện nay, Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Khối làng nghề tạo việc làm cho khoảng 750 nghìn lao động.

“Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh, song ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội cũng giống nhiều nơi trên cả nước, đang gặp không ít thách thức, khiến nghề này chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong số 1.350 làng nghề hiện có, chỉ có 207 làng nghề đang phát triển, 543 làng nghề đã bị mai một và hàng trăm làng nghề có dấu hiệu mai một”, bà Hà Thị Vinh cho hay.

Những thách thức lớn nhất đối với làng nghề, theo bà Vinh, là khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế sản phẩm; việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế, sản phẩm thiếu sự độc đáo, thiếu nhân lực có tay nghề... Đối với những làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch thì mối liên kết giữa làng nghề với doanh nghiệp lữ hành còn yếu, nghệ nhân làng nghề chưa sẵn sàng với việc làm du lịch.

Ông Đoàn Quang Cường, Phó trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm cho biết: “Những ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian, cảnh quan, kiến trúc và thu hẹp hoạt động trên nhiều tuyến phố, thể hiện rõ nhất qua số cửa hàng kinh doanh kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã giảm từ 90 xuống còn 40, số cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống trên phố Lãn Ông giảm từ 85 xuống 35 và số cửa hàng kinh doanh tơ lụa trên phố Hàng Gai giảm từ 91 xuống còn 40”.

Sáng tạo phát triển từ giá trị di sản

Khu phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử quốc gia, vì vậy việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với nơi đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong đó, việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội của người dân và các cơ quan hữu quan. Theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP Hà Nội Vũ Mạnh Hải: “Trên phố cổ Hà Nội bây giờ không còn nhiều làng nghề mà chủ yếu là nơi để họ tiêu thụ sản phẩm, nhưng có thể triển khai mô hình “Phố cổ-làng nghệ thuật truyền thống”, tức là liên kết chuỗi các làng nghề, hộ kinh doanh... tạo nên một không gian văn hóa và nghệ thuật làng nghề trải dài các mô hình trải nghiệm, từ gallery nghệ thuật đến thử nghiệm sáng tạo dựa trên những chất liệu truyền thống đạt chất lượng, mẫu mã để đáp ứng sản phẩm quà tặng, phục vụ khách du lịch”.

Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh những việc cần làm ngay, đó là xây dựng cơ sở dữ liệu di sản một cách khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng sáng tạo thể nghiệm, thực hành những sáng tạo mới, mang lại những giá trị mới cho di sản. Tạo nguồn quỹ phục vụ bảo tồn, lưu giữ tri thức dân gian nghề truyền thống, cũng như hỗ trợ khơi nguồn thiết kế sáng tạo từ giá trị di sản. Xây dựng các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với đời sống hiện đại.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 12 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa... Trong đó, thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của văn hóa và là nền tảng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa. Về phía TP Hà Nội, đề án phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nhất là khu vực nông thôn. Đây được coi là hướng đi hết sức đúng đắn bởi từ lâu, làng nghề đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội.

CHÂU XUYÊN