Đến với Hà Giang, bên cạnh được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thưởng thức đặc sản của địa phương, du khách còn có cơ hội trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống thủ công độc đáo. Một trong những làng nghề nổi tiếng ở đây là làng nghề dệt lanh thổ cẩm ở xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ).
    |
 |
Người Dao ở Sa Pa (Lào Cai) luôn quan tâm, giữ gìn nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống. |
Bà Vàng Thị Mai, người dân tộc Mông, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến ở xã Lùng Tám cho biết: “Nghề dệt lanh ở Lùng Tám được hình thành đã lâu và trao truyền qua nhiều thế hệ. Năm 2000, để giúp người dân Lùng Tám phát triển kinh tế bằng nghề truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đã tạo điều kiện, hỗ trợ cấp vốn ban đầu cho chị em phụ nữ và tìm đầu ra cho sản phẩm lanh thổ cẩm. Với số vốn ban đầu 13 triệu đồng, tôi cùng chị em phụ nữ đầu tư hạt giống, phân bón, gieo trồng lanh trên diện tích 400m2. Sau khi thu hoạch, các thành viên của hợp tác xã tổ chức xe lanh, dệt thổ cẩm để bán cho du khách”.
Với tiềm năng, lợi thế về du lịch của Hà Giang, hiện nay, Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến đã trở thành một điểm đến tham quan, mua sắm ưa thích của du khách. Không những thế, những tấm vải lanh, những chiếc ba lô, túi xách, khăn... với nhiều họa tiết, màu sắc đa dạng, phong phú, được làm từ lanh thổ cẩm đã bắt đầu vươn ra thị trường các nước như: Italy, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ... “Từ khi nghề dệt lanh thổ cẩm được phục hồi, ngoài việc phát triển sản xuất, chăn nuôi ở gia đình, 130 thành viên của Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến cũng có thêm thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng từ nghề dệt lanh thổ cẩm; hợp tác xã có doanh thu mỗi năm từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng. Nhờ có hướng đi đúng, những năm gần đây, đời sống của người làm nghề dệt lanh thổ cẩm được cải thiện, đa phần chị em đã thoát nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống sung túc, ấm no”, bà Vàng Thị Mai cho biết thêm.
Đến Cao Bằng, một trải nghiệm thú vị với du khách là ghé thăm làng rèn Phúc Sen (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa). Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề truyền thống nơi đây vẫn được đồng bào Nùng gìn giữ, phát triển với các loại sản phẩm phong phú, như: Cuốc, xẻng, dao, kéo, búa... Ông Nông Văn Tuấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Minh Tuấn cho biết, gia đình ông đã có 4 đời làm nghề rèn. Từ khi hơn 10 tuổi, ông Tuấn đã học và phụ giúp ở lò rèn của gia đình. Năm 2012, thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn, ông Tuấn cùng một số người trong làng đã cùng chung vốn thành lập Hợp tác xã Minh Tuấn. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, sản phẩm dao của Hợp tác xã Minh Tuấn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, qua đó giúp hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Minh Tuấn bán ra thị trường hơn 4.000 sản phẩm dao các loại. “Cả xã hiện có 150 lò rèn với khoảng 200 hộ làm nghề rèn, hơn 500 thợ rèn lành nghề. Mỗi năm, người dân ở Phúc Sen làm ra hàng vạn sản phẩm, với giá trị hàng tỷ đồng, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân”, ông Tuấn cho biết.
Làng nghề dệt lanh thổ cẩm ở Hà Giang hay nghề rèn ở Cao Bằng chỉ là hai trong nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS đã và đang được bảo tồn, giữ gìn, phát triển, qua đó tạo sinh kế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó, số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng nghề (khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống).
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: “Đặc trưng của làng nghề, nhất là các làng nghề ở vùng DTTS như mây, tre đan, dệt thổ cẩm, điêu khắc đá, gỗ... là sử dụng công nghệ truyền thống. Vì vậy, muốn làng nghề tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay thì phải có hướng đi phù hợp. Để làng nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền, thích ứng tốt với thị trường, trước hết, cần hiện đại hóa công nghệ truyền thống, áp dụng khoa học-công nghệ trong quá trình sản xuất để giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất và tạo ra nhiều sản phẩm phong phú về chủng loại, mẫu mã. Đồng thời, cần có quy hoạch từ quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu đến đào tạo nhân lực có tay nghề cao”.
Bên cạnh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống như hỗ trợ vốn vay, mặt bằng sản xuất, đào tạo nghề... thì người dân ở các làng nghề cũng cần chủ động, sáng tạo, tâm huyết trong việc giữ nghề cha ông để lại, nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, tạo ra các sản phẩm độc đáo, riêng biệt, đồng thời chú trọng quảng bá rộng rãi sản phẩm thông qua nhiều kênh, tận dụng môi trường số, gắn phát triển làng nghề với du lịch cộng đồng...
Bài và ảnh: KIM ANH