Nâng cao khả năng sáng tác âm nhạc và tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật toàn quân, chuẩn bị hướng tới ngày kỷ niệm lớn của Quân đội và đất nước như: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân,... Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Trại sáng tác âm nhạc toàn quân năm 2023.

Bên cạnh đó, Chi hội Nhạc sĩ Quân đội trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa được thành lập nhằm tập hợp sức mạnh, phát huy truyền thống sáng tạo của các nghệ sĩ-chiến sĩ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Quân đội.

 Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

Phát huy vai trò xung kích của các nghệ sĩ-chiến sĩ

Phóng viên (PV): Đồng chí có đánh giá như thế nào về những đóng góp, đồng hành của các nhạc sĩ Quân đội đối với sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam?

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy: QĐND Việt Nam là cái nôi sinh ra và chắp cánh cho rất nhiều nhạc sĩ có tên tuổi, là những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Huy Du, Huy Thục, Doãn Nho... Nhiều thế hệ nhạc sĩ đã trưởng thành từ Quân đội và có những đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc của đất nước, đồng hành với nhạc sĩ cả nước tham gia “ghi chép lịch sử Việt Nam bằng âm nhạc”. 

Hiện nay, Quân đội có một lực lượng đông đảo hơn 200 người hoạt động sáng tác âm nhạc, 114 người là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, từ “3X” tới “9X”. Bộ Quốc phòng, TCCT luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa tư tưởng và chăm lo đội ngũ chiến sĩ-nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa-nghệ thuật; hằng năm đều có kế hoạch mở các trại sáng tác ở các chuyên ngành, trong đó có mảng âm nhạc mà Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là cơ quan thường trực, tổ chức nghiệm thu và công diễn các tác phẩm xuất sắc.

Các nhạc sĩ đã được Bộ Quốc phòng quan tâm và các đơn vị tạo điều kiện đi thâm nhập thực tế, cảm nhận được đời sống, nhiệm vụ của bộ đội, địa phương từ biên giới đến biển, đảo; tìm hiểu các lực lượng mới của Quân đội như Cảnh sát biển, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, cứu hộ cứu nạn... Đặc biệt, trước các sự kiện lớn của đất nước như đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,... các nhạc sĩ Quân đội luôn đi đầu trong việc sáng tác, tuyên truyền một cách nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.

PV: Sự kiện thành lập Chi hội Nhạc sĩ Quân đội có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động sáng tác cũng như các hoạt động chung về văn hóa-nghệ thuật của các nhạc sĩ Quân đội, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy: Cũng có ý kiến cho rằng việc này đáng lẽ phải được thực hiện khá lâu rồi, tuy vậy đến nay Chi hội Nhạc sĩ Quân đội mới ra mắt. Tôi không thấy đó là muộn hay chậm, mà điều quan trọng là từ trước tới nay các nhạc sĩ Quân đội luôn đồng hành với đất nước và nhân dân.

Việc thành lập chi hội tạo sân chơi danh chính ngôn thuận cho các thế hệ nhạc sĩ Quân đội, do đó các nhạc sĩ Quân đội rất phấn khởi, tự hào. Được biết, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đang có những đề xuất đổi tên Chi hội Nhạc sĩ Quân đội thành Hội Nhạc sĩ Quân đội, như vậy sẽ hội tụ được đông đảo hơn nữa các thành phần sáng tác, nghiên cứu lý luận, đào tạo, chỉ huy... cũng như phát huy được vai trò xung kích, sáng tạo của lực lượng làm âm nhạc trong toàn quân, đóng góp cho sự phát triển chung của văn hóa-nghệ thuật nước nhà.

 Hình ảnh trong vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”. Ảnh: CHÂU XUYÊN

Vươn tới những tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm

PV: Đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trở thành chủ đề sáng tác âm nhạc của nhiều thế hệ tác giả và rất nhiều tác phẩm đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Đồng chí có ý kiến như thế nào về lực lượng sáng tác cũng như chất lượng của các tác phẩm mang chủ đề này?

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy: Đây là đề tài mà tôi được biết bất cứ nhạc sĩ nào cũng mong muốn sáng tác và có tác phẩm hay. Thời gian qua, nhiều nhạc sĩ trong và ngoài Quân đội có chung niềm đam mê sáng tác những ca khúc hay, chất lượng. Ghi nhận hơn nữa là có nhiều nhạc sĩ trẻ thuộc thế hệ “8X”, “9X” và có cả các bạn "gen Z" cũng tham gia sáng tác những ca khúc về người lính.

Một số bạn ít nhiều đã khẳng định được tên tuổi của mình qua những sáng tác về hình tượng người lính rất trẻ trung, sôi nổi như Hoàng Hồng Ngọc với “Yêu anh-người lính”, “Bắn trúng tim em”...; Vũ Huyền Ngọc với “Giữ màu xanh”, “Lời ru nơi tuyến đầu”, “Vì nơi ấy có anh”, “Nếu anh không về”... Các nhạc sĩ trẻ đã có những cách nhìn, tiếp cận người lính trong đời sống, rèn luyện, chiến đấu rất mới mẻ và đúng với hình ảnh của người lính ngày hôm nay.

Về việc tổ chức các trại sáng tác trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng chú trọng tới việc chuyên sâu, cụ thể theo chủ đề chứ không dàn trải, ví dụ như có trại tổ chức cho anh chị em thâm nhập và đi thực tế tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đơn vị tác chiến điện tử, cứu nạn, cứu hộ, công binh, tàu ngầm, quân y... để các trại viên có điều kiện tiếp xúc, nghe kể trực tiếp những câu chuyện của người lính ngày hôm nay.

Vẫn là hình ảnh người lính sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, nhưng ngày nay sẽ khác trước kia. Tình yêu của người lính, vợ lính ngày nay chắc chắn sẽ khác xưa. Vậy phải viết lời ca, giai điệu làm sao để cổ vũ, khích lệ người lính yên tâm công tác; người vợ, người yêu thêm tin tưởng Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi tác phẩm khi vang lên không chỉ là những sáng tác mới, rung động cảm xúc người nghe, phù hợp với sự phát triển chung của âm nhạc mà còn là sự cổ vũ tinh thần, xây dựng lý tưởng cho cả người lính và hậu phương.

PV: Có một thực tế là ca khúc về hình tượng người lính khá nhiều, được biết trong gần 5 năm qua đã có gần 900 ca khúc. Tuy nhiên tác phẩm có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ thực sự chưa có. Đồng chí suy nghĩ gì về điều này?

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy: Quả đúng vậy. Chúng ta đang có một lực lượng sáng tác âm nhạc lớn cả trong và ngoài Quân đội, đề tài về Bộ đội Cụ Hồ luôn có sức hấp dẫn. Có rất nhiều ca khúc nhưng lại chưa có tác phẩm đỉnh cao, nếu so sánh trở lại với các thế hệ nhạc sĩ Quân đội đi trước. Đây là nỗi trăn trở và đau đáu của những người làm âm nhạc Quân đội.

Có một thành tựu đáng kể, đó là dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội (năm 2022), Bộ Quốc phòng, TCCT giao nhà trường dàn dựng và công diễn vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho tại Nhà hát Lớn Hà Nội với hai đêm diễn 21 và 22-12-2022. Vở diễn được nhạc sĩ tài ba sáng tác trong 10 năm trời, đã tạo sức lan tỏa tới đông đảo công chúng. Đây là tác phẩm nhạc kịch thứ 7 của nền nhạc kịch Việt Nam sau những tác phẩm lớn như “Cô Sao”, “Người tạc tượng”, “Lá đỏ”...

Và nhìn lại, tất cả các vở nhạc kịch, kịch múa lớn đều mang chủ đề chiến tranh cách mạng và người lính. Nhà trường được biết đến là đơn vị nghệ thuật đầu tiên của cả nước dựng thành công vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, tác phẩm đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật, đến nay đã trở thành vở diễn kinh điển của nghệ thuật nước nhà.

Với nền tảng, bề dày truyền thống, chúng tôi hy vọng nhà trường tiếp tục là nơi hội tụ các tài năng âm nhạc, nghệ thuật nói chung để có thể dàn dựng những tác phẩm lớn, đỉnh cao trong sự quan tâm, đầu tư của Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng. Từ đó lan tỏa, quảng bá những tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật góp phần tô thắm hình tượng Bộ đội Cụ Hồ.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)