Tham dự lễ khai mạc có đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Tuấn Linh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Văn hóa - Di sản Quốc gia.

leftcenterrightdel

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng”. 

Thông qua nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, từ thế kỷ 13-14, Bát Tràng đã là trung tâm sản xuất gốm sứ có phạm vi rộng lớn với các loại gốm men mang đặc trưng thời Trần. Bước qua thế kỷ 15-16, Bát Tràng phát triển mạnh mẽ hơn, là trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hóa cao, với các sản phẩm đạt đến trình độ mỹ thuật, thực sự là các tác phẩm nghệ thuật được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, trước những biến động khiến nhiều trung tâm sản xuất gốm sứ bị tàn lụi, song gốm Bát Tràng vẫn duy trì được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi và những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia cho biết: “Bát Tràng là trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng, có lịch sử lâu đời nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây đã từng sản xuất nhiều loại hình gốm, sứ đặc sắc và quý hiếm, được ưa chuộng, sử dụng phổ biến từ làng quê đến chốn cung đình, từ đồ thờ tự dân gian đến vật phẩm ngoại giao. Kế thừa truyền thống với những sắc thái riêng biệt, gốm Bát Tràng đã tồn tại qua những giai đoạn lịch sử khó khăn và phát triển đến ngày hôm nay, trở thành bảo tàng sống động về gốm sứ nói riêng và lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung. Với lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa đặc sắc văn hóa dân tộc, gốm Bát Tràng trở thành đối tượng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành nên một bộ sưu tập quý giá”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số hiện vật độc đáo, đặc sắc của gốm cổ Bát Tràng.

Với 39 hiện vật đặc sắc được lựa chọn từ bộ sưu tập gốm Bát Tràng, Bảo tàng mong muốn du khách trong và ngoài nước có dịp thưởng thức bộ sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trong dòng chảy của lịch sử gốm sứ Việt Nam, từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

Tin, ảnh: TRUNG KIÊN