Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đỗ Văn Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Vụ Bản nhấn mạnh, Lễ hội Phủ Dầy gắn với bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, là hoạt động văn hóa dân gian độc đáo, có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc. Việc tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Từ khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, Lễ hội Phủ Dầy ngày càng khẳng định được vị thế, trở thành điểm đến của du lịch tâm linh đối với du khách trong nước và quốc tế.
Hằng năm, cứ vào mùa lễ hội, hàng nghìn tín đồ theo đạo Mẫu, cùng đông đảo du khách thập phương lại trở về Phủ Dầy để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu, đồng thời tham quan chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, nơi khởi nguồn của nghệ thuật hát chầu văn.
    |
 |
Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Phủ Dầy năm 2023. Ảnh: TTXVN |
Lễ hội Phủ Dầy gắn liền với sự tích về Thánh mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt với nghi lễ Chầu văn - hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu của đạo Mẫu. Hiện nay, nghi lễ Chầu văn không chỉ diễn ra ở các di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, còn được sáng tạo, cải biên với các hình thức biểu diễn trên sân khấu trong các cuộc thi, các hoạt động văn hóa quần chúng.
Lễ hội Phủ Dầy năm 2023 diễn ra trong 6 ngày (từ 22 đến 27-4) với các hoạt động văn hóa truyền thống phong phú, như: Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn; lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Vân Cát đến chùa Linh Sơn; lễ rước đuốc tại phủ Tiên Hương; thi đấu cờ người; xếp chữ; kéo hoa trương hội.
VIỆT CHUNG
QĐND - Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh Nam Định, trong tháng 8 này, tỉnh sẽ trình hồ sơ lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa Lễ hội Phủ Dầy vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia...