Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; Lương Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông.

Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương xã Hiền Quan; Báo Quân đội nhân dân; các nhà khoa học cùng lãnh đạo các cơ quan sở, ban, ngành địa phương.

 Hội thảo khoa học Lễ hội Phết Hiền Quan đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
 Đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Tam Nông là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, là huyện có nhiều di tích, lễ hội so với các huyện, thị, thành trong tỉnh. Một trong những di tích và lễ hội cổ còn lưu giữ được là lễ hội Phết xã Hiền Quan, đây là lễ hội đặc sắc, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự từ các vùng lân cận và du khách gần xa trong cả nước về tham dự. Những năm gần đây Lễ hội Phết tạm dừng chưa tổ chức do có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan; cần được các nhà quản lý, các nhà khoa học, cộng đồng khu dân cư tìm ra phương án phù hợp để tổ chức. Ban Tổ chức hội thảo mong muốn, các đại biểu dự cùng đóng góp các ý kiến, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các giá trị, ý nghĩa của Lễ hội Phết Hiền Quan trong các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian của huyện Tam Nông nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung. Từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp để tạo sự đồng thuận của cộng đồng thực hiện lễ hội phù hợp với truyền thống dân gian, tính văn minh của thời đại cũng như các quy định của nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều khẳng định, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị truyền thống, các di sản, di tích lịch sử - văn hóa là nhiệm vụ hết sức cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tri ân của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước. Di tích đền, chùa Phúc Khánh, Lễ hội Phết xã Hiền Quan cũng là một trong những di tích, di sản cần được bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới, nhằm tôn vinh công lao to lớn của nữ tướng Thiều Hoa thời Hai Bà Trưng và nhằm bảo tồn hình thức di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Phết hằng năm nhằm đáp ứng được nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn xã, huyện, cũng như người dân, du khách trên mọi miền đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, có nội dung trong Lễ hội Phết Hiền Quan bị một phần dư luận nhìn nhận tiêu cực, bị đánh giá là phản cảm, bạo lực. Do đó, các đại biểu đã đề xuất các ý kiến loại bỏ các yếu tố, hành vi không đúng với giá trị của Lễ hội Phết theo quy định hiện hành.

Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tham luận tại hội thảo. 

Trình bày tham luận tại hội thảo, Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng truyền thông và dư luận xã hội có tác động rất lớn đến góc nhìn về các lễ hội nói chung. Do đó, công tác tuyên truyền về Lễ hội Phết Hiền Quan cần được quan tâm, nhìn nhận một cách nghiêm túc, có định hướng đúng đắn. Những vấn đề quản lý lễ hội truyền thống cần được giải quyết từ những cách tiếp cận mới. Đại tá Ngô Anh Thu đề xuất cần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Đảng và Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp cụ thể đảm bảo lễ hội được tiến hành trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Trên cơ sở các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các cơ quan, ban ngành chức năng của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ sẽ định hướng địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức Lễ hội Phết hướng tới là Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Lễ hội của xã Hiền Quan cũng như bảo đảm các yếu tố, các điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị di sản hội Phết, hướng tới xây dựng thành công Đề án đổi mới cách thức tổ chức hội Phết.

Tin, ảnh: HÀ PHƯƠNG-ĐỨC TÍNH

Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.