Trong tiết xuân Giáp Thìn ấm áp, từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng, ban tổ chức Lễ hội phết Hiền Quan tiến hành rước kiệu từ đình làng-nơi thờ tứ vị Thành hoàng tới địa điểm thực hiện phần lễ, diễn ra tại đền thờ bà Thiều Hoa bên bờ sông Thao. Theo trình tự, các vị cao niên trong làng đã thực hành phần tế lễ hết sức trang nghiêm, thành kính để tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân.

Năm 2024 là năm thứ 6 phần đánh phết-một trong những nội dung đặc sắc của Lễ hội phết Hiền Quan không được tổ chức, theo lý giải do các điều kiện về cơ sở vật chất, sân đánh phết chưa bảo đảm an toàn cho phần đánh phết và người tham gia lễ hội. Không được đánh phết trong lễ hội truyền thống của làng khiến nhiều người dân tiếc nuối, bởi nhiều năm nay họ luôn mong chờ chính quyền và ban tổ chức lễ hội đưa ra được kịch bản, phương án phù hợp để hội đánh phết được diễn ra, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho một năm mới.

Dù tiếc nuối nhưng người dân Hiền Quan luôn tự hào về văn hóa truyền thống của quê hương mình. Họ tự hào kể cho bạn bè, du khách về lịch sử xa xưa, nơi đây đã nổi tiếng là nơi đông dân cư, nên có câu: Đinh tổng Hiền, điền tổng Tứ (xã Tứ Mỹ). Vùng đất cổ trung du bán sơn địa, với diện tích chỉ hơn 500ha nhưng lưu giữ tới 4 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh. Các di tích này đều liên quan tới những chiến tích của ông cha ta đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, trải qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ thời Hùng Vương tới triều đại nhà Đinh, đã được chính sử ghi nhận.

leftcenterrightdel

Nghi lễ tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa tại Lễ hội phết Hiền Quan được các vị cao niên trong làng thực hành trang nghiêm, thành kính. 

Lịch sử nổi bật của làng phải kể đến nữ tướng Thiều Hoa công chúa, một trong 6 nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng. Thần phả ghi lại rằng, vào những thập niên đầu tiên sau Công nguyên, đất Nam Việt còn chìm trong ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, có một nữ sư tên gọi Thiều Hoa tu tại chùa Phúc Khánh của Song Quan xưa (nay là di tích lịch sử cấp quốc gia). Trước cảnh tình đất nước bị đô hộ, bà đã tuyển mộ các tráng đinh trong vùng và giao cho hai anh em trai họ Bùi là Bùi Thạch Đa và Bùi Thạch Đê quản lý. Hằng ngày, bà dạy họ luyện tập võ nghệ tại khu rừng lim phía sau làng có địa danh là Rừng Cấm-Giếng Mỏ (di tích lịch sử cấp tỉnh), chờ thời cơ cứu nước.

Năm 40 sau Công nguyên, khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, nhà sư đã dẫn đạo quân từ trang Song Quan về Mê Linh tụ nghĩa và được vua Bà phong làm Hữu tướng tiên phong-Đông cung công chúa. Đạo quân của vua Bà đã đánh tan quân Hán, thu lại 65 thành trì. Khởi nghĩa thắng lợi, bà Thiều Hoa trao lại binh quyền và trở về chùa Phúc Khánh tiếp tục cuộc đời tu tập còn dang dở. Trong một buổi đi vi hành dọc bờ sông Thao, thấy nơi thế đất đẹp hình con rùa, bà đã hóa tại đó. Hai Bà Trưng khi nghe tin bà mất đã vô cùng thương tiếc, lệnh cho dân Song Quan xây lăng mộ, đền thờ và sắc phong cho bà Thiều Hoa hiệu Phụ vương công chúa. Lăng mộ và đền thờ của bà nằm ngay bên bờ sông Thao và cũng chính nơi đây hàng ngàn năm nay đã diễn ra lễ hội kéo quân đánh phết-một hình thức rèn luyện quân sĩ của bà những ngày đầu khởi nghĩa. Đã có 5 triều vua khi lên ngôi đều có sắc phong cho bà. 

Giá trị của hội phết Hiền Quan chính là tinh thần thượng võ hòa cùng truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của ông cha ta, đã thấm vào từng mạch máu của con dân đất Hiền Quan nói riêng và con dân đất Việt nói chung. Người dân mong mỏi các cấp có trách nhiệm lên phương án quản lý, tổ chức an toàn, văn minh để người dân được tham gia và thực hành tục lệ truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.

Bài và ảnh: HÀ ANH - VIỆT TRUNG

 *Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.