Tháng Ba về, hoa bưởi rụng trắng sân nhà. Khắp ngõ xóm, đường quê thơm nồng mùi hương không thể lẫn vào đâu được. Ngày ấy, tôi thường thấy mẹ gội đầu bằng thứ nước đun sôi thoang thoảng mùi hương hoa bưởi. Mẹ tôi bảo: “Con gái gội bằng nước hoa bưởi đun sôi để nguội vừa sạch đầu, mà tóc lại mềm óng ả”.

Ấy là mẹ nói vậy, chứ bọn con trai chúng tôi thì để ý gì, chỉ có con gái là quan tâm. Chính vì mẹ tôi thích gội đầu bằng nước đun sôi có thả vào đấy những bông hoa bưởi nên bố tôi lặn lội ra tận xã Phúc Trạch tìm mua mấy gốc về nhân giống. Hằng ngày, mẹ tôi chăm sóc, tưới tắm cẩn thận nên chỉ sau vài năm cây đã đơm hoa kết trái. Những năm đầu thập kỷ 1980, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, mọi người chỉ gội đầu bằng nước bồ kết và hoa bưởi chứ làm gì có các loại dầu gội đầu hạng sang như bây giờ...

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Toquoc.vn 

Tháng Ba về, tôi nhớ dáng cha liêu xiêu trong chiều chạng vạng, dáng mẹ gánh gồng trĩu nặng đôi vai. Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, đồng lương công nhân lâm nghiệp "ba cọc ba đồng” của bố không đủ để nuôi anh em tôi ăn học. Vậy là mẹ lại phải tranh thủ thời gian gánh hàng rong chạy chợ... Cứ sáng tinh sương, đôi bàn chân của mẹ đã miệt mài trên con đường quê bập bõm lốt chân trâu... Thuở ấy, ngày hai buổi đến trường, ngoại dẫn tôi đi trên con đường làng qua cánh đồng xa ngào ngạt hương lúa. Những bông cỏ may líu ríu chân người. Thỉnh thoảng, có bóng cò trắng từ bờ ruộng giật mình bay lên chấp chới phía trời xa. Trên cánh đồng làng, các bà, các chị mặc áo tơi, đội nón trắng đang còng lưng lam lũ.

Cứ vất vả, gian khó bởi miếng cơm, manh áo một thời gian cho đến trước ngày tôi lên đường nhập ngũ, bà con cô bác, anh em họ hàng và bạn bè đến chia tay đông lắm. Đêm ấy, tôi nhận được rất nhiều quà, nhưng có một món quà mà tới tận bây giờ vẫn chưa thể biết chủ nhân của nó là ai. Món quà ấy là một cuốn sổ nhỏ, bên trong ép những chùm hoa bưởi trắng phau.

Sáng tháng Ba năm ấy, mẹ lưu luyến tiễn tôi lên đường nhập ngũ. Con đò tròng trành ra tới giữa dòng sông Tiêm, vậy mà mẹ vẫn đứng trên bờ giơ cao tay vẫy, đôi vai gầy rung lên bên triền sông đầy gió... Con đường binh nghiệp mà tôi đã chọn, phía trước sẽ nhiều thử thách, nhưng đó là tiếng gọi của trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Lắc lư trên chuyến xe khởi hành từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị, nhìn thấy hai bên đường bạt ngàn những cồn cát trắng mênh mông, tôi cảm nhận một điều rằng, đa số cư dân dọc dải miền Trung đầy nắng gió đều sinh ra trên cát, lớn lên trên cát.

Suốt chặng đường, hình ảnh những người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gương mặt thấm đẫm mồ hôi cứ hằn vết trong suy nghĩ của tôi. Họ là những con người gian khổ và hạnh phúc. Gian khổ bởi mưu sinh, song cũng hạnh phúc bởi thành quả lao động của chính họ. Hình như những giọt mồ hôi của mẹ, của cha tôi và bao người dân quê chất phác như mặn mòi hơn, tuôn chảy nhiều hơn sau mỗi lần gồng mình chống chọi với thiên tai, bão lũ...

Giờ đây, cả gia đình lập nghiệp tại phố biển Đà Nẵng, thỉnh thoảng tôi lại về Hà Tĩnh thăm quê. Trong ánh hoàng hôn bảng lảng, bước chầm chậm trên con đường quê ngào ngạt hương hoa bưởi, tôi thấy lòng mình lắng lại và nhận thấy hồn quê mênh mang, diệu vợi, thẳm sâu. Giản dị mà thanh cao, nồng nàn mà tinh khiết, phải chăng mùi hương hoa bưởi là nét đẹp son sắt, thủy chung như tình người xứ Nghệ.

PHAN TIẾN DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.