Một buổi sáng tháng tư, trời nắng nhẹ, lòng tôi hào hứng tìm về chốn linh thiêng này.

Từ đầu thôn Đào Xuyên (xã Đa Tốn), đi qua cây cầu nhỏ bắc ngang sông Nghĩa Trụ, hình ảnh hiện ra là cổng tam quan hai tầng đẹp mắt của chùa Đào Xuyên. Trước cổng chùa có đôi câu đối: “Đất xanh cỏ biếc lan thơm ngát/ Vườn mát gió đưa tâm nhẹ thanh”.

 Bảo vật quốc gia tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn tại chùa Đào Xuyên.

Men theo cổng phụ bên cạnh tam quan, tôi bước vào sân chùa Đào Xuyên mà trong lòng thấy thư thái. Chùa được xây trong khuôn viên khá lớn và khép kín. Tòa tam bảo quay về hướng đông nam, bao gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện. Phía bên trái tam bảo là hồ nước, ở giữa có dựng một đài hoa sen, được sao chép theo kiểu dáng và kích thước của kiến trúc chùa Một Cột.

Theo chị Đỗ Thị Minh Thu, người dân xã Đa Tốn tự hào về chùa Đào Xuyên bởi kiến trúc độc đáo và là nơi linh thiêng để mọi người đến cầu an. Năm 1990, chùa Đào Xuyên được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Từ năm 1998 đến nay, chùa nhiều lần được trùng tu, trong đó trùng tu quy mô lớn vào năm 2010. 

Qua lời giới thiệu của chị Đỗ Thị Minh Thu, tôi gặp và trò chuyện với Đại đức Thích Bảo Phước, thành viên Ban trị sự chùa Đào Xuyên và được biết, chùa có tên chữ là “Thánh Ân tự". Ngoài thờ Phật, chùa Đào Xuyên còn thờ vị sư tổ có công lập Hội Sơn Môn ở phía nam tỉnh Bắc Ninh trước đây (nay thuộc địa phận Hà Nội), vì vậy còn được gọi là “chốn tổ Đào Xuyên”. Ngoài ra, chùa còn sở hữu tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Dẫn chúng tôi đi tham quan tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, Đại đức Thích Bảo Phước khẳng định: “Đây là pho tượng duy nhất ở Hà Nội có niên đại thời Mạc”.

Đại đức Thích Bảo Phước cho hay, chùa Đào Xuyên được xây dựng cách đây gần 700 năm. Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa còn là cơ sở cách mạng, nơi đặt in tài liệu và Báo Độc lập. Hai sư cụ Thích Thông Thiết và Thích Nguyên Nhàn đã dành hai căn phòng tại nhà Mẫu để đặt máy in và là người trông nom, in ấn tài liệu tuyên truyền cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chùa là trạm chỉ huy của Sở chỉ huy Phòng không-Không quân.

Hiện tại, nơi in ấn tài liệu và Báo Độc lập năm xưa tại chùa Đào Xuyên trở thành nhà tưởng niệm với nhiều hình ảnh và tư liệu, đặc biệt là tấm bằng công nhận liệt sĩ đối với sư cụ Thích Thông Thiết vì đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. “Vậy làm sao để du khách, đặc biệt là giới trẻ biết được những thông tin bổ ích trên?”, tôi hỏi. Hướng ánh mắt ra phía cổng tam quan, Đại đức Thích Bảo Phước cho biết: “Trước khi vào đây, chắc bạn đã nhìn thấy biển di tích cách mạng và mã QR được đặt ở tấm biển giới thiệu về chùa rồi chứ? Bạn chỉ cần quét mã QR, mọi tin tức, hình ảnh liên quan đến lịch sử, hoạt động của chùa sẽ xuất hiện”.

Theo tìm hiểu được biết, năm 2016, chùa Đào Xuyên đã được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng. Ngoài là chốn linh thiêng được đông đảo du khách hành hương đến mỗi năm, chùa Đào Xuyên còn là trụ sở của Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Gia Lâm. Hằng năm, chùa tổ chức nhiều khóa tu mùa hè dành cho học sinh, sinh viên nhằm giúp các em có nơi học tập, sân chơi lành mạnh.

Bài và ảnh: PHÚC ĐIỀN