Đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), 70 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 / 7-5-2025) và 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 / 13-5-2025) của hai người lính. Đó là Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) và Thiếu tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Bình, Phó đoàn trưởng Đoàn Văn công Hải quân. Họ đến từ hai thế hệ, hai miền đất khác nhau, nhưng cùng mang trong tim một tình yêu chung về biển đảo quê hương. Không chỉ là nhạc sĩ, họ còn từng sống, chiến đấu và từng lặng thầm cống hiến nơi đầu sóng ngọn gió.
 |
Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn và Thiếu tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Bình chia sẻ về các nhạc phẩm. |
Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn là người con TP Hải Phòng. Ông không chỉ là người lính chiến dày dạn nơi biên giới, không chỉ là người thầy thuốc tận tụy trên những mặt trận khốc liệt của sự sống, mà còn là người nghệ sĩ âm thầm ghi lại bằng âm nhạc những năm tháng đời lính chan chứa lý tưởng và xúc cảm.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn xúc động chia sẻ hành trình từ biên giới phía Bắc, rừng sâu Tây Nguyên, hải đảo Trường Sa, cho đến những ngày tháng chống dịch như chống giặc, ông đã hiện diện, không chỉ bằng y học, mà bằng cả tâm hồn nhạy cảm của một người nghệ sĩ. Âm nhạc của ông như những thước phim sống động, như những trang nhật ký thầm thì giữa trùng khơi: “Có những tuổi hai mươi như thế”, “Tháng Năm rực rỡ”, “Chiến sĩ Mũ nồi xanh”, “Huệ đỏ”… Đặc biệt, album Sức sống Trường Sa là bản anh hùng ca không lời về tình yêu biển đảo, là cánh sóng mang theo những thiết bị y tế thiết thực đến với trung tâm y tế Trường Sa, nơi ông dành trọn 30 năm tuổi quân để chăm lo sức khỏe cho bộ đội.
 |
Các tiết mục mang biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc về gần hơn với đất liền. |
Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn với hơn 50 ca khúc ra đời, đắm sâu trong từng nỗi nhớ, từng nhịp sống, từ “Vẫn mãi màu áo trắng”, “Sinh ra ở Trường Sa”, “Phút lặng im trên biển”, “Sức sống Trường Sa” đến “Rock đồng hồ cát”… luôn ấm áp, chân thành và đầy nhiệt huyết người lính.
Còn Thiếu tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Bình, người con của Tuyên Quang nhưng lại bén duyên, gắn bó máu thịt với Hải Phòng và Hải quân nhân dân Việt Nam. Ẩn sau nụ cười hiền và ánh mắt trầm tư là một tâm hồn nghệ sĩ mãnh liệt, luôn thao thức với từng con sóng ngoài khơi, từng dáng hình người lính giữa bão tố. Không chỉ là người nghệ sĩ biểu diễn, anh còn là người sáng tác sung sức, để lại dấu ấn trong nhiều thế hệ khán giả yêu nhạc chính luận và âm nhạc về biển đảo. Anh là tác giả nhạc phẩm nổi tiếng “Tôi người Hải Phòng” và đã giới thiệu tới công chúng hàng trăm bài hát, trong đó, có hơn 20 bài hát đặc sắc viết về biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân, như: “Biển Tổ quốc tôi”, “Đá Trường Sa, “Đàn trên sóng”, “Mẹ kể con nghe”, “Lá thư không tên”… Âm nhạc của Xuân Bình luôn mộc mạc, gần gũi; lúc chân chất, giản dị, chan chứa cảm xúc; nhưng cũng có lúc dữ dội, mạnh mẽ như những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam hiên ngang, chung thủy, lặng thầm và cống hiến giữa trùng khơi sóng gió.
 |
Chương trình quy tụ nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi của cả nước và Hải Phòng |
Thiếu tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Bình chia sẻ trong ánh mắt lấp lánh sự tự hào: “Tuy không sinh ra ở Hải Phòng, nhưng từ khi viết "Tôi - người Hải Phòng", tôi biết mình đã tìm được quê hương thứ hai. Hải quân và âm nhạc, hai điều tưởng chừng không liên quan lại cùng nhịp đập trong tôi. Tôi viết để giữ lửa, để thấy mình vẫn đang sống đúng với lý tưởng của mình”.
Đêm nhạc đã đưa khán giả đi qua 3 chương: “Những câu chuyện kể”, “Tình yêu người lính biển” và “Biển đảo trong trái tim tôi”. Mỗi giai điệu vang lên như một nhịp sóng, mang theo bao nỗi niềm, bao hoài bão và cả máu thịt gửi về đảo xa. Mỗi ca khúc vang lên trong đêm như một trang nhật ký trầm sâu, không chỉ là âm nhạc, mà là ký ức, là những thước phim sống động được viết bằng nốt nhạc, bằng cảm xúc chân thành của những người đã từng đứng giữa trùng khơi và lặng nhìn cờ đỏ sao vàng bay trong nắng biển. Hai nhạc sĩ, hai người lính đã dệt nên bản hòa âm bất tận, gửi về trùng khơi, để mỗi con sóng không chỉ là nước, mà là nhịp tim của hàng triệu người Việt luôn hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 |
Đêm nhạc cũng chính là nhịp sóng nâng bước quân hành, nối gần biển đảo với đất liền. |
Tiếng hát của các nghệ sĩ không chỉ làm khán phòng xúc động, mà còn kết nối những trái tim đất liền với đảo xa. Ở đó, người lính không chỉ biết cầm súng mà còn biết viết nhạc, kể lại câu chuyện của mình bằng giai điệu, để người ở lại hiểu, để người ra đi vững tin.
Đêm nhạc khép lại, nhưng dư âm vẫn còn đọng mãi. Những bản hòa âm từ trái tim người lính sẽ tiếp tục lan tỏa, như sóng biển không ngừng vỗ về đất mẹ. Và Trường Sa - Hoàng Sa - Biển Đông… mãi mãi là phần máu thịt thiêng liêng trong lòng mỗi người con đất Việt.
Tại đêm nhạc, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn đã vinh dự nhận Huy hiệu “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo” do Bộ tư lệnh Hải quân trao tặng, Thiếu tá Nguyễn Xuân Bình nhận Bằng khen cho những nỗ lực cống hiến của mình trong hoạt động văn hóa-nghệ thuật quân đội. Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng, mà còn là minh chứng sống động cho hành trình sáng tạo không ngơi nghỉ, đầy tự hào của hai nhạc sĩ - chiến sĩ.
|
Bài, ảnh: HOA MAI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.