Tuy nhiên, các pho tượng cổ cũng như nhiều khối kiến trúc độc đáo nơi đây đang xuống cấp nghiêm trọng.

Dẫn chúng tôi tham quan các pho tượng cổ, ni sư Thích Đàm Thủy, trụ trì chùa Tây Phương chỉ lên những hộp thuốc chống mối mọt buộc dưới chân cột gỗ, chân tượng, giọng lo ngại: “Nhiều cột, trụ của chùa bị mối đục, ăn mòn từ chân đế lên dần đến các điểm nối giữa xà và cột. Nếu không kịp thời xử lý thì trong thời gian tới, một phần khu vực mối mọt sẽ bị sụp đổ và dần lây lan sang các chỗ khác, từ đó sẽ phá vỡ kiến trúc, kết cấu gỗ. Trên gương mặt và phần thân của nhiều tượng cổ cũng đã bong tróc lớp sơn son, không còn nguyên vẹn”.

Các pho tượng trong chùa Thượng bị bong tróc, loang lổ sơn son. 

Chùa Tây Phương gồm 3 chùa Thượng, Trung, Hạ tách biệt, đứng song song thành hình chữ “Tam”, được xây dựng theo phái Bắc Tông. Với những giá trị độc đáo, vào năm 2014, chùa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; năm 2015, bộ tượng Phật giáo tại chùa được công nhận là Bảo vật quốc gia. 

Có niên đại cao, đặc trưng công trình và hiện vật cộng với những ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, chùa Tây Phương không tránh khỏi bị tác động, xuống cấp và phải trải qua nhiều đợt tu bổ, tôn tạo. Lần gần nhất chùa Tây Phương được đại tu là từ năm 1990, đến nay chưa được tu bổ thêm lần nào. Hiện giờ, dù di tích được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng những dấu hiệu hư hại vẫn khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thạch Thất cho biết, do chùa Tây Phương là di tích quốc gia đặc biệt nên việc đầu tư tôn tạo, tu bổ phải tuân thủ đúng quy trình. Nhiều năm qua, huyện và nhà chùa có phương án khắc phục, bảo vệ tạm thời bằng cách đặt các hộp thuốc chống mối, mọt ở các cấu kiện gỗ, chân tượng... nhưng chưa hiệu quả; thêm vào đó, mỗi mùa mưa, hệ thống mái ngói lại thêm xô lệch, thấm dột khiến các pho tượng và hiện vật gỗ bị ẩm ướt, bề mặt tượng bong tróc, loang lổ.

Mới đây, UBND huyện Thạch Thất đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc đề xuất danh mục đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thạch Thất giai đoạn 2021-2025, trong đó đề nghị thành phố đầu tư việc quy hoạch, di dân tái định cư tạo không gian cho di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, tôn tạo, tu bổ di tích với kinh phí dự kiến 150 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, quan điểm của huyện Thạch Thất là sẽ tu sửa tổng thể nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính của chùa chứ không làm mới. Huyện sẽ có phương án cụ thể để bảo đảm an toàn cho khu di tích, nhất là việc đón khách trở lại vào ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch tới.

Bài và ảnh: YẾN NHI