Là chủ xưởng gạch Hưng Ký, vì thế, ông Thành đã dùng các loại gạch, ngói, linh vật bằng gốm tráng men nhiều màu để xây dựng chùa trên khuôn viên rộng 3.000m². Chùa được trang trí bằng nguyên liệu gốm sứ, tạo nên nét độc đáo khác biệt so với các ngôi chùa trên đất nước Việt Nam.

Ngay từ phía ngoài, cổng tam quan chùa được thiết kế theo kiến trúc 2 tầng 8 mái với tầng trên là gác chuông. Cổng chính gồm tứ trụ được đắp nổi tứ linh, hổ phù, nghê chầu, phượng múa. Hai mặt ngoài cổng phụ đắp phù điêu hình tượng, mã.

leftcenterrightdel
Chùa Hưng Ký. 

Đặc biệt, các câu đối trên cổng chùa đều được gắn bằng chữ gốm tráng men vô cùng độc đáo. Qua sân rộng là tới tam bảo và phật điện. Mái chùa lợp ngói ống, đầu gắn chữ thọ. Trên bờ nóc mái, chính giữa là chiếc nậm đựng nước cam lồ, phần cổ diêm trang trí các đề tài trong truyện "Tây du ký".

Tòa tam bảo 7 gian với 12 cột chính. Chính giữa phật điện là tượng A Di Đà đặt trên tòa sen ở tư thế thiền định. Đầu hồi tam bảo là hai tòa thập điện Diêm Vương, tượng do nghệ nhân của làng Bát Tràng chế tác bằng đất, tráng men rồi đem nung. Ni sư Thích Từ Ân, trụ trì chùa Hưng Ký cho biết: “Toàn bộ kết cấu cột, kèo đều bằng bê tông cốt thép, trang trí các hình tượng, họa tiết bằng gốm. Qua những hoa văn trên cửa võng, câu đối, phù điêu đủ thấy nét tài hoa, tinh tế của người thợ gốm. Chùa được các đời tổ kế tục truyền đăng gìn giữ nguyên vẹn kiến trúc cho đến nay”.

Sau phật điện là nhà bia hình vuông, với tứ trụ hai tầng mái. Ở phần cổ diêm giữa mái thượng và hạ đắp nổi các hình ảnh mô tả cảnh Đường Tam Tạng đi lấy kinh, ở phần diềm mái dưới là biểu tượng liên hoàn thể hiện tích Thích Ca Mâu Ni tu hành đắc đạo và tích truyện Quan Âm Thị Kính. Văn bia chùa tạo bằng đá liền khối cao 2,7m, phía trên tạc hình mái cong, đỉnh gắn liên hoa đài.

Tấm bia ghi lại lịch sử chùa và diện tích đất do ông Hưng Ký để lại. Thường ngày, chùa đón tiếp các ni sư, phật tử đến đây tu tập, thực hành các sinh hoạt tôn giáo. Phật tử Nguyễn Diệu Hồng (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Ngôi chùa nằm ở trung tâm thành phố, thuận lợi cho các phật tử đến thăm viếng, chiêm bái. Đây cũng là nơi đạo tràng chúng tôi tham gia các buổi hành lễ cầu mong vạn sự bình an, trí tuệ tinh tấn và lan tỏa những điều tốt đẹp trong giáo lý nhà Phật”.

Chùa Hưng Ký được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật bằng gốm tráng men màu sắc tươi tắn, góp phần tôn thêm vẻ đẹp nơi cửa Phật linh thiêng. Ngôi chùa này cũng minh chứng cho sự tài hoa của các nghệ nhân gốm Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm 1992, chùa Hưng Ký được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng bảo tồn. Ra đời gần trăm năm, chùa Hưng Ký có sức hút đặc biệt với du khách, phật tử gần xa bởi nghệ thuật kiến trúc đa dạng, độc đáo.    

Bài và ảnh: ĐỨC NAM