Ngôi chùa cổ như một đóa sen thơm được hái từ phật đài Tây Trúc mang nhiều huyền tích linh thiêng, gắn với các vị thiền sư tu hành đắc đạo.
Mới bước tới cổng tam quan, mùi trầm hương đã thoảng bay. Mấy vãi già đang lặng lẽ quét dọn lá khô vương đầy sân chùa. Dạo bước bên tòa giải vũ, đoàn phật tử lặng nghe lời Thượng tọa Thích Thanh Nhung, trụ trì chùa kể về lịch sử của chùa. Tích xưa kể lại rằng đầu thế kỷ thứ 3 (năm 200-210), Sĩ Nhiếp là bậc hiền tài đã cho lập chùa trên đất thế hình bông sen để nhân dân trong vùng làm chốn tu tập, đặt tên là Thành Đạo tự. Chùa rước Đại thánh Pháp Vũ Đại Bồ tát về thờ. Ngay từ những ngày sơ khai, chùa đã có tiếng linh thiêng. Vì thế, rất nhiều nho sĩ về kinh ứng thí đã đến chùa cầu thi cử đỗ đạt; nhân dân trong vùng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, hoa sai quả đậu, từ đó dân gian còn gọi là chùa Đậu.
 |
Chùa Đậu. |
Bước qua khoảng sân rộng đến trước tiền đường, chúng tôi như lạc vào miền đạo pháp. Điều neo lại nơi tâm trí của các phật tử chính là vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc và tượng phật trong chùa. Tiền đường phía trước là nơi thờ hai vị hộ pháp uy nghi. Tiếp đến là hai dãy hành lang thờ thập bát La Hán, nối liền với nhà tổ ở phía sau làm thành một khung vuông, ở chính giữa là tòa thiêu hương với mái ngói đầu đao cong vút. Điện thờ mẫu nằm ở phía sau quanh năm nhang đăng ấm cúng.
Thượng tọa Thích Thanh Nhung nói về hai báu vật mà phật tử cung kính như Đức Phật sống. Đó là toàn thân xá lợi của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã tu ở chùa vào khoảng thế kỷ 17. Tích xưa truyền lại rằng, hai vị thiền sư trước khi vào khám có dặn đệ tử, nếu mở ra thấy mùi hôi hám tức là người phàm trần thì đem đi chôn, còn thơm tho tức là đã lên cõi niết bàn thì mang lên thờ. Sau 49 ngày, thân thể hai vị vẫn trong tư thế ngồi thiền không bị hủy hoại, tỏa mùi thơm tho. Để giữ nguyên toàn thân xá lợi, các môn đồ đệ tử mới dùng chất bồi, sơn ta bao lại và đặt vào khám thờ.
Năm 1983, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã về để trùng tu hai pho tượng này. Khi đem chụp X-quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ các xương khớp dính chặt vào nhau, hộp sọ còn nguyên vẹn không hề có sự can thiệp của bàn tay con người. Đây là một trong những trường hợp thiền táng độc đáo và hiếm có trên thế giới. Sau khi tu bổ, hai pho tượng được đặt lại vào khám để các phật tử nhang đăng phụng thờ, chiêm ngưỡng.
Nơi miền đất thiêng, chùa Đậu vẫn giữ được nét đẹp cổ kính hài hòa với khung cảnh thơ mộng nơi miền quê bên dòng Nhuệ giang. Tôi nhẩm đọc đôi câu thơ trong cuốn sách đồng cổ lưu tại chùa: Đất phúc xây lên cung nguyệt điện/ Trời Nam riêng hẳn cảnh thiên nhiên để thêm yêu cảnh đẹp hữu tình của Thành đạo tự.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM