Góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian Hàng Trống đến gần hơn với công chúng, vừa qua, triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) đã giới thiệu 23 bức tranh Hàng Trống với các chủ đề, gồm cả tranh thờ và tranh trang trí của nghệ nhân Lê Đình Nghiên do nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung cung cấp, cùng 23 tác phẩm của các họa sĩ trẻ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống trên nhiều chất liệu khác nhau được giới thiệu trong không gian sắp đặt do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, hiện là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, đây là cuộc đối thoại giữa các tác phẩm gốc và các tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh gốc của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Triển lãm nằm trong Dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” được họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khởi xướng từ năm 2020, khi đưa chương trình sáng tác trong xưởng, phát triển lụa và sơn mài. Ngoài việc học tập kỹ thuật, các họa sĩ được ứng dụng ngay vào các tác phẩm tranh Hàng Trống mang xu hướng nghệ thuật đương đại. Trong triển lãm, công chúng thấy lụa và sơn mài được biến hình với nhiều cách sáng tạo, xuất phát từ ý tưởng cụ thể của từng cá nhân. Trong cách trưng bày, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn có sự sắp xếp những tác phẩm gốc bên cạnh các tác phẩm lấy cảm hứng, phát triển từ tác phẩm gốc đó. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn quan niệm: “Truyền thống về văn hóa, mỹ thuật chỉ phát triển, tiếp nối bởi các sáng tạo trẻ”.

leftcenterrightdel

 Nghệ nhân Lê Đình Nghiên (bên trái) trao đổi với du khách trong không gian trưng bày tranh Hàng Trống do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn thực hiện.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên bày tỏ niềm vui khi được hỗ trợ, động viên từ chính quyền địa phương và những người tâm đắc với dòng tranh truyền thống đã mang đến một diện mạo mới, lan tỏa sức sống cho dòng tranh-một trong những di sản cổ truyền độc đáo của xứ sở kinh kỳ với lịch sử hơn 400 năm, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng, thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác đặc trưng. 

Như một nỗ lực đối thoại và tiếp biến, các sinh viên tham gia dự án với sự dẫn dắt của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã được tiếp xúc với nghệ nhân chân truyền cuối cùng của tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên. Bằng nền tảng được đào tạo về tranh lụa và sơn mài, đồng thời được tiếp thu các kỹ thuật cơ bản của tranh Hàng Trống, các tác giả trẻ tham gia dự án đã ứng tác những tác phẩm thể hiện motif, tinh thần tranh Hàng Trống trên những chất liệu mới, cách thức mới, và quan trọng hơn, mang một tư duy mới trên những tác phẩm cổ: “Lý ngư vọng nguyệt”, “Tứ quý”, “Tứ bình”, “Chợ quê”, “Bà Chúa Thượng Ngàn”...

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, mới đây, Ban đã phối hợp với UBND phường Hàng Trống tham mưu cho UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng, trình thành phố phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với quảng bá di tích đình Nam Hương, phục vụ phát triển du lịch quận giai đoạn 2021- 2026 và những năm tiếp theo. “Khi đề án được phê duyệt, chúng tôi sẽ phối hợp, hỗ trợ nghệ nhân trong công tác truyền nghề ở gia đình và cộng đồng; hỗ trợ quảng bá di sản để thu hút du khách. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nhất là các họa sĩ trẻ đẩy mạnh số hóa các công đoạn vẽ tranh Hàng Trống làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu và nhu cầu tìm hiểu của người dân, du khách”, bà Lan chia sẻ.

Bài và ảnh: YẾN NHI