Những địa danh chỉ nhắc đến thôi cũng đã thấy vời vợi bao dấu son lịch sử. Trên bến Bồ Đề, nghĩa quân Lam Sơn đã dựng bản doanh trước khi vượt sông đánh vào thành Đông Quan. Cũng nơi bến sông này, mấy trăm năm sau nước cuộn thành ghềnh như lời than khóc thương cho số phận bi ai của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Phải chăng nhờ nhân duyên hội đủ, nhờ tấm lòng tôn kính bậc tiền nhân mà ngôi Thiên Quang Linh Từ (tọa lạc ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) có tên nôm là đền Ghềnh được lập lên. Bến sông dạt dào sóng nước, sương giăng xa mờ, truyền thuyết đền thiêng vẫn lưu truyền phảng phất giữa chốn nhân gian khiến lòng người về chiêm bái thêm vương vấn, bồi hồi.

leftcenterrightdel
Tam quan đền Ghềnh bên bờ sông Hồng. 

Ngồi dưới cội đa già ngay cạnh lối vào đền, bà lão tóc trắng đang cẩn thận sắp lễ với những hương hoa oản quả, mã vàng. Cụ cẩn thận bày biện, chăm chút cơi lễ tựa tấm lòng thành kính bậc thánh mẫu tôn thờ trong đền. Câu chuyện của người già mới nghe đã thấy đượm phong sương hoài cổ. Ấy là, khi nhà Tây Sơn đổ, nhà Nguyễn lên thay, mộ phần Bắc cung Hoàng hậu và hai con được bà Từ cung Chiêu Nghi hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền (là mẹ đẻ công chúa Lê Ngọc Hân) bí mật thuê người đưa từ Phú Xuân về chôn cất ở làng Nành (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ấy thế mà mấy chục năm sau, triều đình nhà Nguyễn biết tin đã lệnh khai quật mộ đem hài cốt ba mẹ con thả xuống sông Hồng. Tương truyền khi quan quân thi lệnh ra đến sông thì trời nổi dông bão lớn. Đến đoạn làng Ái Mộ thì sóng gió cuộn lên như thác ghềnh, thuyền không thể đi được, quan quân đành bỏ hài cốt xuống cho xong. Bên bờ tả gần chỗ bỏ hài cốt, nhân dân thương xót đã đắp mộ và lập một ngôi miếu thờ vọng. Sau do sạt lở, ngôi miếu bị cuốn trôi.

Năm 1858, ngôi đền Ghềnh được xây dựng lại nhờ công quả của cụ bà Đặng Thị Bản, người làng Ái Mộ. Đền có thế tụ sơn lưu thủy trước mặt là sông sau có gò núi Kim Quy. Bắc cung Hoàng hậu được thờ trong đền dưới hình thức hóa thân của mẫu Thoải (Thủy).  

Về lễ đền Ghềnh nghe những câu chuyện xưa thêm trân quý tấm gương trinh liệt thờ chồng nuôi con của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Dù phận mỏng nhưng bà đã xuất hiện vào những thời điểm trọng đại của dân tộc sánh cùng người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ làm vẻ vang lịch sử hào hùng của dân tộc. Giữa khói hương ngan ngát, trong tiếng hát cung văn, cung thờ thấp thoáng sắc thắm đào bích gợi nhớ đến giai thoại cành đào báo tin chiến thắng được Vua Quang Trung gửi từ Thăng Long vào Phú Xuân tặng hiền thê. Chuyện xưa, chuyện nay như những lớp sóng bồi khiến lòng người trở về nơi thiên thủy giao hòa tụ linh tụ khí cảm thấy an lạc thảnh thơi, cùng nguyện cầu quốc thái dân an, gia đạo hưng long, đời đời no ấm.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM