Trên chuyến xe từ Hoàng thành Thăng Long đi Cổ Loa, bạn Hoàng Anh, hướng dẫn viên của Công ty du lịch bền vững S.T.I.D, đơn vị tổ chức tour du lịch “Tìm về kinh đô người Việt cổ” gợi mở: “Đố quý vị và các bạn biết, lịch sử Việt Nam có bao nhiêu kinh đô? Cổ Loa có điều gì đặc biệt so với những kinh đô khác?”. Câu hỏi của hướng dẫn viên đưa chúng tôi lật giở trong tâm trí về chiều dài lịch sử của đất nước, từ thời Hùng Vương, An Dương Vương rồi các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... Ở thời nào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cũng hào hùng, chói lọi. Cổ Loa của đất nước Âu Lạc dưới sự trị vì của An Dương Vương cũng vậy, chỉ đáng tiếc ở đó còn có câu chuyện tình buồn của công chúa Mỵ Châu và bài học mất nước vì lơ là cảnh giác. Những câu chuyện lịch sử-văn hóa về Cổ Loa khiến du khách trên xe càng thêm hào hứng.

leftcenterrightdel
Du khách trải nghiệm bắn nỏ. 

Chẳng mấy chốc xe đã đến nhà trưng bày hiện vật khu di tích Cổ Loa, điểm dừng chân đầu tiên của chuyến hành trình. Hướng dẫn viên tại điểm cung cấp thêm cho chúng tôi những thông tin cơ bản về Cổ Loa. Thong dong tham quan những chứng tích còn sót lại của 3 vòng thành, Ngự Triều Di Quy (đình Cổ Loa), am Bà Chúa (nơi thờ công chúa Mỵ Châu), đền thờ Cao Lỗ, đền thờ An Dương Vương... chúng tôi có cảm giác yên bình, lắng đọng. Ông Nguyễn Khả Nghị, Phó chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết: “Cảnh quan môi trường là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Địa phương đã kêu gọi, huy động bà con nhân dân, nhất là ở các tổ chức như hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên... dọn sạch những con đường quanh khu di tích và trong làng. Nhiều cây xanh, tiểu cảnh hoa được trồng mới để tạo cảnh quan đẹp hơn. Cổ Loa đang cố gắng thu hút du khách bằng các sản phẩm du lịch văn hóa, xanh-sạch-đẹp, thân thiện môi trường”.

Trong ngôi nhà mang đậm văn hóa truyền thống tại không gian văn hóa hoài cổ Gia Nguyễn (số 2, ngõ Đoàn Kết, thôn Chùa, xã Cổ Loa), du khách được hướng dẫn tự tay làm mũi tên, nỏ từ bộ khuôn mô phỏng theo bảo vật quốc gia Bộ sưu tập khuôn đúc Cổ Loa. Chị Bùi Hiền, một du khách đến từ Hà Nội vừa nắn nót đóng khuôn, cắt tỉa vừa bày tỏ: “Lúc đầu tôi nghĩ làm mũi tên bằng đất dễ như chơi đất nặn thôi. Nhưng để làm đầu mũi tên nhỏ, khi làm xong phải nhọn, không lem nhem, gẫy đoạn... cần phải thật tỉ mỉ, khéo léo. Vậy mà người xưa dù không có phương tiện đầy đủ nhưng vẫn làm ra được những mũi tên đồng sắc nhọn để chống giặc ngoại xâm thì quả là rất đáng nể”.

Để giúp du khách hiểu hơn về văn hóa Cổ Loa, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ nhà mời chúng tôi trải nghiệm cách làm và thưởng thức món bún xào cần Mạch Tràng nổi tiếng. Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Bún Mạch Tràng là món ăn được lưu truyền qua nhiều đời ở Cổ Loa và là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, tết quan trọng của địa phương”. Ông Hoàng Công Huy, Phó trưởng ban quản lý khu di tích Cổ Loa cho hay: “Ngoài sản phẩm du lịch “Tìm về kinh đô người Việt cổ”, du khách có thể trải nghiệm thêm tập làm mũi tên đất, đóng oản, trải nghiệm bắn nỏ ở ngự xạ đài (trường bắn nỏ mô phỏng)... Những trải nghiệm này được học sinh rất yêu thích và chúng tôi đang đưa vào phục vụ du khách”.

Bài và ảnh: THỦY PHƯƠNG