Ngay trong lần tổ chức đầu tiên đã có hơn 1.000 tác phẩm tham dự. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đóng góp vào thành công chung của giải thưởng trong lần đầu tiên được tổ chức. Đây có thể coi là giải thưởng có chất lượng, là giải báo chí quan trọng trong hệ thống giải báo chí của nước ta hiện nay.

Và trải qua nhiều tháng phát động, Ban tổ chức Giải báo chí lần đầu tiên trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch này đã tìm ra 94 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 4 giải Nhất, 15 giải Nhì, 25 giải Ba và 50 giải Khuyến khích từ hơn 1.000 tác phẩm gửi về dự giải. 

Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của giải, góp sức, gửi bài tham dự Giải báo chí toàn quốc ý nghĩa này, các phóng viên, biên tập viên của Báo Quân đội nhân dân đã tích cực gửi bài dự thi và đã đoạt giải Nhất ở thể loại Báo điện tử với loạt bài 4 kỳ: “Các hệ giá trị Việt Nam - “Ngọc” càng mài càng sáng” của nhóm tác giả: Lệ Huyền, Nguyễn Thảo, Thu Thủy, Trần Yến, Tô Ngọc.

leftcenterrightdel

Báo Quân đội nhân dân đoạt giải Nhất Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ nhất với loạt bài 4 kỳ: “Các hệ giá trị Việt Nam - “Ngọc” càng mài càng sáng”.

Chia sẻ về ý tưởng để thực hiện loạt bài này, nhóm tác giả cho biết, được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Thủ trưởng Ban biên tập và Thủ trưởng phòng, ban Báo Quân đội nhân dân điện tử (Báo Quân đội nhân dân), nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã lên kế hoạch thực hiện loạt bài để làm rõ hơn về các hệ giá trị quý báu của dân tộc, đồng thời góp phần phát triển và lan tỏa hơn nữa các hệ giá trị Việt Nam trong đời sống. Tuyến bài cũng là sự tiếp nối thành công của Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Trước đó, nhóm tác giả nhận thấy một vấn đề nổi lên là sự cấp thiết xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là giao lưu quốc tế hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11-2021 cũng đã định hướng rất rõ rằng: "Việc xây dựng những hệ giá trị này cũng chính là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là khát vọng và đích đến của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử". 

Các tác giả nhận định, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn được thử thách, tôi luyện, hun đúc để hình thành lên nhiều giá trị tốt đẹp. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì các hệ giá trị càng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng con người văn hóa, góp phần định hướng cho sự phát triển của con người và dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, nhóm đã nhanh chóng triển khai loạt bài, ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu để ghi lại những nhận định, hiến kế nhằm củng số và phát huy các hệ giá trị quý báu của dân tộc. 

May mắn là, nhóm đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng từ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu Quốc hội về vấn đề này như: GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; PGS, TS Nguyễn Thế Kiệt, nguyên Phó viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia; PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS, TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam; GS, TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Phạm Văn Dương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; GS, TSKH Trần Ngọc Thêm; PGS, TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa....

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân.

Thay mặt cả nhóm chia sẻ niềm vui khi nhận được giải thưởng cao nhất của cuộc thi, Thiếu tá Vũ Thị Lệ Huyền cho biết: "Nhóm tác giả chúng tôi rất tự hào về tác phẩm của mình và vui mừng vì đoạt giải cao nhất trong lần "ra quân" đầu tiên. Đây cũng là niềm tự hào của Báo Quân đội nhân dân, của những người làm báo tại Báo Quân đội nhân dân. Đó là kết quả của một quá trình mà những người làm báo tại Báo Quân đội nhân dân đã nỗ lực lao động, sáng tạo, hy sinh để có được những tác phẩm tốt nhất, chất lượng nhất phục vụ công chúng, góp phần mang tiếng nói để gìn giữ, phát huy “nguồn lực nội sinh đặc biệt” – các hệ giá trị dân tộc – giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững". 

Đại úy Phạm Thị Thu Thủy cho rằng: “Có thể nói rằng, các nghiên cứu, tổng hợp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa đã đưa ra một cái nhìn tổng thể về hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp, cách nghĩ, cách làm mới, có những đóng góp sâu sắc để xây dựng nền văn hóa Việt Nam với các giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học trong giai đoạn hiện nay."

Đặc biệt quan tâm đến hệ giá trị con người Việt Nam, Đại úy Nguyễn Thị Thảo nhắc lại ý kiến của các chuyên gia cho rằng, hiện nay, tình trạng “sa mạc hóa” tâm hồn, “lệch chuẩn” đạo đức có nguyên nhân là bởi các khái niệm, quy chuẩn hành xử của con người trong xã hội hiện đại còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Trong khi đó, bối cảnh hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn tới hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Do đó, việc xây dựng một hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu để bảo đảm tính định hướng trong phát triển, hoàn thiện con người Việt Nam, là yêu cầu trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Là họa sĩ trình bày tuyến bài, họa sĩ Tô Minh Ngọc cũng có những góc nhìn rất riêng khi trăn trở thực hiện vệt bài bảo đảm ấn tượng. Theo họa sĩ Tô Minh Ngọc, trong quá trình triển khai vệt bài, họa sĩ được yêu cầu trình bày bảo đảm xuyên suốt, có tính hệ thống giữa các bài, tạo điểm nhấn nhận diện cho cả vệt. Họa sĩ đã phải nhập tâm vào từng tác phẩm trong tuyến bài để bố trí linh hoạt, hợp lý các tít hiệu ứng, box, đồng thời thiết kế các khối ảnh căng tràn màn hình nhằm thu hút trải nghiệm của độc giả. Đặc biệt, họa sĩ cũng phải trăn trở trong mỗi thao tác thiết kế của thể loại báo chí hiện đại để lột tả, truyền đạt được các giá trị, hệ giá trị của dân tộc một cách ấn tượng nhất đến với độc giả.

Vệt bài của Báo Quân đội nhân dân một lần nữa khẳng định các giá trị, hệ giá trị Việt Nam như những viên ngọc, thỏi vàng quý giá, cần được giữ gìn, phát huy để “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Các thế hệ ông, cha, trong lịch sử đã khai thác, phát huy và phát triển rất hiệu quả các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng. Chính vì thế, các thế hệ hôm nay và ngày mai cần biết trân trọng, khơi dậy, khai thác, phát huy và phát triển để tỏa sáng hơn nữa những viên ngọc vô giá này! 

MINH CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.