Sáng 17-12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị đã phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu kỷ yếu Hội thảo khoa học chủ đề “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”.
Kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2021) và sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 128 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước. Đó là những bài viết chất lượng, có hàm lượng khoa học cao thể hiện quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của các tác giả. Tuy nhiên, do sự bùng phát nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hội thảo không thể diễn ra như dự kiến vào đúng dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2021).
 |
Bìa kỷ yếu hội thảo (mặt trước). |
Để đánh dấu ý nghĩa đặc biệt của sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, Ban tổ chức hội thảo thống nhất quyết định lựa chọn 110 bài trong tổng số các bài tham luận để xuất bản kỷ yếu. Đây là các bài viết được lựa chọn trên cơ sở các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo được ban tổ chức đưa ra, không trùng lặp về nội dung cũng như tên gọi của các bài viết. Con số 110 bài tham luận của cuốn kỷ yếu cũng chính là món quà tri ân, thể hiện tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn của các cơ quan đồng tổ chức cũng như các nhà nghiên cứu kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại” với gần 1.000 trang đã tái hiện một cách chân thực và đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh cũng như ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Kỷ yếu gồm 4 phần: “Từ Thành phố này Người đã ra đi”, “Hành trình tìm đường cứu nước”, “Người đi tìm hình của nước” và “Hồ Chí Minh sống mãi”.
 |
Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tóm tắt các tham luận hội thảo tại buổi họp báo. |
Ban tổ chức hy vọng cuốn kỷ yếu sẽ góp phần giúp độc giả có thêm những hiểu biết toàn diện, sâu sắc trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó, tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện ngày 5-6-1911 và hành trình đi tìm đường cứu nước của Người. Đồng thời, góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế.
Tin, ảnh: HÙNG KHOA
QĐND Online - Cho đến hôm nay, sau 110 năm của sự kiện lịch sử ngày 5-6-1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nhiều người dân trong nước và bè bạn trên thế giới vẫn đang tìm câu trả lời một cách đầy đủ nhất cho những câu hỏi: Vì sao người thanh niên Nguyễn Tất Thành một thân một mình, bầu bạn không có, chỉ với chút kiến thức học ở trường cùng hai bàn tay trắng, dám vượt đại dương đi thẳng về phía kẻ thù của chính dân tộc mình để tìm con đường cứu nước?
QĐND Online – Gần đây, có một số người chỉ dựa vào thư của Nguyễn Tất Thành viết ngày 15-9-1911 gửi Tổng thống Pháp xin vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale) ở Paris và sự từ chối của giám đốc trường này để rồi quy chụp rằng “Nguyễn Tất Thành, bỏ nước ra đi chỉ với mục đích tìm đường làm quan, để giải quyết chuyện cơm ăn áo mặc của riêng mình, chứ không hề có ý định cứu nước giúp dân…”.
QĐND Online - Vào một ngày tháng 6 năm 1911, một người thanh niên Việt Nam dáng hao gầy, đôi mắt rực sáng đầy kiên nghị đã bước chân xuống chiếc tàu Đô đốc Latouche-Tréville sắp nhổ neo ở cảng Sài Gòn. Người thanh niên đó là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.