Một hành trình kéo dài 30 năm, với những cái tên giản dị nhưng đã chứa đựng được tất cả những gì mà một dân tộc thuộc địa đang cần, mà mỗi người dân Việt Nam bị áp bức phải có để tìm đường tự giải phóng. Nguyễn Tất Thành - có chí thì thành, Nguyễn Ái Quốc - người họ Nguyễn yêu nước, cái tên nói lên lý tưởng của một con người, lý tưởng của cả đời người.

Phải khẳng định rằng, truyền thống của quê hương, gia đình và sự nhận thức của bản thân đã sớm làm nảy nở trong người thanh niên Nguyễn Tất Thành tấm lòng yêu nước, thương dân thiết tha: “Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”([1]). Chính từ lòng yêu thương đến đau xót đồng bào mình bị áp bức, từ khát vọng muốn cho toàn thể người dân Việt Nam được sống tự do trên đất nước độc lập mà người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường dấn thân vào tận sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm cho được một hướng đi đúng đắn nhất, một cách đi thích hợp nhất và bảo đảm nhất cho dân tộc mình trên con đường đấu tranh để tự giải phóng.

leftcenterrightdel
Ngày 5-6-1911, tại cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) quyết tâm ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh tư liệu

Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, trong vòng 10 năm tiếp theo, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Với ý chí kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn, Người đã sống cuộc đời của người lao động, hòa mình vào phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, của các dân tộc bị áp bức bóc lột ở thuộc địa. Qua những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm đó, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những biến chuyển mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc cùng cảnh ngộ bị áp bức như dân tộc mình.

Ngày 16 và 17-7-1920, lần đầu tiên ở Pháp, báo Nhân Đạo (L’Humanite), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp công bố tác phẩm quan trọng của Lê-nin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Tác phẩm của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. 9 năm sau ngày rời Tổ quốc, cầm tờ báo ở trang ba đăng văn kiện của Lê-nin, người thanh niên yêu nước thấy bừng lên một ánh sáng mới. Từng dòng, từng chữ quý giá hiện ra trước mắt. Văn kiện lịch sử ấy của Lê-nin mở ra trước mắt Người một chân trời mới rực rỡ và là ngọn đèn soi đường giải phóng cho đồng bào của Người đang rên xiết dưới ách thực dân. Văn kiện ấy khiến cho Người xúc động, tin tưởng, vui mừng đến phát khóc lên và dù chỉ ngồi một mình trong căn buồng nhưng Người vẫn nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!"([2]).

Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với cuộc gặp gỡ kỳ thú đó với tư tưởng Lênin. Nó tạo ra bước chuyển căn bản của Người - chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi và mở đầu một chuyển biến thực sự trong lịch sử tư tưởng cách mạng nước ta - “hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ ba”([3]). Chủ tịch Hồ Chí Minh vững bước tới tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours. Tại Đại hội này Người đã cùng với những nhà hoạt động chính trị và vǎn hóa nổi tiếng của Pháp như: Macxen Casanh (Marcel Cachin), Pôn Vayǎng Cutưyariê (Paul Vaillant Couturier)... bảo vệ chủ nghĩa Mác, chống lại những người cơ hội. Cũng tại Đại hội này Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Lúc ấy là rạng sáng ngày 30-12-1920. Thời khắc đó xuất hiện người cộng sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc. Thời khắc đó đánh dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Lê-nin và quyết tâm bước theo ánh sáng tư tưởng Lê-nin.

Như vậy là, trải qua một cuộc hành trình đầy gian khổ, qua nhiều đại dương và lục địa, cuộc khảo sát vô cùng phong phú đã đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một tình cảm cách mạng sâu sắc, một lựa chọn đúng đắn con đường cứu nước, con đường cách mạng của Lênin. Đó là con đường kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và giải phóng toàn bộ xã hội. Là con đường cứu nước đúng đắn nhất vì đáp ứng được những yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và thời đại.

Đã có rất nhiều lời ngợi ca về Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hàm chứa trong những lời ngợi ca đó là sự khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế tục xứng đáng nhất sự nghiệp và công đức của những anh hùng đi trước, đã thu góp tinh hoa tư tưởng của dân tộc ta trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin, đỉnh cao của tư tưởng loài người trong thời đại mới. Với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám vĩ đại, tạo dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, với hai cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người và dân tộc Việt Nam đã ghi vào lịch sử thế giới dấu ấn đậm nét về lòng yêu nước Việt Nam, về sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống hào hùng đó, sức mạnh to lớn đó sẽ còn tiếp tục tỏa sáng, để nhân nguồn nội lực của toàn dân tộc, đưa sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn đến thắng lợi hoàn toàn.

VŨ THỊ KIM YẾN (Phòng  sưu tầm - Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)


[1] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, H.1970, tr.12

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t.12, tr.562

[3] Phạm Xanh, Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam (1921-1930), Nxb Thông tin lý luận, H.1990, tr.28