Do vậy, An Giang luôn chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, đồng thời đưa ánh sáng văn hóa góp phần phát triển vùng biên.
Đời sống văn hóa tinh thần luôn được quan tâm
An Giang có gần 28.500 hộ dân tộc thiểu số Khmer, Chăm, Hoa với khoảng 112.000 người, chiếm 5,26% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 3,98% tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung nhiều nhất ở hai huyện biên giới là Tri Tôn và Tịnh Biên. Đồng bào dân tộc Chăm có khoảng 500 hộ dân với khoảng 17.000 người, chiếm 0,59% so với tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung khá đông ở hai địa phương biên giới là huyện An Phú và thị xã Tân Châu.
 |
Nghi thức phục dựng lễ cưới của dân tộc Khmer ở An Giang tại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên mở rộng lần thứ III. |
Những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước gian khổ, ác liệt nhưng chính quyền cách mạng vẫn luôn quan tâm đến đời sống văn hóa của đồng bào. Ngày 20-12-1960, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy An Giang cho thành lập Đoàn Văn công An Giang và sau đó, đội chiếu phim lưu động cũng được thành lập. Ở mỗi phum sóc, xóm làng, các đơn vị của ta sẽ có người phiên dịch phim cho bà con xem. Những thước phim Bác Hồ thăm nông dân ngoài đồng ruộng, trồng cây, lội suối... khiến bà con dân tộc thiểu số ai cũng xúc động, dâng trào nỗi niềm nhớ thương và kính yêu Bác. Từ đó, họ luôn dành tình cảm với cách mạng, hết lòng giúp đỡ cả sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.
NSƯT Đặng Hoàng Linh (70 tuổi, nguyên nhạc công của Đoàn Văn công An Giang) nhớ lại: “Bà con yêu mến anh em văn nghệ sĩ, xem như những người thân, ruột thịt, cho ăn ở tại nhà mình. Từ tình cảm đó, anh em đã sáng tác nhiều tác phẩm bằng cả lời Việt và lời Khmer để phục vụ đồng bào. Những bài hát kháng chiến như: “Chiếc áo nàng Saret”, “Chiến thắng Hoạch Lâm”, “Du kích núi Dài”, “Bà mẹ Nhơn Hội”... là sáng tác của cố nhạc sĩ Trình Minh Trị, nguyên Trưởng đoàn Văn công An Giang. Bài hát mang giai điệu âm hưởng truyền thống Khmer ngày ấy được đồng bào yêu thích, hát cho đến tận ngày nay”.
Sau khi hòa bình lập lại, An Giang còn thành lập thêm các đội tuyên truyền lưu động, tăng cường về vùng biên, vừa mang “ánh sáng văn hóa”, “ánh sáng của Đảng” về với đồng bào, vừa mang đến những tri thức về sức khỏe, trồng trọt, chăn nuôi, đẩy lùi tệ nạn xã hội và các hủ tục... Đời sống tinh thần cư dân vùng biên ngày càng nâng cao, tạo tiền đề và sự phấn khởi để bà con các dân tộc cố gắng nỗ lực đóng góp cho sự phát triển quê hương.
Đầu tư đổi mới hoạt động tuyên truyền
Những năm gần đây, việc đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa cho đồng bào các dân tộc ven biên giới được tỉnh An Giang chú trọng và quan tâm đầu tư. Luân phiên mỗi năm một lần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh tổ chức Ngày hội VHTTDL dân tộc Chăm hoặc dân tộc Khmer, nhân dịp lễ, Tết Dolta của bà con Khmer hoặc sau tháng ăn chay Ramadan của người Chăm. Đây là dịp để các xóm Chăm, các phum sóc người Khmer trong tỉnh có dịp gặp gỡ, giao lưu, ôn lại truyền thống dân tộc, đồng thời là sân chơi trình diễn tài năng, tìm ra nhân tố mới cho phong trào văn hóa-thể thao của địa phương. Chỉ tính riêng Ngày hội VHTTDL Chăm năm 2022 đã thu hút 437 vận động viên, diễn viên, nhạc công, nghệ nhân... tham gia và hơn 7.000 lượt khán giả đến xem.
Để ngày hội được lan tỏa hơn, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh An Giang đã xây dựng trang Facebook và cho ghi hình phát trực tiếp các buổi thi, diễn trong ngày hội, giúp đồng bào ở vùng sâu, vùng xa hoặc đang làm ăn, học tập ở nơi khác cũng có thể tham dự trực tuyến, thu hút gần 10.000 lượt xem.
Anh A Ly Mách, người dân tộc Chăm ở xã Quốc Thái, huyện An Phú, cho biết: “Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, tổ chức mà chúng tôi mới có Ngày hội VHTTDL riêng cho dân tộc mình. Thông qua ngày hội, tôi và các bạn bè vui mừng, phấn khởi khi được thể hiện tài năng và mang những bài hát truyền thống của dân tộc đến với bà con trong và ngoài tỉnh”.
Nhờ tổ chức các ngày hội mà ngành văn hóa An Giang đã kịp thời phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng nghệ thuật, như anh A Ly Mách từng đạt giải A đơn ca tại Ngày hội VHTTDL của đồng bào Chăm lần thứ V năm 2019 tại Phú Yên, hay anh Chau Sóc Kung, người dân tộc Khmer ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, từng đạt giải B với tiết mục trình diễn nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây tại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên mở rộng lần thứ III tại Kon Tum năm 2022...
Tỉnh An Giang còn quan tâm đầu tư giữ gìn các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc, như: Bảo tồn nhạc ngũ âm, kinh lá buông (người Khmer) và dệt thổ cẩm, trình diễn dân ca (người Chăm)... Trong đó, "Lễ hội đua bò Bảy Núi" và "Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông" của người Khmer đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng hồ sơ khoa học “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm An Giang” đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Từ việc bảo tồn này mà nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật không ngừng được phát triển, trở thành “thương hiệu” văn hóa An Giang đến với bạn bè khắp nơi, làm tiền đề cho sự phát triển du lịch. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, chỉ riêng nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu đã đón hơn 1.000 lượt khách trong nước và 1.260 lượt khách quốc tế, ước tính doanh thu nhờ du lịch tại làng nghề là hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết: “Thời gian tới, An Giang sẽ chú trọng tổ chức các chương trình lễ hội truyền thống các dân tộc và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, giới thiệu ẩm thực địa phương, lồng ghép với các tour du lịch liên kết vùng nhằm giới thiệu những nét văn hóa, các ngành, nghề truyền thống”.
Bài và ảnh: ĐỨC VINH