Trò chuyện với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về 3 tác phẩm này, Thiếu tá Nguyễn Đức Thực, Xưởng làm phim khoa học, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã chia sẻ về quá trình thực hiện những bộ phim khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ thời bình.

Phóng viên: Khi nhận nhiệm vụ biên kịch cho 3 bộ phim này, đồng chí có cảm nhận ra sao?

Thiếu tá Nguyễn Đức Thực: Đất nước đã hòa bình nhưng Quân đội vẫn phải làm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu. Nhiều nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm, phải chấp nhận và đối diện với hy sinh như rà phá bom, mìn; phòng, chống thiên tai, thảm họa; cứu hộ cứu nạn; phòng, chống tội phạm; diễn tập; làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bầu trời, biên giới... Là người lính hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tôi hiểu mình phải có trách nhiệm tôn vinh những người đồng đội vẫn đang ngày đêm hy sinh hạnh phúc của bản thân, âm thầm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

leftcenterrightdel
 Thiếu tá, biên kịch Nguyễn Đức Thực.

Phóng viên: So với những phim đã thực hiện trước đó, điều khó khăn nhất khi thực hiện các tác phẩm này là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tá Nguyễn Đức Thực: Thời chiến, cả nước là chiến trường, văn nghệ sĩ nói chung hay các nhà làm điện ảnh nói riêng đều là chiến sĩ, cho nên việc viết về người lính có phần thuận lợi. Thời nay, những nhà làm điện ảnh trẻ như chúng tôi còn thiếu tuổi nghề và hiểu biết chuyên sâu về quân sự còn hạn chế, do đó việc tìm hiểu hoạt động của người lính và khắc họa hình tượng của họ bằng ngôn ngữ điện ảnh là rất khó khăn. Với thể loại phim khoa học, ngoài yếu tố dễ xem, dễ thấy, dễ hiểu cũng cần để người xem cảm nhận được sự chau chuốt, tỉ mỉ, cận trọng của người lính trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Vui mừng vì Điện ảnh Quân đội có đầy đủ đội ngũ cán bộ từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, âm thanh, dựng phim… đã gắn bó, hợp tác với nhau thuần thục qua nhiều tác phẩm, lại cộng thêm có sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, được đầu tư công phu, bài bản nên khi ra hiện trường quay tiền kỳ, dựng hậu kỳ đều thuận lợi.

Phóng viên: Mỗi bộ phim đều mang một màu sắc khác nhau, làm thế nào để nổi bật chủ đề của tác phẩm và điểm nhấn cần nêu trong phim nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự gần gũi, chân thực?

Thiếu tá Nguyễn Đức Thực: Người lính hôm nay không chỉ cao về trình độ giác ngộ lý tưởng chiến đấu mà còn thực sự cao về trình độ khoa học, kỹ thuật. Khi lột tả đúng bản chất vấn đề thì phim sẽ rất gần gũi và chân thật với khán giả. Trong chùm phim khoa học tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 đã thể hiện rất rõ điều đó.

Phim “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” đẽ nêu bật lên vấn đề những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở nước ta diễn ra ngày càng nhanh. Số lượng công trình, kho tàng quân sự, khu công nghiệp, khu dân cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chung cư mini… gia tăng cả về số lượng và quy mô. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản. Từ thực tiễn trên, Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ nhằm cung cấp thêm phương tiện chữa cháy, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của Quân đội và nhân dân.

leftcenterrightdel
Cảnh trong bộ phim khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong chữa cháy”.

Phim “Sinh tồn” khắc họa hoạt động tác chiến sâu, độc lập, phân tán của tổ, mũi, đội… đặc công thường gắn liền với nhu cầu tự sinh sống bí mật. Rèn luyện kỹ năng sinh tồn sẽ giúp người lính đặc công có đủ ý chí quyết tâm, bản lĩnh để đối phó với những khó khăn, thử thách trước kẻ địch và thiên nhiên khắc nghiệt; gìn giữ được sức khỏe và tính mạng tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm thắng lợi hoạt động chiến đấu. Có được kỹ năng sinh tồn giúp con người sống sót trong mọi tình huống. Từ đi lạc trong sa mạc, trong rừng thẳm, ngoài biển khơi…hay thậm chí là bị cô lập bởi sự chia cắt của địch khi chiến tranh xảy ra. Bằng những kỹ năng “sinh tồn” bí mật, đã tạo thêm niềm tin, động lực để người lính vượt qua mọi khó khăn, bất lợi của thiên nhiên, địa hình, địa vật, giữ sức khỏe, mạng sống và hoàn thành nhiệm vụ.

Phim “Bốn tại chỗ trong phòng, chống bão lũ” đã cho thấy Việt Nam là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Do ảnh hưởng khí hậu và sự phức tạp về địa hình nên hằng năm Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ gây nhiều thiệt hại về người và của. Để hạn chế và khắc phục những hậu quả do thiên tai bão lũ gây ra, trải qua thực tiễn của đời sống đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, cách làm hay được đúc kết và áp dụng. Một trong những biện pháp được áp dụng trong thực tế mang lại hiệu quả cao là phương châm “Bốn tại chỗ”.

leftcenterrightdel

Cảnh trong phim “Sinh tồn"-tác phẩm của Điện ảnh Quân đội nhân dân tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII. 

Phóng viên: Khó khăn, thuận lợi của nghệ sĩ, chiến sĩ khi thực hiện những tác phẩm này là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tá Nguyễn Đức Thực: Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn, thúc đẩy các văn nghệ sĩ sáng tác. Các thế hệ nhà làm phim trước đây của Điện ảnh Quân đội cũng đã có nhiều các tác phẩm làm về người lính rất thành công, được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đây cũng là một áp lực không nhỏ với các đoàn phim. Nhưng với quyết tâm và sự đoàn kết, thống nhất của cả một đơn vị quân đội làm phim chuyên nghiệp, các thành phần trong đoàn không chỉ chắc về chuyên môn mà còn tràn đầy nhiệt huyết, đam mê với tác phẩm, chúng tôi đã khắc phục được mọi khó khăn để cho ra đời những bộ phim khoa học dễ xem, dễ hiểu và có tính lưỡng dụng cao trong phục vụ an ninh quốc phòng cũng như đời sống nhân dân.

Phóng viên: Là biên kịch của 3 bộ phim khoa học được vào vòng chung khảo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII, cảm xúc đồng chí ra sao?

Thiếu tá Nguyễn Đức Thực: Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Điện ảnh Quân đội có tới 12 bộ phim vào vòng chung khảo (9 phim tài liệu và 3 phim khoa học) tôi cũng như các đồng nghiệp thấy thật vinh dự và tự hào. Những tác phẩm của Điện ảnh Quân đội được Hội đồng giám khảo Liên hoan phim đánh giá, ghi nhận, điều đó chứng tỏ được chủ trương lãnh đạo đúng đắn của lãnh đạo cơ quan và nỗ lực của các tác giả. Tôi tin rằng trong những tác phẩm tiếp theo, hình ảnh và những phẩm chất cao quý của người lính nói riêng, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung sẽ luôn được thể hiện đầy tính nghệ thuật dưới góc nhìn của các nhà làm phim quân đội. Để rồi từ đó, các tác phẩm của Điện ảnh Quân đội sẽ kết nối thế hệ đương thời với lịch sử, giáo dục người trẻ, giúp họ thêm yêu Tổ quốc, biết trân trọng và tri ân các thế hệ người lính đã không tiếc thân mình cho nền độc lập, hòa bình của dân tộc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.