Về thăm thôn Phúc Lâm, thấy các cô, chú trong câu lạc bộ (CLB) hát trống quân của thôn hăng say tập luyện, ít ai biết rằng trống quân Phúc Lâm từng rơi vào quên lãng. Để khôi phục phong trào hát trống quân như ngày nay, phải nhắc đến công sức gìn giữ của các bậc tiền bối như cụ Chải, cụ Chăn, cụ Đặt... và lớp kế cận là bà Mách, bà Tá, bà Thoan, ông Chén. Trong đó, cụ Kiều Thị Chải (91 tuổi) là mẹ đẻ của bà Kiều Thị Mách; bà Mách và ông Chén là hai vợ chồng. Cả 3 người đều là NNƯT hát trống quân trong tổng số 6 NNƯT của thôn được phong tặng.

leftcenterrightdel
Cụ Kiều Thị Chải (giữa) cùng hai con Kiều Thị Mách và Đào Văn Chén. 

Bà Kiều Thị Mách, Chủ nhiệm CLB hát trống quân thôn Phúc Lâm xúc động nhớ lại: "Từ nhỏ, chúng tôi đã được mẹ, được bà ru bằng những điệu hát trống quân giản dị mà chân chất. Những lời ca đó đã ăn sâu vào tâm khảm, rồi khi lớn lên, lại được mẹ dạy hát, dạy diễn, chúng tôi càng thêm yêu làn điệu dân ca của quê hương. Cũng từ những đêm trăng thanh gió mát, hát giao duyên đối đáp bằng trống quân, vợ chồng tôi đã nên duyên. Đến nay, tuy đã gần 70 tuổi, vợ chồng tôi vẫn say mê hát trống quân như thời trẻ".

Nhớ lại ký ức về những năm tháng "ăn, ngủ" cùng trống quân, NNƯT Kiều Thị Chải cho biết: "Hát trống quân ở Phúc Lâm không rõ xuất hiện từ bao giờ, nhưng từ khi tôi còn bé đã thấy ai ai trong làng cũng có thể hát trống quân. Họ đi cấy cũng hát, nghỉ ngơi cũng hát và hội hè thì không thể thiếu hát trống quân. Đặc điểm của hát trống quân Phúc Lâm là không theo lối hát đuổi và trong câu hát luôn có chữ “thời”. Ngày xưa, nam thanh nữ tú trong làng biết hát trống quân là một lợi thế để làm quen bạn khác giới, vì vậy mà hát trống quân đã xe duyên cho không ít đôi trai gái nên vợ nên chồng".

Ông Đào Văn Chén, nam NNƯT duy nhất của thôn Phúc Lâm, cho hay: "Đại gia đình chúng tôi ai cũng yêu hát trống quân, đến các cháu nhỏ hiện nay cũng bắt đầu tập hát để tham gia các hội diễn của thôn. Trước đây, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, vợ chồng tôi làm nghề nông nuôi 3 con ăn học, nhiều khi vất vả, vợ chồng lại động viên nhau bằng những câu hát đối đáp. Khi điều kiện kinh tế khấm khá hơn, anh chị em trong thôn tập hợp lại, mua trang phục, loa đài, sưu tầm các bài trống quân cổ để biểu diễn phục vụ nhân dân, đem lại những phút giây thư giãn và gắn kết cộng đồng".

Năm 2016, sau nhiều nỗ lực của những người say mê hát trống quân trong thôn cùng sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, UBND xã Phúc Tiến đã quyết định thành lập CLB hát trống quân thôn Phúc Lâm với 20 thành viên, do bà Kiều Thị Mách làm chủ nhiệm, cụ Chải và ông Chén cũng tham gia CLB. Được biết, CLB hát trống quân thôn Phúc Lâm bắt đầu tham gia liên hoan dân ca, dân vũ các cấp từ năm 2017 và gần như năm nào cũng đoạt giải, ngay trong năm đầu tiên đã đoạt giải đặc biệt của huyện Phú Xuyên.

Đối với gia đình bà Mách, hát trống quân không chỉ là niềm say mê của riêng gia đình mà là niềm tự hào của người dân thôn Phúc Lâm. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, vào thời khắc Giao thừa, vợ chồng ông bà vinh dự được chính quyền địa phương mời hát trống quân trực tiếp trên sóng truyền thanh xã khoảng 40 phút. Bà Mách tâm sự rằng, tuy đã đi biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn, nhỏ và giành được một số giải thưởng nhưng với vợ chồng ông bà, được biểu diễn để phục vụ nhân dân trên quê hương là điều thiêng liêng và xúc động nhất.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG