Nói về lịch sử ngôi đình, bản hương ước sửa lại năm 1944 cho biết, đình được xây dựng đã lâu đời. Hai bên tam quan có cặp bia đá với dòng chữ “Đông Thành bi ký” ghi niên hiệu Minh Mạng, nói về những người cúng tiến; theo đó, ngôi đình đã tồn tại khoảng 200 năm. Ngoài ra, đình còn có 8 tấm bia khác do người trong thôn cúng tiến.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Thủ từ đình Đông Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Xưa kia, đình Đông Thành có tên chữ là Chân Thiên Quán, là một trong những đạo quán trên mảnh đất Thăng Long, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII. Sang thế kỷ thứ XIX, theo các phả tích còn ghi lại, Chân Thiên Quán sau đổi thành đình Đông Thành hay còn gọi là đình Hàng Vải.
Có một thời kỳ, nơi đây gọi là Chân Thiên Quán Tự, tức là kết hợp cả thờ Phật; một thời kỳ thì gọi là đền Chân Thiên, đền Hàng Vải, đình Hàng Vải và đến ngày nay thì gọi là đình Đông Thành. Trải qua biến thiên của lịch sử, khi đạo quán mất dần công năng, chức năng cũng như nhiệm vụ, đó là thờ các bậc thần tiên của đạo giáo, thì chuyển sang một dạng thức khác, đó là đình”.
 |
Đình Đông Thành đã tồn tại khoảng 200 năm.
|
Ông Tiến cũng cho biết thêm, vị thần được thờ phụng chính tại đình Đông Thành hiện nay là Đức Huyền Thiên Thượng Đế. Trong tâm thức dân gian, Ngài là vị thần hiển linh ở phương Bắc, được các triều đại phong kiến thỉnh về nước ta để phụng thờ, giúp các vị vua giữ gìn non sông đất nước, nhân dân được bình an, không bị ma tà quấy nhiễu. Ngoài ra, đình Đông Thành còn phối thờ các vị Phật, Thánh trong tín ngưỡng dân gian.
Về kiến trúc, đình được xây dựng theo lối truyền thống. Kết cấu ngôi đình có tam quan, có sân. Kiến trúc theo thể thức nội công ngoại quốc, có ống muống, hậu cung, nghi môn, bái đường, thiêu hương, tất cả nằm trong khuôn viên diện tích gần 460m2. Mái đình lợp ngói ta, hai bên xây trụ cao, trên đắp hình nghê. Góc sân bên trái tòa bái đường ba gian hai dĩ có đôi bia đá gắn vào tường. Bên phải có một cây đa cổ thụ.
Đến nay, đình làng Đông Thành còn giữ được 9 đạo sắc phong thần của các vua Nguyễn từ đời Thiệu Trị nguyên niên (1841) đến Khải Định thứ 9 (1925). Trong đình có nhiều cổ vật như hoành phi, câu đối, ngai rồng, bài vị, nhang án, cửa võng; tất cả đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra, trong đình còn có nhiều đồ thờ cúng khác như: Mâm bồng, lọ hoa, cây nến lớn, bình thiên hương, choé có nắp thời Nguyễn, bốn ngai thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, tượng Thổ thần, hai tượng Hộ pháp, một tượng Phật Thích Ca, hai pho tượng thị nữ đứng chầu.
Đặc biệt, trong hậu cung đình có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng gỗ sơn cao 1,5m, bề rộng 0,8m. Tôn tượng vị thần được tạc ở tư thế ngồi oai nghiêm trên ngai rồng, bên ngoài khoác áo, mắt mở to, đầu trần, chân đất, tóc xõa sau lưng; tay phải thần chống kiếm Tam thái thất tinh có rắn quấn quanh, mũi kiếm đặt trên lưng rùa; còn tay trái giơ lên ngang ngực, ngón trỏ và ngón út chỉ thẳng lên trời làm phép kiểu “an ủy ấn”. Ngón cái và ngón giữa tạo thành ấn quyết kiểu “vô thủy vô chung”. Kiểu ngồi niệm chú như vậy, Đạo giáo gọi là “giả tọa”.
Ngoài ra, đình Đông Thành còn sở hữu một "báu vật" giữa lòng phố cổ, đó là giếng nước đã tồn tại khoảng 200 năm. Nằm khiêm tốn bên hậu cung, chiếc giếng này đã từng là nguồn sống của cả khu phố, là nơi gắn kết cộng đồng, là chứng nhân của những biến thiên lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Mười, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kể lại: “Tôi sống ngay đất đình này. Giếng này rất có ý nghĩa. Ngày xưa, nước khan hiếm, bà con khối phố, tất cả các nơi về đây lấy nước dùng. Ngày xưa chiến tranh, có trạm cứu hộ, dân quân bị thương vào đây dùng nước giếng rửa vết thương. Giếng này ngày xưa mạch nước cứ hết lại đầy. Ngày nay có nước máy rồi nên nước giếng ít được dùng hơn!”
Trong lịch sử, đình Đông Thành đã từng là nơi cất giấu vũ khí, che chở cho cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vào mùa Đông năm 1946, quân dân Hà Nội đã sử dụng đình làm một trạm cứu thương của Liên khu I, góp phần làm nên chiến công 60 ngày đêm, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến.
Hiện nay, đình đã xuống cấp. Do đó, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ, tháng 10-2011, chính quyền TP Hà Nội quyết định trùng tu, tôn tạo và khôi phục nhiều hạng mục. Trong quá trình trùng tu, kiến trúc gốc mang tính truyền thống của đình được giữ gần như nguyên vẹn nhằm phát huy bản sắc văn hóa, cũng như đời sống tinh thần của người dân phố cổ Hà Nội. Công trình được khởi công chính thức vào cuối tháng 4-2013, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6-2014. Tháng 10-2014, đình Đông Thành đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Năm 2024, đình Đông Thành long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm đón nhận bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự ghi nhận của chính quyền và nhân dân đối với những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình. Lễ kỷ niệm diễn ra đúng vào ngày hóa của Đức Thánh Tổ Huyền Thiên Thượng đế (ngày 9-9 Âm lịch).
Lễ hội càng thêm phần đặc biệt với nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút đông đảo người dân tham gia, nổi bật là lễ cấp thủy hay còn gọi là lễ rước nước, một nghi thức quan trọng trong nhiều lễ hội truyền thống của Việt Nam và lễ rước Thánh. Các nghi thức trong lễ hội đều được thực hiện đúng lề lối, trang nghiêm và linh thiêng.
Bà Đặng Thị Hồng, phường Hàng Bồ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi làm dâu ở Hàng vải mấy chục năm rồi nhưng đó là lần đầu tiên đình có lễ hội to như thế.
Lễ hội đình Đông Thành không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tổ, cầu mong sự che chở, bảo vệ cho muôn dân, mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, cùng nhau gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Bài và ảnh: QUỲNH ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.