Nơi đây có một vài bãi bồi vút xa tầm mắt, cây cối quanh năm tươi tốt và những người nông dân đôn hậu, sâu nặng nghĩa tình, lạc quan yêu đời, say mê múa hát.

Một ngày đông, đến xã Đức Bác, chúng tôi không chỉ ấn tượng với hệ thống đường sá đã được bê tông hóa và những ngôi nhà mới khang trang, mà còn rất “hút mắt” bởi địa phương có nhiều gia đình trồng hoa và cây cảnh. Hấp dẫn hơn là được nghe câu hát trống quân do chính những nghệ nhân là nông dân biểu diễn. Đây là một loại hình văn hóa phi vật thể, một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, thú vị và là sân chơi bổ ích cho những người dân nơi đây, nhất là vào dịp năm mới.

leftcenterrightdel
Câu lạc bộ hát trống quân Đức Bác trong một buổi tập luyện.

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Đức Bác, hiện nay xã có 7 câu lạc bộ hát trống quân, trong đó có một câu lạc bộ do xã quản lý, còn lại 6 câu lạc bộ của các thôn, tổng số hội viên hơn 200 người, tuổi đời từ mười tám đến ngoại lục tuần. Đã có 3 người được công nhận là Nghệ nhân dân gian hát trống quân. Tuy chưa được cấp một khoản kinh phí nào để duy trì hoạt động nhưng các hội viên đều tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ hội, mua sắm trang phục và hoạt động rất tích cực, sẵn sàng tham gia biểu diễn phục vụ khi có các sự kiện hoặc lễ hội của địa phương cũng như của tỉnh, huyện.

Lịch sử hát trống quân Đức Bác đã có từ lâu nhưng do chiến tranh nên bị gián đoạn một thời gian khá dài. Những năm gần đây, việc khôi phục, duy trì hát trống quân đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tìm hiểu được biết, loại hình hát dân ca trống quân chia làm hai thể loại: Hát giao duyên và hát thờ, trong đó hát giao duyên gồm các làn điệu: Hát trống quân, hát mó cá, hát đúm, xin hoa đố chữ; hát thờ gồm các làn điệu giáo trống, giáo pháo, thơ nhang. Hát trống quân đa số là hát theo vần điệu lục bát (trên sáu, dưới tám). Điểm độc đáo của hát trống quân Đức Bác là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian vừa hát vừa múa mang tính riêng biệt. Đặc điểm của hát trống quân Đức Bác có những tiết tấu, nhịp điệu mang đặc trưng của vùng trung du Bắc Bộ, thường gắn với nhịp phách của trống nên nhịp điệu khá rõ ràng, mạch lạc, khúc triết, giống tiết tấu của trống hội. Đình Thượng, thuộc làng Năm Giáp chính là nơi phát tích ra hát trống quân Đức Bác. Lễ hội hát trống quân Đức Bác diễn ra trong 3 ngày đầu tháng 2 âm lịch hằng năm. Theo thông lệ thì ngày mồng một, trai làng Đức Bác ăn mặc chỉnh tề để đón các cô đào từ xã Kim Đức, TP Việt Trì (Phú Thọ) sang sông. Hai bên múa hát làn điệu trống quân Đức Bác đối nhau: “Đi đâu từ sớm đến giờ/ Để cho anh đợi, anh chờ, anh mong”… “Bên em còn dở hội chùa/ Cho nên em phải sang trưa thế này”… Theo thông lệ, tất cả nam và nữ giới hát đối đều là những người chưa có vợ, chưa có chồng và là người am hiểu về hát trống quân nói riêng và các tục lệ ở làng nói chung.

Ông Bùi Anh Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát trống quân thôn Khoái Trung, xã Đức Bác cho biết: "Hát trống quân là bộ môn nghệ thuật cổ nhưng được các bậc tiền bối truyền dạy lại nên thu hút nhiều người trẻ tham gia. Hiện nay, mỗi tuần câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt và hát trống quân một buổi vào tối thứ bảy. Ngoài ra khi chuẩn bị đi biểu diễn hoặc lễ hội thì tăng thời gian để tập luyện, nhất là vào mùa xuân và dịp Tết cổ truyền của dân tộc thì các hội viên trở nên bận rộn hơn. Loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này đã góp phần bồi đắp tinh thần, giúp bà con cảm thấy lạc quan yêu đời, yêu quê hương đất nước mình hơn".       

Theo ông Đỗ Mạnh Hà, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Sông Lô: Hát trống quân Đức Bác là loại hình văn hóa phi vật thể, có cốt tích, lịch sử để lại và đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người dân địa phương. Để tiếng hát trống quân mãi vang xa, huyện Sông Lô đã báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành xây dựng đề án nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy điệu hát trống quân Đức Bác. Làm tốt công việc này là góp phần truyền lại cho thế hệ mai sau một di sản quý báu của ông cha.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN