"Đánh thức" một điệu hát!

Về đến đầu xã Dạ Trạch, chúng tôi dừng xe hỏi thăm nhà Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Xuyên. Vừa nhắc đến tên bà, một bác trung niên đon đả bắt chuyện: "Chú hỏi bà Xuyên dạy hát trống quân chứ gì? Nhà bà ấy ở giữa làng Yên Vĩnh, cứ đi đến khu cổng đền hóa, hỏi thăm bà ai chẳng biết! Bà ấy có tuổi rồi nhưng vẫn nhiệt tình, tâm huyết với nghệ thuật và công tác xã hội lắm!". Sau lần hỏi thăm nữa, chúng tôi tìm được đến nhà bà, một căn nhà cấp 4 khá cũ nằm yên bình trong khu vườn rộng rợp bóng cây cảnh, cây ăn trái các loại. Vừa mời khách vào nhà, bà vừa tiết lộ: "Bác đang soạn bài để chuẩn bị lên lớp cho các học viên. Năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng hát trống quân cho các đối tượng, lấy địa điểm Trường Tiểu học Dạ Trạch làm lớp học. Cứ ngỡ giờ ít người yêu mến điệu hát này, vậy mà khi đăng ký, có gần 90 thành viên tham gia. Một số bác từ các huyện lân cận, cách mười mấy cây số cũng về học".

Bà Xuyên say sưa dạy hát trống quân cho các học viên. 

Thấy bà Xuyên giọng phấn khởi, chúng tôi cũng vui lây. Theo lời giới thiệu, tôi được biết, bà Xuyên thuộc lớp thành viên đầu tiên, hiện đang là Phó chủ nhiệm CLB Trống quân Dạ Trạch. "Thế nhưng nếu hỏi về lịch sử, nguồn gốc ra đời của điệu hát thì chúng tôi không ai nắm được. Qua nhiều lần tìm hiểu, hỏi ý kiến từ các nhà nghiên cứu, rồi các cụ bô lão trong xã, mọi người đều lắc đầu. Dựa trên đặc thù của lối hát, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, khi nào có sự ra đời của thơ lục bát, khi đó điệu trống quân ra đời. Vì đến nay, tất cả các bài hát trống quân chúng tôi sưu tầm được đều dựa trên nền thơ lục bát, kể cả các bài lời cổ lẫn bài mới sáng tác"-bà Xuyên chia sẻ.

Là người yêu điệu hát trống quân như "máu thịt", nhưng bà Xuyên lại không phải con gái nơi đây. Quê bà ở xã bên cạnh về làm dâu đất này. Dạ Trạch là vùng đất lịch sử, nơi Đức thánh Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung hóa về trời, cũng là nơi gắn với chiến công hiển hách của anh hùng dân tộc Triệu Quang Phục tại đầm Nhất Dạ. Khi về làm dâu, qua những lần đi cấy sáng trăng, bà đã được nghe và yêu thích điệu hát ấy bởi trai gái trong làng hát đối đáp lúc nghỉ giải lao. Nhưng vì nghĩ mình là phận "gái thiên hạ" nên bà Xuyên cứ ngần ngại, không dám tìm học điệu hát này. Dần dần, điệu hát trống quân ấy bị mai một, ít người hát, ngay cả trong các dịp hội hè, đình đám của làng.

Tưởng như điệu hát ấy sẽ mất hẳn trước sự xâm lấn của đời sống âm nhạc thị trường thì may mắn thay, nó lại được "sống lại". Người có công đầu trong việc "đánh thức" điệu hát ấy chính là cụ Nguyễn Duy Phí, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương, là người con của quê hương Dạ Trạch. Năm 1991, biết thông tin Nhà nước có chủ trương khôi phục lại các di sản văn hóa đang bị thất truyền trong dân gian, cụ Phí đã về quê tìm gặp các nghệ nhân cao tuổi để sưu tầm lời hát rồi tập hợp lại, nhờ cụ Điệp biên tập, chỉnh lý. Sau khi hiệu chỉnh thành tuyển tập, năm 1993, cụ Phí tuyển chọn 8 người (4 nam, 4 nữ) có năng khiếu về âm nhạc, yêu điệu trống quân, để truyền dạy cách hát. Bà Xuyên thuộc đội này và được coi là một trong những người đầu tiên đưa điệu hát trống quân trở lại. Cũng từ đây, CLB Trống quân Dạ Trạch được ra đời, tồn tại đến bây giờ. Còn cụ Phí và cụ Điệp thì đã đi xa mãi mãi...

Chắp cánh cho điệu hát vang xa

Thấy chúng tôi tò mò về điệu hát, bà Xuyên vỗ tay làm nhịp rồi say sưa hát một đoạn trong bài "Lời chào": "Trống quân ai lập lên đây/ Áo dải làm chiếu, khăn quây làm mùng/ Đùa vui hát dưới trăng trong/ Có con cũng hát có chồng cũng chơi/ Con thời em mượn vú nuôi/ Chồng thời em để hát chơi xóm nhà...".

Dừng lời, bà giảng giải: Ngày xưa, mỗi lần hát trống quân các cụ thường khoét đất, úp trống lên để làm nhịp, hát theo kiểu một đôi nam nữ ứng tác. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khách quan nên mọi người quyết định "cách tân" cách hát. Đội hình hát bây giờ thường gồm 3 nam, 3 nữ hoặc 5 nam, 5 nữ, khi hát có bộ nhạc dây, sáo đệm cùng. Riêng lời hát, vẫn giữ nguyên lời cổ. Trống quân Dạ Trạch có 2 làn điệu, được gọi nôm là trống quân 1 và trống quân 2. Điệu 1 mọi người thích hát hơn, vì lời hát thường kèm theo các phụ âm "ơ", "a", nên dễ dàng cho việc lấy hơi, giữ nhịp. Trong khi điệu 2 vẫn giữ chất cổ, có chữ "thời", chữ "i" đi cùng ở các điệu ngân nên khó giữ nhịp, phách. Giới trẻ bây giờ đa số thích học và hát những bài thuộc điệu trống quân 1 hơn vì nghe vừa hay, lại dễ hát và tính lan truyền cao hơn.

Không muốn điệu hát trống quân bó hẹp trong CLB, bà Xuyên và các nghệ nhân nơi đây đã cùng nhau bàn bạc, đề xuất với chính quyền địa phương mở các lớp truyền dạy, bồi dưỡng cho bà con, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, điều chỉnh lại quy chế sinh hoạt của CLB để kết nạp thêm các hội viên mới. Từ chỗ chỉ chưa đầy chục hội viên khi mới thành lập, đến nay, CLB Trống quân Dạ Trạch đã có hơn 30 hội viên. Có cụ ngoài 80 tuổi nhưng vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt. Giọng bà Xuyên phấn chấn: "Thấy bà con, nhất là các cháu trẻ tuổi say mê, ham học, chúng tôi vui lắm. Nhiều người gọi chúng tôi là những người "vác tù và hàng tổng", vì dù là nghệ nhân ưu tú nhưng chúng tôi cũng không có chế độ hỗ trợ gì. Tuy nhiên, chúng tôi xác định, tham gia CLB là để giữ gìn vốn văn hóa quý báu của quê hương, đồng thời giúp mọi người sống lạc quan, yêu đời, giảm bớt những ưu phiền trong cuộc sống. Đó mới là mục đích chính. Lúc đầu, thấy tôi suốt ngày đi họp CLB, rồi tham gia truyền dạy ở khắp nơi, có khi đi sang tỉnh bạn vài ngày, chồng con cũng ái ngại. Nhất là thấy có chuyến lưu diễn, chúng tôi phải bỏ tiền túi để trang trải sinh hoạt cá nhân, nhiều người cũng khuyên can. Nhưng rồi, khi thấy hoạt động của CLB bổ ích, tích cực nên mọi người lại động viên, chia sẻ, giúp đỡ CLB tiếp tục đứng vững và phát triển". Đang ngồi trò chuyện thì cháu nội bà đi chơi về. Chỉ sang cháu gái mới 9 tuổi, bà "khoe": "Cháu tôi cũng tham gia lớp bồi dưỡng hát trống quân đợt này đấy. Mặc dù nhỏ tuổi nhất lớp nhưng nhiều anh chị trong lớp hát còn thua xa. Nghe bà nội hát, cháu thích lắm, cứ nằng nặc bắt bà truyền dạy!".

Tôi theo bà Xuyên đi vào nhà trong. Bà bê ra một chồng ảnh, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận tham gia hội diễn, giao lưu các loại của CLB Trống quân Dạ Trạch kể từ khi mới thành lập. Nghe bà Xuyên kể, từ khi được khôi phục lại, bà và các thành viên CLB liên tục "mang chuông đi đánh xứ người", tham gia hàng chục hội thi và các chuyến lưu diễn trên nhiều tỉnh, thành phố, lần nào cũng gây được ấn tượng tốt đẹp với ban tổ chức và các đơn vị bạn. Liếc nhanh những bằng chứng nhận bà đang lọc ra, tôi thấy nổi bật có 2 Huy chương vàng, Huy chương bạc tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc các năm 1994, 1997 do Ban tổ chức trao tặng CLB Trống quân Dạ Trạch. Ngoài ra, còn có giải B tại Liên hoan Dân ca toàn quốc, giải nhất tại Hội thi Tiếng hát người cao tuổi tỉnh Hưng Yên. Bà Xuyên cho biết thêm, năm 2015, bà được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với những "nghệ sĩ không chuyên" như bà và các bạn diễn, đây là niềm vinh dự, tự hào không phải ai cũng có được!

Trước khi chúng tôi ra về, bà Xuyên lại vỗ tay làm nhịp rồi hát một điệu trống quân để chào tạm biệt. Đưa khách ra cổng, bà báo thêm tin vui: Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đang làm hồ sơ để đệ trình lên cấp trên xem xét, công nhận hát Trống quân Dạ Trạch là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nguồn động viên to lớn để Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Xuyên và các thành viên của CLB Trống quân Dạ Trạch tiếp tục gìn giữ, lan tỏa điệu hát cổ truyền, để nét văn hóa đặc sắc ấy sống mãi trong đời sống tinh thần của người dân.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN