Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 3km, chúng tôi tìm về làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), nơi trồng đào lâu đời và nổi tiếng nhất của Thủ đô. Dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng các vườn đào ở Nhật Tân đã ngập tràn sắc đỏ, hoa đào đã bắt đầu bung nhụy, tung cánh vươn mình sau những ngày dài ngủ đông. 

leftcenterrightdel

Bông hoa đào ở Nhật Tân phải có trên 16 cánh, đường kính bông hoa rộng trên 2cm, mật độ nụ hoa và lộc đảm bảo đúng quy định của thương hiệu. 

Nhà vườn phấn khởi “được mùa, được giá”

Hàng trăm hộ dân trồng đào Nhật Tân vẫn “sống chết” vẫn bám trụ với nghề truyền thống của cha ông để lại, một phần cũng bởi cây đào là loại cây trồng dài ngày khó chuyển đổi sang cây trồng khác. Những ngày này, tất cả nhà vườn đều tập trung cả người và của để chăm sóc, cắt tỉa với kỳ vọng về một Tết Quý Mão ấm no, đủ đầy. 

Mỗi gia đình trồng đào ở Nhật Tân lại có một “bí quyết gia truyền” để chăm sóc cũng như uốn tỉa đào, không ai giống ai. Từng dáng, từng thế đều tạo nên sự hấp dẫn và thuyết phục cả những vị khách khó tính nhất. 

leftcenterrightdel
Thương hiệu đào Nhật Tân gắn với loại đào bích, hoa thường có màu hồng thắm màu xác pháo, bông to, dày cánh, nở rộ. Loại đào này được các nhà trồng nhiều nhất do dễ tiêu thụ. 

Anh Chu Thế Anh (sinh năm 1976, chủ vườn đào Thế Anh) chia sẻ: “Trồng đào cũng như đánh một canh bạc, trời thương thì cho nhà vườn một mùa bội thu. Nếu như tầm này năm ngoái, hoa đào đã nở hết từ khoảng trước một tháng thì năm nay chỉ có vài bông hoa nở, cây còn nhiều nụ đẹp có thể chơi đến qua Tết”. 

Theo anh Thế Anh, để có thể trồng một cây đào đáp ứng đủ tiêu chuẩn “đẹp, nở đúng vụ” thì rất khó, không thể có một phương pháp hay công thức cụ thể nào. Anh nói: “Không ai có thể chắc chắn việc tuốt lá vào thời điểm nào là thích hợp, nếu thời tiết rét nhiều, tuốt lá sớm nụ và hoa sẽ đẹp nhưng nếu thời tiết ấm, tuốt lá sớm sẽ bỏ đi cả vụ vì không nở được hoa, còn tuốt lá muộn thì chắc chắn thắng vụ”.

leftcenterrightdel
Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, nguyên gốc không lai tạo, vì vậy người trồng dễ dàng định ngày nở được bông hoa. 

Vườn đào nhà anh Thế Anh có đủ chủng loại với tổng số diện tích là 2.000m2 và hơn 1.000 gốc, phục vụ cho các cơ quan, công sở, gia đình… Tuy nhiên, ba loại đào chính thế mạnh của vườn chính là đào thế, đào cổ và đào bonsai. 

Anh chia sẻ: “Điểm ưu việt của đào thế chính là có gốc đào bích nguyên thủy có thể dễ dàng định được ngày nở hoa. Loại đào bích của làng Nhật Tân có cánh hoa màu hồng thắm, nở từ 16 đến 24 cánh xếp thành nhiều lớp, lá đào hình mũi mác màu xanh biếc và cành vươn thẳng đứng. Đào cổ sẽ được chia làm hai loại: Đào cổ ghép và đào cổ nguyên bản; loại ghép sẽ được cấy vào các gốc đào trên rừng, khi lớn sẽ uốn, tạo dáng. Đào cổ đòi hỏi người trồng phải kỳ công, thời gian ghép nhanh nhưng số vốn và đầu tư sẽ nhiều hơn. Còn đào bonsai là các giống đào nhỏ để bàn, trong các gia đình chung cư diện tích nhỏ”.

leftcenterrightdel
Dòng đào thế phục vụ cho công sở, chủ yếu có hình tháp, gọi là đào tán thông. Những cây đào này thích hợp để ở những công ty lớn và những ngôi nhà có diện tích rộng. 

Theo khảo sát của phóng viên, giá đào năm nay tăng hơn so với năm ngoái rất nhiều. Giá các cành thì dao động từ 500 nghìn đồng đến 7 triệu đồng; đào thế có giá khoảng từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/cây; giá thuê thì tùy thuộc vào từng cây. 

Tấp nập kẻ bán, người mua

Ngay từ đầu tháng 12, thương lái từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định… nườm nượp kéo về Nhật Tân để “lấy hàng”, không khí ở các vườn đào vì thế mà cũng trở nên tấp nập. 

leftcenterrightdel
Vợ anh Chu Thế Anh đánh số thứ tự treo vào từng cây khách đã đặt trước. 

Anh Hoàng Lân Dũng, một thương lái đến từ Bắc Giang cho hay: “Về vườn đào Nhật Tân ngay từ thời điểm này sẽ ưu tiên để chọn được những cành đào huyền, gốc đào đẹp nhất. Chỉ cần chậm vài ngày nữa là không còn đào đẹp cung cấp cho khách hàng”. Cùng suy nghĩ này, anh Bùi Tiến Đạt cũng vượt hàng trăm cây số từ Hải Phòng về các vườn đào Nhật Tân để chọn đào.

Anh Đạt chia sẻ: “Đi tham quan các vườn đào lớn nhỏ trên cả nước nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với đào Nhật Tân. Từ khâu chăm sóc, người thợ đều phải tỉ mỉ uốn từng cành nhỏ cho đến lớn, có những người yêu nghề bàn tay mười đầu ngón tay đều chai lì”.

leftcenterrightdel
Thời điểm này, những vườn đào ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã tấp nập thương lái đến "đánh hàng" đi các tỉnh và người dân Thủ đô đến chọn đặt trước đào. 

Không chỉ những thương lái mà người dân Hà Nội cũng đã bắt đầu đi chọn đào, đặt cọc trước cây mình yêu thích. Anh Vũ Ngọc Trung, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Đào Nhật Tân chính là “linh hồn" Tết của người Hà Nội. Thấy đào Nhật Tân là thấy Tết, đã là người Hà Nội thì trong nhà phải có một cành đào Nhật Tân dịp Tết đến xuân về. Năm nào tôi cũng phải đi lựa đào từ sớm, cứ đến tận vườn xem cây nào ưng mắt nhất, đặt chủ vườn chăm sóc rồi gần Tết mới ra đánh về nhà”.

Nhìn sự đổi thay, vươn mình của Nhật Tân hôm nay có thể thấy sức sống của làng hoa đào Nhật Tân sẽ còn vươn xa hơn trong tương lai. Đi cùng với năm tháng, bánh chưng, mứt, đào Nhật Tân đã trở thành những giá trị văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC