Đào Thất Thốn là giống đào quý, chỉ nở vào những ngày “khóa xuân”. Chính vì sự “trễ hẹn” ấy mà bấy lâu nay, nhiều người trồng đào chẳng còn mặn mà với đào Thất Thốn mặc dù giá trị và nhu cầu của người dân rất lớn.

leftcenterrightdel
 

Đào Thất Thốn là giống đào thử thách lòng kiên nhẫn của người trồng. Dù là giống đào khỏe và kiên cường nhưng để đợi được đến lúc trổ mã nhất thì cũng mất tối thiểu 10 năm, các phương pháp sưởi điện hay quây ni lông để hoa nở đúng vụ đều không đạt hiệu quả, nếu không chăm sóc kỹ lưỡng, hoa nở muộn coi như mất trắng. Tuy nhiên, để chinh phục loại hoa “khó tính” này, những nghệ nhân ở làng hoa Nhật Tân đã có những sáng tạo rất khác biệt mà không phải ai cũng làm được.

Nghệ nhân Lê Hàm là một trong số ít người trồng hoa đào Thất Thốn thành công tại Nhật Tân. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trồng đào ở Nhật Tân, ông có 29 năm gắn bó với vườn đào Thất Thốn. Sau nhiều lần thất bại, thay vì “trông trời, trông đất, trông mây”, ông đúc rút kinh nghiệm từ mình, từ mọi người và quyết định sử dụng nông nghiệp công nghệ cao để cho hoa nở đúng dịp. Việc lắp phòng điều hòa để “ép” hoa nở đúng vụ là quyết định đầu tư táo bạo nhất của ông. Dốc vốn, dốc sức và dốc lòng, 3 năm nay, vườn đào Thất Thốn đã được mùa.

Chính vì sự kỳ công và tỉ mỉ của những nghệ nhân trồng hoa “yêu nghề gắn nghiệp” đã góp phần làm nên thương hiệu của hoa đào Thất Thốn-Nhật Tân nức tiếng gần xa. Hiệu quả kinh tế mà loài hoa này mang lại ngày càng cao, đời sống vật chất của người trồng hoa cũng được cải thiện. Giá thuê, mua những cây hoa đào Thất Thốn lên đến cả chục triệu đồng hay hàng trăm triệu đồng tùy loại. Tuy nhiên, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, những đóa hoa bung nở rực rỡ đúng độ chính là sự đáp đền cho lòng kiên trì, say mê yêu nghề của những người con vùng đào Nhật Tân.

LÊ THỊ HUYỀN TRANG

(phường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)