Bên cạnh sự đồng thuận với thông tin tuyên truyền của vệt bài, các ý kiến phản hồi đã tiếp tục nêu lên những kiến nghị, giải pháp nhằm phát huy khối đại đoàn kết, bản sắc văn hóa, thu hút khách du lịch mọi miền tới Tây Nguyên; phát triển toàn vùng Tây Nguyên đúng hướng, giữ được bản sắc. Và ngược lại, nếu sai hướng, áp đặt cứng nhắc, bản sắc đại ngàn sẽ không khác gì đồng bằng.
 |
Bay dù trải nghiệm trên bầu trời Chư Tan Kra là một trong những sản phẩm du lịch mới của tỉnh Kon Tum thu hút du khách. |
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư (Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội):
Đừng coi tài nguyên văn hóa là “nồi cơm Thạch Sanh”.
Theo dõi 4 phóng sự và những vấn đề được nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đề cập, chúng tôi rất tâm đắc với cách tiếp cận trúng và sát những vấn đề “nóng” trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Tây Nguyên những năm gần đây. Tài nguyên di sản văn hóa ở Tây Nguyên vô cùng phong phú và đa dạng, phản ánh diễn trình lịch sử và văn hóa của nhiều cộng đồng người theo thời gian, theo không gian.
Trong xã hội đương đại, hội nhập và phát triển thì việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát từ quan điểm đa giá trị của di sản văn hóa, coi di sản văn hóa là nguồn tài nguyên, thì mọi sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng cho tộc người, từ lễ hội, nghệ thuật trình diễn, tín ngưỡng dân gian, nghề thủ công, tập quán xã hội, tri thức dân gian... đều có thể trở thành tài nguyên cho phát triển kinh tế, du lịch Tây Nguyên.
Tuy nhiên, tài nguyên di sản văn hóa ở Tây Nguyên không phải “nồi cơm Thạch Sanh” để chỉ khai thác mà không tái tạo và sáng tạo những giá trị mới. Do vậy, biện pháp hiệu quả nhất là nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý văn hóa; đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện đúng đắn các giá trị của di sản văn hóa; tuyên truyền rộng rãi, nâng cao ý thức và nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống tộc người; tổ chức thực hành di sản, truyền dạy, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng địa phương, duy trì, phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum:
Đưa văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch chủ lực.
Nội dung các bài báo đã bám sát thực tiễn sinh động về vùng đất, con người Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung cả về văn hóa, du lịch và những tiềm năng trong phát triển kinh tế du lịch. Vệt bài đã đề cập những cách làm hay, hiệu quả, tâm huyết trong công tác gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; cũng như chỉ ra thực trạng, những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đó luôn là những thách thức lớn trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống một cách bền vững trước xu hướng phát triển của xã hội hiện nay.
Trước những vấn đề được Báo Quân đội nhân dân nêu trong vệt bài, tỉnh Kon Tum trân trọng ghi nhận và tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao các kế hoạch, chương trình hành động, nhằm tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số một cách đồng bộ, hiệu quả.
Trong đó, chú trọng gìn giữ tối đa tính nguyên bản về giá trị truyền thống và do chính chủ thể văn hóa thực hành và thụ hưởng. Triển khai công tác bảo tồn phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển du lịch, nghĩa là, đưa văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch và du lịch bảo đảm sinh kế đối với chủ thể văn hóa, có như vậy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số mới gìn giữ, phát triển bền vững. Tăng cường nguồn đầu tư và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Cùng với công tác giám sát quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26-5-2022 của Ủy ban Dân tộc ban hành, chúng tôi kỳ vọng những chính sách này sẽ là đòn bẩy, công cụ hữu hiệu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; văn hóa truyền thống sẽ trở thành sản phẩm chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.
Nhà thơ Văn Công Hùng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai:
Phát triển không khéo sẽ biến Tây Nguyên thành đồng bằng
Những ai quan tâm, tìm hiểu về Tây Nguyên đều thấy khá nhiều vấn đề nan giải. Thế giới đều có những mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa và phát triển, giữa truyền thống và văn minh. Nhưng có vẻ như ở Tây Nguyên, những vấn đề này gay gắt hơn.
Văn hóa Tây Nguyên gắn với làng. Làng Tây Nguyên gắn với rừng. Với rất nhiều thay đổi như hiện nay, bảo tồn quả thật là một việc “đánh đố”. Những cái mới được đưa vào cần có thời gian thích nghi và không phải cái gì mới cũng đều tốt, đều tiến bộ. Ví dụ như nói bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nhưng không gian để bảo tồn, để cồng chiêng không bị “mốc” hay hoen gỉ thực sự khó. Tương tự, các nghệ nhân, người Tây Nguyên không có các làng nghề chuyên nghiệp, họ chỉ là những nghệ nhân riêng lẻ, truyền nghề. Ngày nay không còn nhà rông để làm thì sao có thể truyền nghề? Bởi vậy, cùng với điều kiện truyền nghề, điều kiện tuổi tác cũng là vấn đề khiến nhiều nét văn hóa xưa cũ không thể gìn giữ.
Vừa qua, tỉnh Gia Lai tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số”. Sự kiện tạm coi là thành công khi bà con người dân tộc thiểu số “lên phố” nhưng không phải thi thố, không giám khảo, không đạo diễn... Mỗi làng tự tổ chức một không gian văn hóa để sống đúng với đời sống của mình như ở buôn làng.
Đây là việc nên làm thường xuyên ở buôn làng nhưng không gian buôn làng biến đổi nhiều quá nên đành... lên phố. Với các nghị quyết, thông tư, chủ trương để phát triển Tây Nguyên sắp tới được tiến hành, tôi nghĩ nên tham khảo các yếu tố văn hóa để hài hòa. Nếu phát triển không khéo sẽ làm mất làng Tây Nguyên, biến Tây Nguyên thành... đồng bằng. Một Tây Nguyên phát triển chính là một Tây Nguyên hài hòa giữa phát triển và bản sắc, giữa tăng trưởng và ổn định, giữa du nhập và hướng nội.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng Việt Nam:
Liên kết vùng để tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng của Tây Nguyên.
Hiện nay có nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có 5 tỉnh thuộc Tây Nguyên đang chạy theo du lịch cộng đồng ồ ạt, nhưng chưa gắn kết được với lợi ích, sinh kế cho các cộng đồng, mối liên kết giữa các cộng đồng với chính quyền địa phương chưa tốt.
Với du lịch cộng đồng, các tỉnh Tây Nguyên cần có nhiều chuyên gia am hiểu lĩnh vực này để xác định đúng địa điểm, vị trí xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, không thể xây dựng mô hình tại các vùng quá xa xôi, khó khăn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền phải song hành trực tiếp với người dân trong quá trình khởi nghiệp mô hình du lịch cộng đồng. Cần xã hội hóa, hỗ trợ cho cộng đồng để phát triển; đồng thời có sự liên kết để quảng bá, xúc tiến truyền thông, xác định rõ các sản phẩm trong du lịch cộng đồng.
VƯƠNG HÀ - THU HÀ (thực hiện)