Kiên cường mà dịu ngọt, hùng vĩ mà thơ mộng, giàu có mà hoang sơ... tất cả những cảm xúc ấy đều hiện hữu với bất cứ ai khi nhắc đến Tây Nguyên. Nốt nhạc trầm hùng giữa đại ngàn ấy dù đã có những đổi khác rất rõ ràng để thích ứng với cuộc mưu sinh thời hiện đại, nhưng vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận để nhiều người mong muốn được khám phá.
Từ Măng Đen đến Langbiang
Trên bản đồ Việt Nam, địa danh Tây Nguyên là tên gọi chung khu vực cao nguyên gồm 5 tỉnh, xếp theo vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Để bắt đầu cuộc hành trình trên mảnh đất huyền thoại, chúng tôi tìm về “Nàng công chúa” của Tây Nguyên: Măng Đen!
 |
Anh Mull K’Vâng đưa khách trải nghiệm khám phá Langbiang (Lâm Đồng). Ảnh: Nhị Hà |
Rời TP Kon Tum từ sáng sớm, chúng tôi lên thẳng thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum). Măng Đen nằm ở độ cao từ 1.000 đến 1.200m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm ẩm lạnh và mờ sương. Chuyến “phượt” bằng xe máy nối từ TP Kon Tum lên Măng Đen với quãng đường 60km đủ để trải nghiệm cảm giác lắc lư qua những cung đường đèo, phóng tầm mắt xuống thung lũng, ngắm những dải mây mỏng tang lững lờ vắt qua từng dãy núi. Măng Đen đón những vị khách phương xa bằng cái lạnh ngọt ngào sau một đêm ủ sương giữa đại ngàn. Hai bên đường, những vạt hoa mua tím ngắt còn ngái ngủ bừng tỉnh đón tia nắng mai. “Tài sản” đắt giá nhất của Kon Plong thật bình yên và trong trẻo!
Dường như giữa một Tây Nguyên với không gian sinh tồn đang dần thay đổi, Măng Đen vẫn là miền đất của sự mê hoặc, của những khám phá. Vùng đất vẫn còn những nét nguyên sơ như mạch nhựa sống nuôi dưỡng di sản văn hóa Tây Nguyên. Ở đây, các hồ và thác nước gắn với truyền thuyết về 7 hồ 3 thác, hiện thân của các thần linh ở trên trời vẫn được gìn giữ. Người dân vẫn còn đất để nương tựa, để sống, để thăng hoa với di sản văn hóa truyền thống.
Những điệu múa xoang trong âm thanh cồng chiêng lúc dữ dội như thác đổ, khi dịu nhẹ đến thướt tha như mạch nước ngầm thấm đẫm vào từng hơi thở mỗi người dân làng văn hóa Kon Bring... đẹp như sử thi, như quá khứ hào hùng, như sâu thẳm tâm hồn người Tây Nguyên. Tiết trời se lạnh ở Măng Đen mang lại một cảm giác thân thuộc của một Đà Lạt năm xưa... như sợi dây kết nối với “nóc nhà” của Đà Lạt: Langbiang!
Giấc mơ... thuở ban sơ
Cách thành phố khoảng 12km, Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng)-vùng đất của những huyền thoại, nơi tiếng cồng chiêng cũng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người K’Ho. Nơi có người bạn đang thực hiện giấc mơ đi tìm giá trị cốt lõi của dân tộc mình-anh Mull K’Vâng, chàng trai mang trong mình hai dòng máu K’Ho và Ê Đê. K’Vâng làm nghề du lịch. Nhà ở bon Neur C, thị trấn Lạc Dương. Gặp anh ở rừng dễ hơn ở nhà.
Bởi, với anh, văn hóa của dân tộc có trong từng hơi thở và anh tìm mọi cách để chia sẻ niềm đam mê ấy với du khách. “Tôi không làm du lịch đơn thuần, mà đang thực hiện giấc mơ của mình. Giấc mơ đi tìm những gì nguyên sơ của cuộc sống bà con mình ngày xưa. Tây Nguyên chứa đựng vô vàn điều thú vị về văn hóa, phải làm sao cho bạn bè biết Tây Nguyên mình giàu đẹp lắm”, K’Vâng tâm sự.
 |
Biển Hồ (Gia Lai) được ví như “lá phổi xanh” của Tây Nguyên. Ảnh: Nhị Hà |
Cứ thế, hành trình của chúng tôi lần dọc theo cái nôi của nhiều nền văn hóa lâu đời như Ba Na, Ê Đê và Gia Rai. Chuyến đi xuôi dần về phía nam cao nguyên đất đỏ tìm kiếm vùng đất của những buôn làng, của sử thi Đam San, của những mái nhà rông, những ngọn thác hoang sơ, tượng nhà mồ u tịch, những đóa hoa dã quỳ, những đường quê đất đỏ, những tên núi, tên sông như tên các vị thần, nghe âm vang như tiếng cồng chiêng mùa lễ hội... Mỗi vùng đất là một huyền thoại, là những chất liệu vô cùng sinh động để mỗi người tìm về theo cách riêng của mình.
Được người dân vùng đất đỏ bazan gọi với cái tên thân thương, trìu mến: “Ông già của Tây Nguyên” bởi sự trải nghiệm, vốn tri thức về văn hóa, đời sống nơi đây như luôn chảy trong mạch máu của GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, khi nói chuyện về Tây Nguyên với chúng tôi, tâm trạng của vị giáo sư đáng kính nay gần bước vào tuổi 90 như lâng lâng niềm tự hào, như kể về chính ngôi nhà của mình: “Tây Nguyên với 49 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 30%.
Đây là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ-dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống. Sự đa dạng tộc người với điều kiện sống đặc thù, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa khác biệt... nảy sinh những tri thức bản địa độc đáo. Đó chính là vốn quý để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù, trong đó có loại hình du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa các tộc người địa phương”.
Giải nghĩa rõ hơn mối quan hệ tác động, bổ trợ lẫn nhau nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát triển, truyền bá sự đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên, trong cuộc trò chuyện cởi mở với chúng tôi, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Không gian buôn làng và văn hóa truyền thống của các DTTS chính là hình ảnh trực quan nhất đối du khách trong và ngoài nước.
Chỉ khi việc bảo tồn được làm tốt, trở thành nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng, thì mới phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn; từ đó ngược trở lại tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; góp phần thay đổi diện mạo nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi có nguồn lực vật chất mạnh, thì văn hóa càng được quan tâm và phát triển tốt hơn”.
Qua rất nhiều chuyến đi, chúng tôi nhận thấy, với hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn Tây Nguyên, sản phẩm du lịch vùng Tây Nguyên mang tính đặc thù so với địa phương khác, gây ấn tượng cho du khách và định hình sản phẩm của các công ty lữ hành, như: Du lịch lễ hội mừng lúa mới, lễ ăn trâu, cồng chiêng, hoa, trà, cà phê, ẩm thực, dệt vải... ; du lịch tâm linh khi Tây Nguyên là vùng đất có nhiều chùa, nhà thờ, thánh địa; du lịch thăm lại chiến trường xưa, bởi Tây Nguyên là vùng đất của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sở hữu thiên nhiên tương đối nguyên sơ và hùng vĩ, Tây Nguyên cũng là miền đất hứa của rất nhiều loại hình du lịch mạo hiểm.
Đặc biệt, một loại hình du lịch hấp dẫn và thu hút lượng khách không nhỏ là du lịch tri thức bản địa. Du khách được trải nghiệm cùng đời sống kinh tế-xã hội, tìm hiểu những nghề thủ công truyền thống độc đáo của DTTS, những phong tục, tập quán, trang phục, nếp sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên vẫn đang tồn tại và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân.
Trên mỗi con đường chập chùng, hùng vĩ mà chúng tôi đi qua, vẻ đẹp của Tây Nguyên, của những nẻo đường rừng xưa núi cũ, nơi những buôn làng heo hút, tít tắp mờ xa, hòa trong ca từ và giai điệu của ca khúc “Đi tìm lời ru mặt trời” của nhạc sĩ Yphôn K’sor: “Một mình lang thang trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày.
Một mình qua sông, qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời...”. Như lời tự tình, nỗi lòng của bao thế hệ những chàng trai, cô gái tìm cách níu giữ những không gian, những khoảnh khắc huyền thoại của cha ông mình trước cuộc sống hiện đại đang đổi thay từng ngày. Những người yêu Tây Nguyên đều có chung một ước mơ. Ước mơ về con đường phát triển nhưng làm sao để không đánh mất bản sắc dân tộc mình, không đánh mất những di sản vô giá mà cha ông họ đã ngàn đời tích góp, lưu giữ.
Bên cạnh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vùng đất Tây Nguyên còn có những tài nguyên khác được UNESCO ghi danh như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có diện tích 275.439ha nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng; Công viên địa chất toàn cầu Đắc Nông có diện tích 4.760km². Các di sản này không chỉ là minh chứng cho một Tây Nguyên tươi đẹp, đa dạng về phong cảnh thiên nhiên, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc, có bề dày lịch sử mà còn là những điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế, nếu biết cách khai thác, phát huy.
|
(còn nữa)
Phóng sự của VƯƠNG HÀ - THU HÀ