(Tiếp theo và hết)
Định hướng du lịch Tây Nguyên là thế! Nhưng, nhìn vào những đề án, kế hoạch hoạt động của mỗi tỉnh thì thấy rõ, mới chỉ dừng ở việc “đèn nhà ai nấy rạng” chứ chưa thực sự có sản phẩm đặc trưng để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh từng vùng và cả đại ngàn Tây Nguyên.
“Đèn nhà ai nấy rạng”
Nhắc đến voi, người ta nhớ đến hình ảnh con vật gần gũi góp phần làm nên bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắc Lắc. Người M’nông, Ê Đê coi voi là “đầu cơ nghiệp”. Xưa voi kéo gỗ, bảo vệ dân làng, chở lương thực, nay voi giúp dân làm kinh tế, tăng thêm thu nhập cho bà con bằng chở khách du lịch. Thử tưởng tượng được cưỡi voi ngao du trên “Con đường xanh Tây Nguyên” sẽ thú vị biết bao nhiêu? Nhưng hình ảnh những chú voi già nua, teo tóp oằn mình chở khách trên lưng cũng trở nên đáng thương, ám ảnh. Cuối năm 2021, thực hiện Bản ghi nhớ về hạn chế dùng voi phục vụ du lịch cưỡi voi và lễ hội đua voi với Tổ chức Động vật châu Á, UBND tỉnh Đắc Lắc yêu cầu các cơ sở du lịch hạn chế sản phẩm “du lịch cưỡi voi” mà chuyển sang “du lịch thân thiện với voi”, tức là chỉ ngắm, chụp ảnh với voi, cho voi ăn... trong không gian nhốt giữ voi ở các khu du lịch và một số nhà dân. Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc bày tỏ: “Hình ảnh cưỡi voi tồn tại hàng trăm năm nay, tạo ra giá trị văn hóa, du lịch đặc thù của vùng đất Buôn Đôn nói riêng và tỉnh Đắc Lắc nói chung. Buộc phải hạn chế và dần tới hủy bỏ sản phẩm đặc trưng chắc chắn sẽ gây hẫng hụt cho du khách, còn bà con cũng mất đi một phương thức làm kế sinh nhai. Nhưng đây là việc làm nhân văn, bởi vậy việc bảo tồn những giá trị truyền thống là cần thiết nhưng cũng phải phù hợp với sự phát triển chung của xã hội đương đại”.
 |
"Du lịch cưỡi voi" ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) được khuyến cáo chuyển sang sản phẩm "Du lịch thân thiện với voi". |
Nhiều loại hình du lịch khác như: Sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, hội nghị, canh nông... đã được các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai, trong không gian đại ngàn mênh mông mỗi địa phương lại mang dấu ấn một huyền thoại. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Lệ Nhật, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc, cho biết: “Những năm qua, mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng giàu có. Trong quá trình phát triển du lịch, toàn vùng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm phát triển, nhưng có lẽ, một điều khá rõ là các tỉnh trong khu vực vẫn làm du lịch theo kiểu manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm. Du khách không lựa chọn bỏ ra một số tiền lớn lên 5 tỉnh cao nguyên chỉ để xem các màn biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong các lễ hội tên cũng giống nhau; rồi các món ẩm thực đơn điệu như gà nướng, cá nướng, cơm lam... từ làng này tới làng khác. Tỉnh nào cũng muốn hút khách đến với địa phương mình, nhưng lại thiếu quy hoạch, thiếu những điểm đến mà ở đó mang giá trị khác biệt.
Cần một “nhạc trưởng”
Vậy người dân và chính quyền các địa phương phải làm gì để có thể làm chủ sản phẩm văn hóa du lịch trên mảnh đất của mình, sống được từ chính vốn liếng mà cha ông trao lại? Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đau đáu nỗi lo khi nhắc đến những ngôi làng Ba Na, Gia Rai, M’nông, Ê Đê... của cao nguyên bazan mà ông thân thương gọi “làng tôi”. Ông cho hay: “Những năm qua, các bộ, ngành cùng các tỉnh Tây Nguyên đã có sự quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, nhưng các buôn làng “sống được” từ bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với du lịch vẫn chỉ là số ít. Chủ yếu tự phát, vô hình trung đưa đến hình ảnh văn hóa cứ mãi “sống mòn” bên những sản phẩm du lịch xa lạ, người dân địa phương ít có cơ hội được làm chủ sản phẩm văn hóa du lịch trên mảnh đất của mình”. Ông Hiền nhấn mạnh, đã đến lúc các tỉnh Tây Nguyên phải bầu ra một vị “nhạc trưởng” đứng mũi chịu sào cầm “đũa chỉ huy” bản giao hưởng liên kết vùng văn hóa du lịch. Giống như trong một câu lạc bộ, mỗi người đảm trách vị trí, nội dung công việc trong một không gian quản trị khoa học được phân công rõ ràng, để không ai làm giống ai, như vậy mới mong có sản phẩm đặc trưng trong sự hài hòa văn hóa-du lịch.
Để văn hóa bản địa “sống” tự nhiên như chính hơi thở của họ, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền gợi ý: Những khu vực có nét văn hóa quá đặc thù, môi trường để gìn giữ không còn phù hợp với thực tế xã hội phát triển, chúng ta cần thực hiện biện pháp “du lịch đóng băng”. Có nghĩa, người dân khu vực đó được trả lương để sống và sinh hoạt trong chính ngôi nhà của họ theo cách mà ngàn đời xưa vẫn vậy. Hoặc mỗi năm ngân sách cấp kinh phí để họ tổ chức được những hoạt động lễ hội truyền thống, công ty du lịch thu xếp tour vào đúng thời điểm đó để khách được trải nghiệm. Như vậy, sẽ tránh được câu chuyện đứa trẻ một năm được thực hiện lễ trưởng thành tới cả chục lần, không còn chuyện người dân phải thực hành thứ văn hóa “trình diễn”.
Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi được biết hầu hết các địa phương của Tây Nguyên đã có những đề án dài hơi, tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho cả văn hóa và du lịch. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho biết, năm 2021, sở đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2026”. Đề án gồm 10 dự án thành phần, cụ thể hóa nhiệm vụ trong từng giai đoạn, như: Xây dựng 10 nhà rông, 10 bến nước truyền thống của dân tộc Ba Na, Gia Rai nhằm khôi phục cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; xây dựng giáo trình cồng chiêng để dạy trong trường học... Trong khi đó, tỉnh Đắc Lắc đầu tư hơn 20,3 tỷ đồng làm công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tỉnh chọn 18 buôn đáp ứng các điều kiện để hỗ trợ, trong đó có 3 buôn được đầu tư du lịch cộng đồng từ nguồn vốn Dự án “Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới”... Bà Hoàng Lệ Nhật cho biết: “Chúng tôi đã nhìn thấy những tồn tại của chính sách cũ. Giai đoạn tới sẽ khác khi mọi sự quản lý, giám sát được quy về một mối là Ủy ban Dân tộc. Chính sách sẽ linh động hơn, đi sâu vào giải quyết những nguyên nhân xảy ra vấn đề như tập trung và phát triển nguồn nhân lực địa phương. Người dân phải hiểu mới tham gia được vào chính sách, phát huy được chính sách. Đồng thời, trao quyền cho địa phương trong việc ra quyết định ưu tiên các hạng mục cần triển khai thực hiện dựa vào nhu cầu của cấp cơ sở”.
Để khắc phục những bất cập chính sách trong giai đoạn trước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ngày 26-5-2022, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-UBDT Quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025, sẽ tiếp tục hoạch định và hoàn thiện một số chính sách phù hợp hơn trong đó có chính sách bảo tồn văn hóa gắn với phát triển. Thông tư triển khai dựa trên những dự án thành phần; trong đó ở dự án thứ 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” gồm 19 nội dung cụ thể. “Một trong những nội dung được Ủy ban Dân tộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung là phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng bản trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội ở cơ sở. Họ chính là những pho sử sống, lưu giữ vốn quý tộc người và trao truyền thế hệ bằng phương thức truyền miệng, bằng thực hành văn hóa”, bà Hoàng Lệ Nhật cho hay.
Văn hóa Tây Nguyên gắn bó chặt chẽ với không gian-môi trường tự nhiên đã tồn tại từ ngàn đời tại đây-đó là môi trường rừng. Đây thực sự là bài toán khó trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, văn hóa sẽ biến mất nếu không tạo ra được kinh tế, nhưng kinh tế phát triển thế nào để không làm biến dạng văn hóa là điều cần được bàn thảo, thống nhất kỹ lưỡng. Du khách không chỉ ngắm cảnh đẹp, học hỏi văn hóa, tri thức bản địa, tiêu thụ sản vật bản địa mà cần chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, không trùng lặp xuyên suốt “Con đường xanh Tây Nguyên”. Từ đó, du lịch tạo nên thế chân kiềng khám phá thiên nhiên-trải nghiệm văn hóa-phát triển cộng đồng trên hành trình khám phá Tây Nguyên.
Hoạch định của Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển du lịch theo hướng tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong khu vực, giữa vùng Tây Nguyên với các vùng khác trong nước và liên kết quốc tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, toàn vùng. Mục tiêu trước mắt là hình thành được chuỗi liên kết du lịch giữa 5 tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ để khai thác hiệu quả các tuyến du lịch trọng điểm như “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Con đường huyền thoại-Đường mòn Hồ Chí Minh”, hợp tác phát triển du lịch khu vực tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia. |
Phóng sự của VƯƠNG HÀ - THU HÀ