Những chủ trương thể hiện sự quan tâm, đầu tư quan trọng cho văn hóa, nhưng thực tế, để bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng không phải cứ chi tiền là đủ.
Đi tìm “mặt trời”
Theo chỉ dẫn qua điện thoại của nghệ sĩ Kaly Tran, chúng tôi lặn lội hơn 50km đường rừng từ thị trấn Măng Đen tới xã Măng Bút-một trong những xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đứng trước cổng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) cấp 1, 2 Măng Bút 1 đã nghe những tiếng cồng, tiếng chiêng vọng ra. Trong sân trường, từng ánh mắt đen láy đang dõi theo tay nhịp của thầy Kaly Tran, miệng lẩm nhẩm theo ký âm các nốt nhạc đồ, rê, mi, pha, son... Dù nhịp điệu chưa đều nhưng niềm hứng khởi hiện rõ trên gương mặt của cả thầy và trò. Cậu bé Rô Xi Hai tay còn ngượng nghịu lắm nhưng vẫn kiên nhẫn tập đi tập lại. Cậu là một trong nhóm 12 học sinh của khối cấp 2 nhà trường được thầy Kaly Tran tuyển chọn vào đội cồng chiêng đầu tiên của trường. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên này nhưng đây là lần đầu các em được cầm chiêng, biết thế nào là đánh chiêng. Cùng lúc đó, ở một góc khác trên sân trường, hai cộng sự trong Ban nhạc Kaly của nghệ sĩ Kaly Tran đang miệt mài hướng dẫn các học sinh nữ tập múa xoang.
    |
 |
Nghệ nhân Rơ Châm Nha (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) truyền dạy chơi cồng chiêng cho cháu nội Rơ Châm Tứ. |
Lớp học cồng chiêng là ý tưởng của nhà trường trong việc khôi phục nét văn truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây. Thầy giáo Lê Văn Chuyên, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút 1 cho biết, về địa phương công tác nhiều năm nhưng chưa bao giờ thầy được tham gia lễ hội nào hay thấy đội cồng chiêng trình diễn-hình ảnh vốn dễ bắt gặp như ở nhiều thôn, làng khác. Theo bộ tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum, từ học kỳ 2 của năm học 2021-2022, nhà trường bắt đầu triển khai các tiết học trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường... của quê hương mình. Từ đó giúp các em hòa nhập tốt hơn với môi trường sống, biết tự hào và có ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. “Mong muốn các em biết chơi cồng chiêng, nhà trường đi tìm trong các làng nhưng không có chiêng, cũng không có người truyền dạy nên đã liên hệ và mời thầy Kaly Tran từ TP Kon Tum về truyền dạy”, thầy Chuyên cho biết.
Khi ánh mặt trời khuất sau những ngọn núi, cũng là lúc tiếng chiêng ngừng vang. Kaly Tran vừa đứng dậy vừa xoa bên sườn. Chấn thương do buổi đá bóng chiều qua với học sinh chưa lành. Anh bật mí: “Muốn níu giữ được các em chơi nhạc cụ truyền thống thì phải dẫn dụ đến một không gian gần gũi, thân thiện chứ không phải cảm giác bị ép học. Nhiều nơi có nghệ nhân giỏi nhưng không truyền dạy được vì bị các bạn trẻ từ chối”.
    |
 |
Lớp học cồng chiêng của nghệ sĩ Kaly Tran với các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú cấp 1, 2 Măng Bút 1, xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. |
Trời vừa nhập nhoạng tối, Kaly Tran rủ chúng tôi tới chơi nhà già làng A Chim. Bên bếp lửa hồng góc nhà sàn, hai mái đầu một già, một trẻ đang kiên nhẫn chỉnh lại cây đàn ting ning. Đã lâu già A Chim không có dịp chơi đàn. Lâu rồi, làng Măng Bút cũng bặt tiếng cồng chiêng. Già cứ rì rầm kể: “Hồi 18 tuổi, già nổi tiếng chơi chiêng giỏi. Mỗi lần có lễ hội, cả làng vui lắm. Nhưng nay, mỗi năm có Lễ mừng lúa mới, bà con chỉ làm lễ rồi mở nhạc loa ra nghe. Không có đội cồng chiêng, không múa xoang nên làng cũng không tổ chức được lễ hội, con cháu đi làm ăn xa không nhớ ngày nào để mà về”. Không biết khói bếp quẩn khiến già dụi mắt liên tục hay do bồi hồi nhớ về ký ức xưa. Những người thuộc thế hệ như già A Chim vẫn đang mỏi mắt tìm lại “lời ru mặt trời”.
Câu chuyện trở nên sôi nổi hơn khi già biết tỉnh mới cấp cho nhà trường bộ cồng chiêng và được thầy Kaly Tran lên tận nơi dạy. Ánh mắt khấp khởi, già mong lứa thiếu niên này sẽ góp phần khôi phục nét văn hóa cha ông. Già cũng hứa sẽ đi những làng khác trong xã để vận động các ông bà biết đánh chiêng, múa xoang lên trường truyền dạy, rồi nhờ thầy Kaly Tran ký âm, viết lại hướng dẫn học sinh giữ bản sắc đặc trưng văn hóa của người Xơ Đăng ở Măng Bút.
Câu chuyện của già A Chim khiến chúng tôi không khó để hiểu vì sao một thứ âm nhạc căng tràn nhựa sống như âm nhạc Tây Nguyên lại dần trở thành một nốt lặng giữa nhiều dòng nhạc hiện đại, bởi chính chủ nhân cũng ngày càng xa rời nó.
Còn cồng chiêng là còn tổ tiên, ông bà
Câu chuyện ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai lại hoàn toàn trái ngược. Đây là khu vực có nhiều nghệ nhân chỉnh cồng chiêng nhất tỉnh Gia Lai. Anh Rơ Châm Thuân, cán bộ văn hóa xã trách nhẹ khi thấy chúng tôi đội mưa đến đột ngột vào cuối giờ chiều: “Không hẹn trước khó gặp nghệ nhân lắm! Đang mùa thu hoạch mía, họ ở rẫy, không về nhà”. Sau gần một giờ gọi điện thì cán bộ phụ trách văn hóa xã cũng cho chúng tôi cái hẹn đến nhà một nghệ nhân.
Bên mái hiên nhà sàn, già Rơ Châm Nha (người có uy tín làng Mrông Yố 1) đang cùng cậu cháu trai Rơ Châm Tứ chỉnh chiêng. Già Rơ Châm Nha nói với chúng tôi: “Với đồng bào Tây Nguyên, ai cũng có thể đánh chiêng nhưng để chỉnh được chiêng thì rất khó và rất ít người biết. Muốn chỉnh được chiêng thì người chỉnh phải có khiếu, phải tinh anh và đặc biệt khéo léo, tỉ mỉ. Vội vàng, hấp tấp thì sẽ không chỉnh được chiêng đâu, mà càng làm chiêng thêm lạc tiếng”. Dứt lời, đôi tay già Nha gõ gõ xung quanh mặt chiêng để nắn chiêng. Sau khi gõ xong, già ra hiệu cho cháu trai cất lên một vài giai điệu để xác định xem chiêng đã hoàn chỉnh chưa.
Mái tóc đã bạc màu, nhưng với già Rơ Châm Nha, tiếng cồng chiêng vẫn như dòng máu chảy trong huyết quản. Còn Rơ Châm Tứ đã được già Nha nuôi dưỡng trong tiếng chiêng trầm hùng từ thuở lọt lòng. Với khả năng thẩm âm tốt, mới 13 tuổi nhưng Tứ đã theo ông tham gia nhiều sự kiện văn hóa lớn, nhỏ của huyện và tỉnh Gia Lai. Khuôn mặt của cậu bé khuyết tật bẩm sinh về giọng nói và bàn tay cứ rạng ngời hòa cùng tiếng nhạc.
Chúng tôi hỏi: “Nghe tiếng cồng chiêng, cháu thấy gì?”.
- Cháu thấy ấm áp!-không chút chần chừ, Tứ nói.
Tứ chia sẻ: “Người Gia Rai yêu tiếng chiêng như yêu mẹ yêu cha, như mái nhà rông, bến nước của làng. Mất cồng, mất chiêng như mất tổ tiên, ông bà mình nên cháu sẽ chăm chỉ học đánh chiêng và chỉnh chiêng để giữ gìn văn hóa dân tộc”. Câu nói chững chạc của cậu bé khiến chúng tôi khá bất ngờ.
Tứ khoe: “Sau mỗi lần đi biểu diễn cháu được thưởng tiền, cháu tích cóp lại và bố mẹ cho thêm đã mua được một bộ chiêng cho riêng mình với giá 25 triệu đồng. Hiện nay, những bạn cùng tuổi với cháu nếu ai thích học đánh chiêng, cháu cũng sẽ dạy lại cho các bạn”.
Già Rơ Châm Nha là người có uy tín của làng, ngoài chơi chiêng, chỉnh chiêng, truyền dạy và là người đang sở hữu 3 bộ chiêng quý, già là nghệ nhân duy nhất của làng còn kể được khan. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có câu: “Cuộc sống thiếu tiếng chiêng, vắng lời khan, chẳng khác nào thiếu cơm, thiếu muối”. Kể khan là nghi lễ của tình đoàn kết, quần tụ. Không gian thiêng liêng nhất để kể khan là lúc bếp lửa bập bùng, là khi ché rượu cần sắp nhạt, khi bà con ở các buôn xa gần quây tụ. Mỗi cuộc kể khan thường bắt đầu lúc 7-8 giờ tối hôm trước đến 5-6 giờ sáng hôm sau, có cuộc kéo dài từ ngày này sang ngày khác, đêm này nối đêm kia. “Văn hóa cha ông vẫn được chúng tôi hết sức gìn giữ, tiếc rằng chưa phát huy, giúp người dân tìm được sinh kế từ nó”, anh Rơ Châm Thuân chia sẻ.
Ngày nay, không còn những cánh rừng bạt ngàn và loài cây, loài thú nên nhắc đến trong khan, người nghe cũng không hiểu. Người già nhớ khan chỉ biết ngồi bên bếp lửa le lói ở góc nhà lẩm nhẩm một mình. Việc học và truyền lại kể khan có lẽ đang dần mai một. Già Nha ước mơ một không gian như nó vốn có để cồng chiêng, kể khan được sống. Cậu bé Tứ ước mơ về con đường nghệ thuật, nhưng tay em mắc dị tật không cầm nổi bút, miệng nói không rõ tiếng. Có lẽ giấc mơ của hai ông cháu còn là điều gì đó rất xa vời!
(còn nữa)
Phóng sự của VƯƠNG HÀ - THU HÀ