Đến dự và chủ trì Hội nghị có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm TCCT; đại biểu lãnh đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, TCCT, TCHC; tại 29 điểm cầu có đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng...
 |
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị. |
Thông tư 104 bám sát thực tiễn, bao quát toàn diện
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Thông tư 104, giai đoạn 2015-2018, Đại tá Đỗ Xuân Tụng, Chánh Văn phòng TCCT nhấn mạnh: Việc ban hành Thông tư 104 đã cơ bản khắc phục được những bất cập của Thông tư 24 trước đây; nội dung thông tư đã bám sát thực tiễn, bao quát toàn diện, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và hoạt động quân sự của bộ đội. Quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn; chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kết hợp khai thác nhiều nguồn lực để bảo đảm định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của bộ đội... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện một số nội dung quy định trong thông tư cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị trong toàn quân.
 |
Quang cảnh Hội nghị. |
Qua 3 năm thực hiện Thông tư 104, đã bảo đảm tốt định mức, tiêu chuẩn sách, báo, tạp chí, chế độ, tiêu chuẩn hoạt động văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ, tổ chức của các thiết chế văn hóa có hiệu quả. Toàn quân hiện có 623 thư viện, phòng đọc, với số lượng đầu sách thường xuyên được bổ sung, phong phú về thể loại, có chất lượng tốt. Về bảo đảm chế độ xem phim, các đơn vị bộ đội chủ lực đã duy trì, thực hiện nghiêm quy định chiếu phim của Bộ Quốc phòng; việc cấp phát đĩa hình bảo đảm đủ tiêu chuẩn đến cấp đại đội và tương đương.
Về tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa, các cơ quan chức năng của TCCT đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo thống nhất về trưng bày, trang trí khánh tiết, xây dựng quy chế hoạt động và thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở.
Một số thiết chế văn hóa lớn đã, đang và sẽ được xây dựng như: Nhà hát Quân đội; trụ sở Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và bảo đảm kinh phí để củng cố, nâng cấp, duy trì hoạt động có hiệu quả của 29 bảo tàng, 637 phòng (nhà truyền thống), 2282 phòng Hồ Chí Minh trong toàn quân.
 |
Đại biểu đọc sách trưng bày tại Hội nghị. |
Đảm bảo đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội
Phát biểu định hướng thảo luận tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các ý kiến tập trung thảo luận các vấn đề: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; bảo đảm định mức, tiêu chuẩn sách báo, hoạt động văn hóa, tinh thần cho bộ đội; trang bị vật tư phù hợp với vùng miền, biên giới, biển đảo; xây dựng thiết chế văn hóa, nhà truyền thống, bảo tàng phù hợp.
Theo Đại tá Nguyễn Như Bách, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 2, Thông tư 104 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và TCCT đến đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu 2 nói riêng. Ngay từ khi có thông tư, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc đến các cơ quan, đơn vị. Để thực hiện có hiệu quả, ngay từ đầu và hằng năm, Quân khu 2 đã thường xuyên xây dựng, xây dựng kế hoạch mua sắm các trang thiết bị cho các đơn vị bảo đảm đúng lộ trình, đối tượng được hưởng thụ trong đó ưu tiên các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa...
Đồng quan điểm với Đại tá Nguyễn Như Bách, đại diện Quân khu 5 cho rằng, thông tư ra đời cùng với hiện đại hóa các đơn vị quân đội đã đem lại sinh khí mới cho đời sống văn hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội.
Đại diện Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 cho rằng, tính ưu việt của Thông tư 104 thể hiện toàn diện, phù hợp và sát thực tiễn, bảo đảm đồng bộ và khắc phục sự bất cập của Thông tư 24 trước đây. Đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị. Quân đoàn đã khai thác các nguồn lực để củng cố thiết chế văn hóa, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội. Một trong những thành công nổi bật là bảo đảm tiêu chuẩn hoạt động văn hóa, phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh, chất lượng sách báo tốt hơn trước. Xây dựng các hội trường, phòng truyền thống, phòng đọc, đời sống, ăn ở của bộ đội gắn với phong trào xây dựng đơn vị chính quy, xanh sạch đẹp.
 |
Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân phát biểu. |
Thay mặt Đảng ủy, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân tham gia, đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân cho biết: Theo Thông tư 104/2014/TT-BQP và các văn bản chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thì việc tổ chức mua, đọc báo, tạp chí của Đảng (trong đó có Báo Quân đội nhân dân) có vai trò đặc biệt quan trọng đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, quân sự cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong Quân đội, góp phần định hướng tư tưởng, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ Quân đội nhân dân Việt Nam đến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chưa quán triệt, triển khai nghiêm túc Thông tư 104/2014/TT-BQP, còn xem nhẹ việc mua và sử dụng báo.
Đại tá Đỗ Phú Thọ kiến nghị, bổ sung vào Thông tư 104 cấp Trung đội và tương đương được thụ hưởng 1 cuốn Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng theo kết luận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và tiếp tục giao cho Báo Quân đội nhân dân ký hợp đồng với Bưu điện Việt Nam để chuyển phát tới tất cả các đối tượng được thụ hưởng. Bổ sung thêm đối với các ban trực thuộc các phòng trong sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và tương đương được cấp 3 ấn phẩm Báo Quân đội nhân dân, số lượng 1 tờ. Các đội, trạm trực thuộc đồn biên phòng tỉnh trong lực lượng bộ đội biên phòng được cấp 3 ấn phẩm Báo Quân đội nhân dân, số lượng 1 tờ vì các đơn vị này được xác định tương đương cấp đại đội (hoặc trung đội).
 |
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trao Bằng khen của TCCT cho đại diện các đơn vị. |
Đại diện Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 kiến nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Bộ Quốc phòng trong việc quy hoạch các công trình văn hóa đồng bộ, thống nhất, chính quy; nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo trang thiết bị cho bộ đội đọc báo điện tử.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá: Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thể hiện sự nhất trí cao, đồng tình, tin tưởng vào sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, TCCT, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân, trong công tác đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội. Hệ thống thiết chế văn hóa sau khi có Thông tư 104 đã từng bước được hiện đại hóa và đồng bộ. Hoạt động văn hóa tinh thần, cơ sở vật chất được quân tâm tốt hơn. Ngoài các mô hình, thiết chế, một số đồng chí còn sáng tác nhiều mô hình mới, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hiện nay.
Về phương hướng trong thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, thông tư là chủ trương đúng đắn, đặc thù của Quân đội, phải phân cấp để quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Quá trình thực hiện trong quản lý, sáng tác phải định hướng chặt chẽ hơn, đường hướng hoạt động văn nghệ quần chúng phải đáp ứng yêu cầu mới.
Về phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp thực hiện thời gian tới, báo cáo của TCCT nêu rõ: Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành định mức, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 104; trong đó bảo đảm đủ ngân sách và tiêu chuẩn sách báo, tạp chí, văn hóa, văn nghệ; gắn quy hoạch với xây dựng cảnh quan, môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở; bảo đảm đủ trang bị vật tư công tác Đảng, công tác chính trị theo hướng chính quy, hiện đại; quy hoạch và phát huy hiệu quả vai trò, công năng của các thiết chế văn hóa, gắn với thực hiện Thông tư 104 với triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị”; “Hiện đại hóa cơ quan báo chí”... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị trong tình hình mới.
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)