Trong những năm gần đây, xuất bản quân sự nói chung, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng từ dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự đa dạng các loại hình nghe nhìn và mạng xã hội, khiến văn hóa đọc bị suy giảm. Xuất bản sách truyền thống (sách in trên giấy) bị thu hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến phương thức xuất bản, in và phát hành. Điều đó đặt ra yêu cầu tất yếu đối với công tác xuất bản phải đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc.

Việc đầu tiên là phải đổi mới tác phong, phương pháp công tác, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ biên tập viên-lực lượng được coi là xương sống của ngành xuất bản. Trong đó, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường, tư tưởng gắn với đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, phông kiến thức sâu, rộng, có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cả về xuất bản truyền thống và xuất bản điện tử.

leftcenterrightdel

 Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Học viện Hậu cần tổ chức giao lưu "Sách với người chiến sĩ hậu cần", tháng 4-2022. Ảnh: HÀM ĐAN

Trong bối cảnh hiện nay, quan tâm đổi mới cả về nội dung và hình thức của xuất bản phẩm. Về nội dung, cần chủ động, tích cực tổ chức tốt việc xây dựng đề tài để có bản thảo chất lượng, từ đó mới có xuất bản phẩm giá trị. Chú trọng xuất bản các cuốn sách, bộ sách phục vụ bạn đọc là cán bộ, chiến sĩ toàn quân; đồng thời hướng đến tổ chức xuất bản được nhiều bộ sách lớn, có giá trị cao, tạo dấu ấn, góp phần đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài Quân đội, giúp bạn đọc hướng tới chân-thiện-mỹ. Về hình thức, việc trình bày bìa phải mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, có tính đặc thù và thể hiện thương hiệu Nhà xuất bản QĐND. Hiện nay, người đọc ngày càng có nhiều lựa chọn trong việc đọc, mua sách. Hàng trăm nghìn đầu sách được bày trong các thư viện, hiệu sách khiến cho người đọc sẽ chỉ dành 3 giây trước một cuốn sách nên hình thức (đẹp, khác lạ) gây ấn tượng ngay từ đầu là rất quan trọng.

Cùng với đổi mới tư duy xuất bản truyền thống, cần đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử. Xuất bản điện tử là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu và sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra xuất bản phẩm điện tử. Hiện nay, xu hướng số hóa và các tiện ích của xuất bản điện tử là rõ ràng và không thể đảo ngược. Các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại không chỉ giới hạn ở ebook, audiobooks mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm E-learning, video... thậm chí kết hợp tất cả format trong một xuất bản phẩm: Sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (ví dụ bút chấm đọc).

Thị trường thế giới cũng như ở Việt Nam có một số hình thức phát hành sách điện tử phổ biến: Bán lẻ sách điện tử, bán buôn theo gói, cho thuê đọc sách điện tử. Nhà xuất bản QĐND được cấp trên đầu tư hệ thống xuất bản điện tử đã đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay, tổng số sách điện tử đã tạo lập và đăng tải lên cả hai hệ thống mạng internet và mạng quân sự là hơn 2.000 cuốn phục vụ bạn đọc trong và ngoài Quân đội. Hiện trên internet có nhiều đơn hàng đã được bạn đọc đặt mua và thanh toán trực tuyến; tuy nhiên, sách điện tử hiệu quả kinh tế chưa cao nên yêu cầu đổi mới xuất bản điện tử đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Sách là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, là phương tiện chuyển tải tri thức, góp phần thỏa mãn nhu cầu nhận thức, khám phá của người đọc. Là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, sách chịu ảnh hưởng của quy luật thị trường, bởi thế, khâu quảng bá, giới thiệu sách rất quan trọng. Xu hướng tìm sách thông qua những trang tin, bài báo viết, giới thiệu về sách trên website của các nhà xuất bản, qua mạng xã hội (thực tế, có những cuốn sách tốt nhưng do chưa có kênh truyền thông hiệu quả nên chưa được công chúng biết đến rộng rãi).

Các sự kiện giới thiệu, quảng bá, ra mắt sách tổ chức bằng phương thức trực tiếp và trực tuyến giúp thông tin về tác phẩm phong phú hơn, độ bao phủ rộng hơn. Đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sách hay (viết bài, video giới thiệu...); khai thác, phối hợp, mở rộng quan hệ chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương và địa phương (trước mắt chú trọng quảng bá trên Báo QĐND, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam; báo, tạp chí của các cơ quan, đơn vị Quân đội); đồng thời mở rộng quảng bá sách trên các nền tảng Facebook, YouTube, website...

Ngoài việc phát hành sách qua các kênh phát hành truyền thống như liên kết nhà sách, hiệu sách thì các kênh bán hàng trực tuyến cũng cần được áp dụng, triển khai đồng bộ. Đổi mới tư duy về cơ chế, chính sách, tìm thị trường và tiếp cận thị trường, phải gắn với đa dạng hóa các thể loại, hình thức thể hiện; tìm hướng với sách nước ngoài, sách dịch; đưa một số sách của nhà xuất bản ra thị trường cả trong và ngoài nước. Nắm bắt nhu cầu của bạn đọc, tổ chức các sự kiện ra mắt, giới thiệu sách, giao lưu tác giả-tác phẩm... phải được tổ chức thường xuyên, đồng thời phải tận dụng tối đa mặt tích cực của các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sách, để bạn đọc có nhiều sự lựa chọn trong việc tìm mua, đọc sách. Gần đây, nhờ nội dung hấp dẫn và quảng bá tốt, cuốn sách “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng do Nhà xuất bản QĐND xuất bản đã phát hành 9.000 bản trên toàn quốc, tạo sức lan tỏa tốt, từ đó đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong cả quá trình từ xuất bản đến phát hành.

Việc đổi mới, phát triển hoạt động xuất bản quân sự và Nhà xuất bản QĐND là tất yếu, song dù phát triển ở mức độ nào cũng phải kế thừa, giữ vững và phát triển thương hiệu Nhà xuất bản QĐND; giữ vững vị thế là cơ quan xuất bản của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trung tâm xuất bản của toàn quân. Công tác xuất bản quân sự gắn liền với xây dựng đội ngũ cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản QĐND có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, xứng đáng với sự tin cậy của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, của cán bộ, chiến sĩ toàn quân cũng như bạn đọc trong nước và quốc tế.

Đại tá, ThS PHẠM VĂN TRƯỜNG (Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND)