Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Chính sự gắn bó khăng khít, máu thịt ấy đã tạo tiền đề cho sự ra đời của danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Điều đó đã được chứng minh ngay từ trong tên gọi. Chẳng ngẫu nhiên mà có, tự nhiên mà thành, danh hiệu cao quý ấy có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự Việt Nam. Nhìn lại những trang sử oanh liệt và hào hùng của dân tộc, hình tượng người lính gắn với nhiều tên gọi khác nhau, từ anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân, lính Cụ Hồ, bộ đội Ông Ké, cho đến danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không thể có ngay từ đầu mà phải trải qua một quá trình lâu dài, trường kỳ gian khổ, muôn vàn thử thách, trải dài xuyên suốt lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. Việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là niềm khát khao, mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. 

Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 phát biểu tại tọa đàm. 

Đơn vị chúng tôi trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ, đã cụ thể hóa 5 đặc trưng cơ bản đó vào hoạt động thực tiễn của đơn vị, cũng như gắn với chức trách, nhiệm vụ của mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên, từ chỉ huy Trung đoàn đến từng chiến sĩ tại đơn vị. Chúng tôi đều nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, kiên định lập trường tư tưởng, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh. Có tư duy đổi mới, sáng tạo, thực hiện theo đúng tinh thần “7 dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ.

Thượng úy Trần Mạnh Hùng, Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 7

Những giá trị cao quý của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tu dưỡng phẩm chất người quân nhân cách mạng. Bởi vì, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ mang ý nghĩa định hướng về tư tưởng và hành động của mỗi người quân nhân, đó là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng úy Trần Mạnh Hùng, Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 phát biểu tại tọa đàm. 

Cùng với đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ còn có ý nghĩa là điểm tựa tinh thần cho mỗi quân nhân thêm niềm tin và nghị lực. Đây không chỉ là danh hiệu một hay hai ngày chúng ta có thể có được, mà là cả chặng đường của lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, chính những giá trị cao đẹp của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã giúp quân đội ta chiến thắng mọi kẻ thù.

Là một cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, chúng tôi hiểu được những ý nghĩa mà danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đem lại. Đó là danh hiệu cao quý mà chúng tôi luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Trong những năm tháng chiến tranh, phẩm chất này được thể hiện ở tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, thì ngày nay phẩm chất đó được thể hiện ở việc sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98

Danh xưng Bộ đội Cụ Hồ nhắc nhở chúng ta rằng, nhiệm vụ của mỗi người không chỉ dừng lại ở những công việc được giao, mà còn bao gồm việc phát huy tinh thần trách nhiệm với đồng đội và với Tổ quốc. Chúng ta luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, từ công tác huấn luyện cho đến thực hiện các nhiệm vụ trong thời bình, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ nhân dân.

Đơn vị chúng tôi luôn chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết. Dưới ánh sáng của danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, mỗi chiến sĩ ý thức được rằng, sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau là điều kiện tiên quyết để vượt qua mọi khó khăn. Tinh thần kỷ luật không chỉ thể hiện trong việc tuân thủ mệnh lệnh, mà còn trong việc tạo dựng môi trường làm việc tích cực, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Điều này được thể hiện rõ ràng trong các buổi huấn luyện, sinh hoạt tập thể và cả trong những lúc khó khăn, thử thách.

Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 chia sẻ tại tọa đàm. 

Chúng tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Gần nhất, trong tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ giúp nhân dân huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ khắc phục hậu quả thiên tai. Chúng tôi hành quân lên Làng Nủ (xã Bảo Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) để tìm kiếm cứu nạn.

Qua những chuyến đi đó, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ khích lệ mỗi chiến sĩ trở thành tấm gương cho người dân, không chỉ trong các hoạt động chính trị mà còn trong những việc làm thiết thực. Những chương trình giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa, hay các hoạt động hướng tới nhân dân, đều thể hiện rõ nét hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn vì dân, vì nước. 

Tóm lại, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là một biểu tượng mang tính lịch sử, mà còn là một di sản văn hóa quý giá, gắn liền với trách nhiệm, tình đoàn kết và lòng tự hào của mỗi người lính. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ và phát huy giá trị này trong từng hành động, từng suy nghĩ của mình. Hãy để danh xưng không chỉ là từ ngữ mà là động lực mạnh mẽ giúp chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Binh nhất Trần Minh Thảo, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8

Trải qua thời gian giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua, càng củng cố thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với quân đội, quân đội thực sự là một điểm tựa tinh thần cho nhân dân. Chia tay bà con Làng Nủ, cả chúng tôi và bà con nhân dân đều khóc. Chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự tin tưởng và tình cảm của bà con qua ánh mắt chứa đầy sự cảm ơn của họ. Người lính luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để giúp đỡ nhân dân, đó chính trị giá trị đạo đức cao cả của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Binh nhất Trần Minh Thảo, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8. 

Qua 2 năm thực hiện nhiệm vụ, tôi cảm nhận rõ ràng rằng danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã góp phần định hình lối sống, phong cách làm việc và tư duy của mình, từ đó nâng cao hiệu quả công tác và sự trưởng thành trong cuộc sống. Sau này khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy những gì đã được học tập, rèn luyện tại môi trường quân ngũ, những giá trị phẩm chất Bộ đội cụ Hồ để tiếp tục hoàn thiện bản thân, đóng góp xây dựng và phát triển quê hương, xã hội. 

Binh nhất Lương Tuân Quang, Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98

Binh nhất Lương Tuân Quang, Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 chia sẻ tại tọa đàm. 

Tôi và đồng đội có mặt tại thôn Làng Nủ vào buổi trưa. Sắp xếp xong chỗ nghỉ ngơi, 1 giờ chiều, tôi và 10 đồng chí tham gia tổ cơ động, chuyên trách vận chuyển và an táng các nạn nhân xấu số. Lúc đầu, anh em rất sợ, vì chưa ai từng tiếp xúc với thi thể người đã khuất bao giờ. Nhưng trước cảnh đau thương mà dân làng ở đây đang gánh chịu, cùng sự động viên và chỉ huy trực tiếp của cán bộ đơn vị, những đau thương, sợ hãi đó đã biến thành dũng khí để chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Lâm Phương Thuận, Bí thư Huyện đoàn Đoan Hùng

Đồng chí Lâm Phương Thuận, Bí thư Huyện đoàn Đoan Hùng phát biểu. 

Trên địa bàn huyện Đoan Hùng có nhiều đơn vị quân đội đóng quân, trong đó có Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã giúp đỡ nhân dân, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần ở địa phương. Mới đây, Trung đoàn 98 giúp đỡ bà con thôn Làng Nủ khắc phục hậu quả thiên tai, càng khẳng định phẩm chất tuyệt vời của Bộ đội Cụ Hồ.

Thượng tá Bùi Cường Sơn, Chính ủy Trung đoàn 98

Thượng tá Bùi Cường Sơn, Chính ủy Trung đoàn 98 phát biểu  

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 luôn theo dõi diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Cán bộ, chiến sĩ nhận thức được đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hướng tới 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Càng đặc biệt hơn khi Báo Quân đội nhân dân phối tổ chức tại đơn vị cơ sở, để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện chia sẻ, bộc bạch, nói lên những suy nghĩ, cảm nhận của mình về phẩm chất, giá trị, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ - mà chính chúng tôi đang được thừa hưởng từ quá khứ anh hùng. Để gìn giữ và phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, nhất thiết phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu; kỷ luật tự giác nghiêm minh; mở rộng dân chủ trong lãnh đạo; gắn bó mật thiết với nhân dân… Cùng với các đồng chí đã tham gia phát biểu, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316, Trung đoàn 98 đồng thuận với những ý kiến, bài viết trên Báo Quân đội nhân dân để khẳng định rằng: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng trở thành di sản phi vật thể quốc gia.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.