Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Trưởng Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam cho biết: Trong 5 năm qua, ban liên lạc bám chắc tôn chỉ mục đích “Nhớ ơn liệt sĩ, đáp nghĩa đồng bào, chăm lo đồng đội, truyền lửa cho thanh niên”, đồng thời định hình 10 nội dung, chương trình hoạt động chính. Trong đó, chương trình “’Sách và văn hóa đọc” được thực hiện từ năm 2020 đến nay. Chương trình đã nhận hưởng ứng, hiến tặng sách được hơn 70.000 đầu sách các loại.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Trưởng Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam phát biểu tại tọa đàm. 

Ban liên lạc đã tổ chức trao tặng gần 60 thư viện sách cho các xã, phường, thị trấn, trường học, cơ quan đơn vị thuộc 42 tỉnh, thành phố, tặng hơn 10.000 sách cho các đồn biên phòng thuộc tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, ban liên lạc cũng phát động cuộc thi viết về “Một thời tuổi trẻ hào hùng” và in 4 tập sách: Nhớ một thời tuổi trẻ hào hùng, Sống mãi tuổi hai mươi, Đường chúng tôi đi (nhiều tác giả), Hồ Chí Minh ngọn hải đăng vĩnh cửu (tác giả Hoàng Xuân Huy), cùng tổ chức nhiều buổi giao lưu, giới thiệu sách của các cựu cán bộ Đoàn…

Tại tọa đàm, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Phó trưởng Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam cho biết: “Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nền kinh tế tri thức, hơn lúc nào hết dân trí có phát triển thì đất nước mới phát triển. Do vậy, cần tạo lập một xã hội học tập suốt đời chính là tạo dựng một thói quen đọc sách toàn dân. Qua chương trình sách và văn hóa đọc giúp cho cựu cán bộ Đoàn, hệ thống cơ sở Đoàn lan tỏa văn hóa đọc, khuyến đọc chính là khuyến học. Qua đó, giúp mọi người phát triển tri thức, nâng cao dân trí”.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu trình bày ý kiến tại tọa đàm.

Để đưa phong trào đọc sách cho người trẻ sát với thực tế, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương xây dựng thư viện khuyến học. Đồng thời vận động nhiều đầu sách, đa dạng các loại sách để phục vụ miễn phí với phương châm đưa sách đến mọi người".

Trong khi đó, bà Phan Anh Minh, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Quận 3 cho biết: “Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào vận động hiến sách và tăng các tủ sách cho học sinh các vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Các cấp cần xây dựng văn hóa đọc theo đúng đối tượng vì hiện nay đọc sách trên nền tảng điện tử đang dần phổ biến".

leftcenterrightdel
 Giới thiệu các ấn phẩm sách do Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam hỗ trợ thực hiện thời gian qua.

Phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu cũng nêu kiến nghị để lan tỏa văn hóa đọc phải làm tốt các khâu: Viết sách, in sách, trao sách, đọc sách. Trong đó, cần xây dựng văn hóa đọc ở vùng sâu, vùng xa, quan trọng là cách làm để lan tỏa sách. Người lớn trong gia đình phải làm gương về đọc sách, nhà trường phải giới thiệu sách hay cho học sinh, bố trí điểm đọc sách phù hợp, bổ sung sách mới cho các phòng đọc sách cộng đồng, cần chọn lọc sách cho đối tượng phù hợp mới thu hút người đến đọc trong khu dân cư, cần phát động thi viết sách, tìm hiểu sách...

Thời gian tới, Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam phấn đấu mỗi năm vận động được từ 10.000 đầu sách, trao sách ít nhất 10 địa phương hàng năm và nâng cấp chất lượng hoạt động ban điều hành chương trình sách và văn hóa đọc.

Tin, ảnh: HỒNG GIANG