Tôi tình cờ đọc được đoạn văn trên trong một bài báo với nhan đề: “Lan tỏa phẩm chất nhân ái từ phụ nữ Cố đô” - một tác phẩm được Trường Sĩ quan Chính trị lựa chọn để gửi tham gia Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”.

leftcenterrightdel

Thiếu tá Triệu Thu Thủy, giảng viên Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ, Trường Sĩ quan Chính trị.

Trước khi đọc đến hết bài và xem thông tin tác giả, tôi thầm nghĩ, những câu từ chất chứa cảm xúc ấy có lẽ được viết bởi ngòi bút của một giảng viên nào đó dạy môn Văn học. Tuy nhiên, khi nhìn thấy tác giả bài báo là Thiếu tá Triệu Thu Thủy - giảng viên dạy môn Toán, Bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ, tôi lại càng thêm thấm thía rằng: Văn chương phần lớn xuất phát từ tâm hồn, còn môi trường sống, điều kiện làm việc tựa như “chất xúc tác” giúp cho người viết thăng hoa hơn.

Khởi đầu con đường học tập không phải từ một nhà trường sĩ quan Quân đội, nhưng mong ước trở thành người quân nhân cách mạng, được nuôi dưỡng từ thuở thiếu thời vẫn như ngọn lửa âm ỉ, cháy mãi, để rồi vào thời khắc quan trọng đã bùng lên dữ dội. Ấy là vào tháng 12-2009, ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên trẻ Triệu Thu Thủy đã không chút do dự khi tình nguyện viết đơn đăng ký tuyển dụng vào Trường Sĩ quan Chính trị với tất cả tình yêu từ thẳm sâu trái tim mình.

Trong bài “Tự hào tiếp bước”, thực chất là một lá thư gửi mẹ do chính tay chị viết và được đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 4-3-2023 có đoạn: “Lúc còn thơ ngắm nhìn anh bộ đội, thấy ngôi sao sáng ngời con thích lắm mẹ ơi. Mẹ bảo con cố gắng học cho nên người, mai con lớn mẹ cho đi bộ đội… và thật kỳ diệu, khi lời hát đó nay đã trở thành hiện thực. Con đang viết thư cho mẹ từ Thành cổ, ngôi trường Quân đội mà hơn 20 năm về trước, mẹ đã đưa con đến thăm anh cả… Có lẽ, một sợi tơ vô hình nào đó đã bén duyên con với mái trường này ngay từ ngày đầu đặt chân”.

leftcenterrightdel
 Chân dung cây viết trẻ Triệu Thu Thủy của Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ, Trường Sĩ quan Chính trị.

Kể từ đó đến nay, dẫu thời gian đã làm cho mái trường trên miền Quan họ ngày một nhuốm màu rêu phong, trầm mặc; cơ sở mới tại Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội, soi bóng núi Ba Vì hùng vĩ cũng trở nên khang trang, hiện đại, vươn tầm cao mới; song, khát vọng được cống hiến, trưởng thành trong Quân đội của cô bé ngày nào vẫn luôn bỏng cháy và không ngừng lớn dần theo năm tháng.

Là người có thời gian gắn bó cùng với Thiếu tá Triệu Thu Thủy ngay từ những ngày đầu chập chững bước đi trên con đường binh nghiệp, Trung tá Lê Thị Huyền - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học xã hội, Khoa Văn hóa - Ngoại ngữ cho biết: “Đối với đồng chí, đồng nghiệp, Thiếu tá Triệu Thu Thủy được biết đến là người nhiệt huyết, tận tâm, yêu nghề; tính tình vui vẻ, hòa đồng; luôn tích cực tham gia vào các hoạt động chung do Nhà trường tổ chức, nhất là văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Không chỉ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của một giảng viên Toán học, chị còn có tâm hồn văn chương và khả năng viết rất tốt; được mọi người đặt cho biệt danh là “cây viết trẻ” của Khoa”.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Triệu Thu Thủy (đứng thứ 3, từ trái sang) tham gia Hội thi Cán bộ Hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân năm 2023.

Bản thân Thiếu tá Triệu Thu Thủy cho rằng: “Văn chương giúp tâm hồn của mỗi chúng ta trở nên đẹp hơn. Đối với tôi, viết vừa là để thỏa  mãn đam mê, vừa góp phần phát triển tư duy của bản thân, lại vừa thể hiện trách nhiệm của một người cán bộ, đảng viên, sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quân sự, quốc phòng”.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng, từ năm 2021 đến nay, Thiếu tá Triệu Thu Thủy đã vinh dự được Thủ trưởng Nhà trường tặng 3 danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen năm 2021, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2022; là nữ quân nhân duy nhất của Nhà trường đạt giải C, Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cấp toàn quân năm 2023, cùng với đó là rất nhiều thành tích tiêu biểu khác. Ngoài ra, chị cũng đã có khoảng trên 30 bài viết được đăng trên các báo trong và ngoài Quân đội.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Triệu Thu Thủy (đứng thứ 3, từ phải sang) tích cực tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ do Nhà trường tổ chức.

Tuy nhiên, nữ giảng viên trẻ luôn tâm niệm: Đạt được những thành tích trên là do bản thân đã thường xuyên nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và sự động viên của cán bộ, giảng viên trong Khoa. Đồng thời, chị cũng khiêm tốn chia sẻ: Đó mới chỉ là bước khởi đầu, bởi lẽ chặng đường quân ngũ vẫn còn rất dài với vô số những nỗi gian lao, vất vả. Điều quan trọng nhất là phải luôn giữ vững bản lĩnh, tinh thần, để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Chúng ta đều biết rằng, thi ca là một phần không thể thiếu của cuộc sống, văn chương truyền cảm hứng, giúp mỗi con người trở nên lạc quan hơn. Nhưng giá trị của mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ nằm ở chỗ “làm đẹp cho đời”, mà mỗi vần thơ, điệu nhạc, lời văn còn phải hàm chứa trong đó “chất thép”, và những giá trị nhân sinh sâu sắc, góp phần hướng người đọc, người nghe đến cái chân - thiện - mỹ. Đó cũng chính là những gì mà Thiếu tá Triệu Thu Thủy đã và đang phấn đấu thực hiện song hành cùng với công việc giảng dạy mà chị vô cùng trân quý.

Bài và ảnh: VŨ QUỐC - NGHIÊM TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.