Bếp lửa
Trong tính tổng hợp của nó, bếp lửa là một tích hợp các biểu tượng văn hóa. “Từ điển các biểu tượng văn hóa thế giới” (1992) viết: “Bếp lò (foyer) tượng trưng cho sự sống chung, cho mái nhà, cho sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho tập hợp và sự giữ gìn lửa. Như là mặt trời, bếp lò làm cho mọi người bên nhau bởi sức nóng và ánh sáng của nó-đó cũng là nơi đun nấu thức ăn-vì vậy bếp lò là trung tâm của cuộc sống, cuộc sống được ban cho, duy trì và sinh sôi. Bởi vậy, bếp lò được tôn kính trong tất cả các xã hội; nó trở thành một điện thờ, nơi con người cầu xin sự bảo hộ của thượng đế, nơi thờ cúng, nơi cất giữ những bức tượng và những hình ảnh thiêng liêng”.
 |
Minh họa: PHÙNG MINH. |
Với con người, các nhà y khoa, khi nghiên cứu cấu tạo hàm răng của bộ linh trưởng và con người, thống nhất nhận định: Con người là loài động vật ăn thực vật, khác với các loài động vật ăn động vật ở chỗ, từ nguyên sơ, răng nanh người không phát triển, chỉ có hai chiếc thoái hóa ở hàm trên, chỉ phát triển răng nghiền hạt cây.
Từ khi biết sử dụng lửa và biết cách tạo ra lửa, con người nấu nướng chín động vật làm thức ăn và từ đó, thể chất, sức sinh sản và đặc biệt là trí tuệ đã phát triển vượt trội so với tất cả các loài động vật khác. Lửa góp phần làm ra con người văn minh, con người hiện đại. Lửa và bếp lửa được thiêng hóa và tín ngưỡng thờ tự thần bếp hình thành. Với sức nóng, bếp lửa đã cứu con người qua khỏi các điều kiện thời tiết lạnh giá. Với ánh sáng, lửa soi rõ đêm đen, mở rộng không gian quan sát của con người, chống lại thú dữ...
Tùy từng cộng đồng khác nhau, các vùng văn hóa khác nhau mà các hành vi tín ngưỡng về bếp lửa có những nét bản sắc khác nhau, rất phong phú. Nhưng chung quy lại, các biểu tượng như tổ ấm gia đình-sự cố kết gia đình-nơi cư ngụ-ngọn lửa-mặt trời-ánh sáng-nguồn thức ăn-sự sinh nở-nơi tích trữ... là như nhau trên toàn bộ nhân loại.
Với bếp lửa trong đời sống thường nhật, người Việt lưu giữ những tục kiêng rất lâu bền. Đất đắp nền bếp phải là đất sét ròng, sạch sẽ, lấy từ các khoảng đồng hoang, khi đun nấu, kiêng đẩy củi ngược (tức là ngọn vào trước), ngồi trước bếp phải ngồi nghiêng, không được dùng que cời đánh vào ông đầu rau, thổi lửa phải qua một ống thổi, không nhổ nước bọt hoặc không được tè vào bếp hay bất cứ đống lửa nào, dù chỉ còn tro, khi vẩy nước vào than, phải dùng bàn tay búng nhẹ nhàng, không được bước qua bếp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Xung quanh bếp là nơi tích trữ nguồn thức ăn nước uống cho cả gia đình, giàn bếp là nơi đựng thức ăn khô dự trữ, góc bếp là nơi thờ thần bếp. Bếp là nơi mùa đông, cả nhà quây quần nói chuyện với nhau những được mất, những lo toan, những dự định cho tương lai. Cái gì bếp cũng được nghe và biết hết.
Cụm từ “ông Công ông Táo” thường có hai cách giải thích. Có người cho đó là cách nói đối xứng quen thuộc của người Việt theo kiểu thành ngữ. Nó vốn là “ông Táo công”, nhưng rồi người ta chẻ ra thành “ông Táo ông Công”, rồi tráo đi thành “ông Công ông Táo”. Cái sự này cũng giống như người hay nói là ông chức ông dịch, cây tre cây pheo, con chim con chóc, ngàn mái ngàn me, thằng bợm thằng bãi, chú tàu chú khách, dây lạt dây buộc... Có người cho rằng, vì thờ Táo công thường gắn với thờ Thổ công nên người ta nói gộp là “ông Công ông Táo”. Ông Công tức là Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ...
Hiểu thế nào cũng được vì ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp giữa người nói và người nghe nên khi họ hiểu nhau là lời nói đã làm tròn chức phận của nó.
Sự tích ông đầu rau
Trong không gian văn hóa phương Đông, “ông Công ông Táo” Việt Nam có bản sắc. Truyện lưu truyền ở nước ta được sưu tầm trong cuốn “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của cụ Nguyễn Đổng Chi (1915-1984), là một câu chuyện mộc mạc nhưng chứa nhiều ý nghĩa, giải thích gốc tích ba ông đầu rau. Nhân vật gồm cả nam và nữ, trong đó nhân vật nữ đóng vai trò trọng tâm.
Tên các nhân vật mượn âm Hán cổ xưa để đặt như bao nhiêu truyện cổ tích khác. Người vợ là Thị Nhi (âm “nhi” có nghĩa là nhừ, chín nhừ), người chồng trước là Trọng Cao ("cao” là bột, tinh bột, ở đây có nghĩa là gạo cơm quan trọng nhất), người chồng sau là Phạm Lang (“lang” còn có âm đọc là “canh” tức món canh). Thực tế và dung dị: Cơm-canh-nấu chín. “Ăn cơm không có rau, như đau không có thuốc” mà.
Câu chuyện bắt đầu từ việc “cơm chả lành” nên Trọng Cao dằn dỗi vợ bỏ đi. Thị Nhi buồn bã đành “vắng cơm thì đã có canh” đỡ lòng vậy nên đi bước nữa với chàng canh là Phạm Lang. Trọng Cao ra đi nhưng đàn ông mà không có nội tướng lo ăn cho thì phiêu dạt đói khổ là cái chắc. Chàng phải xin ăn vất vưởng mà tìm về. Bi kịch xảy ra là để giải thích cái thân phận đen đủi, lấm láp, lem luốc của ba ông đầu rau suốt một đời nhẫn nại đun nấu nuôi con người. Họ “hóa thân, hóa kiếp” cho cái bếp gia đình luôn luôn đỏ lửa, ấm cúng, đừng “vắng như chùa Bà Đanh”.
Người Việt giỗ ông Công ông Táo thống nhất vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Nó là khoảng bảy ngày trước Tết, chuẩn bị hậu cần cho dịp Tết. Một năm lầm lũi làm ăn, dọn dẹp và sửa sang lại không gian bếp là công việc cần làm cho đoàn tụ gia đình, thuận lợi việc nấu nướng và tri ân cái không gian suốt đời lấm láp tro than. Truyền thống Phật giáo đậm đà đã kèm theo lễ phóng sinh cá ở các ao chùa, chủ yếu là cá chép vàng “hóa long” cho ông Công ông Táo cưỡi lên thiên đình tấu sự. Đây là một cử chỉ, hành vi giữ gìn sinh thái đáng quý trọng.
Trước đây, đồ cúng tất phải có, như sách “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính (1875-1921) ghi lại hơn 100 năm trước, là: “Mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời”. Mũ là đủ biểu tượng cho thần quân rồi. Ngày nay người ta mua nhiều thứ hơn. Mâm cỗ giản dị thường là đĩa gạo, đĩa muối, bát canh, đĩa thịt lợn hoặc gà, con cá chép rán hoặc sống, đĩa xào thập cẩm và một đĩa giò. Cũng thật giản dị và khiêm nhường như chính đời bếp vậy.
Tục giỗ ông Công ông Táo như một gen văn hóa cố kết tất cả mọi người trong một niềm “tưởng tượng cộng đồng”, tạo nên cộng cảm chung cho văn hóa dân tộc.
Cho dù văn minh đến đâu, kinh tế phát triển đến đâu, tiện nghi và an sinh xã hội tốt đến mấy thì những tài liệu nghiên cứu tâm lý người già trong các trại dưỡng lão trên thế giới cũng cho ta thấy, trong thăm thẳm tâm khảm, đa số vẫn mong muốn hơi ấm của bếp lửa gia đình bên đông đủ cháu con.
Bếp lửa cũng là gia đình, là gốc gác quê hương nguồn cội. Khi lạnh lẽo nhất, chúng ta đều mang cái tâm sự của Lý Bạch (701-762) nằm trong đêm lãng du xa vắng: “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Ngỏng đầu lên nhìn trăng tỏ/ Đặt đầu xuống nhớ quê xưa).
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN HÙNG VĨ