QĐND - Thành ngữ Việt thật sâu sắc, triết lý có câu chế giễu về cái sự bắt chước: “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Nghĩa là thấy người khác hưởng thụ thành quả lao động, không cần quan tâm tới cách làm, công đoạn, kỹ thuật, quy trình sản xuất thế nào… mà cứ thế “vác mai đi đào”. Đúng nghĩa của sự bắt chước là rập khuôn, làm theo mà không cần suy nghĩ trước-sau, tính toán lợi-hại, thiệt-hơn. Có điều, ấy là bởi vì người ta nông cạn về hiểu biết, non yếu về bản lĩnh, thấy người ta như thế mình cũng làm theo. Sự bắt chước có lẽ thuộc về bản năng chăng mà có người độc mồm gọi đấy là “tâm lý bầy đàn”. Nhận xét thế thì có phần mỉa mai, khinh thị, nhưng chắc đúng với những người hay bắt chước là sự trở về với tuổi em bé đang tập nói, tập đi, bởi ở cái tuổi ấy là thời kỳ ngơ ngác, hồn nhiên, ngây thơ, vụng dại, theo quy luật sinh tồn và phát triển nên hay học theo người lớn.

Có lẽ cần phân biệt sự bắt chước với sự nhại vốn là một thủ pháp nghệ thuật trong địa hạt trào phúng. Ví dụ thiên tài điện ảnh Sác-lô rất thành công trong việc bắt chước, nhằm chế giễu sâu cay Hít-le, lãnh tụ Đức Quốc xã phát xít. Nhưng khổ nỗi, đâu có phải là cứ ai lên sân khấu là trở thành Sác-lô!

Trong đời sống văn hóa, xã hội thì bắt chước luôn là hành động tự nguyện làm nô lệ cho kẻ khác. Thời gian gần đây, chịu ảnh hưởng của văn hóa phim ảnh Hàn Quốc nên nhiều chàng trai, cô gái Việt bỗng dưng cũng tóc nâu môi trầm, rồi là tóc vàng, tóc đỏ... Nhiều trang giai nhân thấy thế còn chưa đủ bèn đến thẩm mỹ viện để nối mi, nâng mũi hoặc phẫu thuật… để cho giống với thần tượng của mình. Tức là tự làm mất mình đi để trở thành cái khác. Triết học gọi đó là sự tự tha hóa.

Lại có kiểu tỏ tình ồn ào nơi công cộng (sân trường đại học, đường phố…) rất Hàn Quốc. Có chàng trai kỳ khu thắp nến tạo ánh sáng, kỳ công và không tiếc tiền mua hoa hồng xếp tên người yêu theo hình trái tim rồi thảng thốt kêu to bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh, và tiếng Hàn (nếu biết)… Lại có kiểu chụp ảnh cưới cũng rất Hàn Quốc, nghĩa là thay bằng khăn đóng áo the, áo dài thì là một bộ Hanbook…

Đáng trách hơn cả là bắt chước lộ liễu trong lĩnh vực âm nhạc. Gần đây, báo chí lên tiếng ca sĩ Tr. Th. B trong một album mặc giống đến từng chi tiết trang phục của diễn viên trong phim Boys over flower (Hàn Quốc). Ca sĩ Ư. H. Ph. là bản sao của ca sĩ Bi Rain… Thế thì đích thị là tự tha hóa để trở thành cái khác rồi!

Bắt chước, xét ở một góc độ nào đó cũng là sự ăn theo, ăn theo để nổi tiếng. Ở nước ta, có một nàng được mệnh danh là “nữ hoàng bắt chước”. Vốn đã nổi tiếng nhưng nàng muốn nổi tiếng hơn, bèn ăn mặc trang phục và hở hang y chang những diễn viên nổi tiếng nước ngoài. Cũng táo bạo hở y hệt như Can Lộ Lộ, cũng “ngây thơ”, quyến rũ, trong suốt như Phạm Băng Băng… Và không chỉ có một “nữ hoàng bắt chước” này mà còn rất nhiều những “nữ hoàng” và “nam vương” khác.

Mấy ngày gần đây lại rộ lên với những clip “Anh không đòi quà” trên internet. Chả là vì có câu chuyện thật ngoài đời mà báo chí đã phản ánh: Một đôi uyên ương nọ đang nồng nàn thì “giữa đường đứt gánh”, chàng thấy tiếc những gì đã tặng, tự mình thì ngượng bèn nhờ người khác đến tận nhà nàng đòi lại. Những thước phim ngắn với mô-típ giống nhau: Cô gái tự lột dần, lột dần những thứ có trên người rồi vứt trả chàng trai, lột triệt để đến mức không thể lột được nữa… Dù không xem thì người ta cũng thấy đó là sự kệch cỡm quá đáng. Những “diễn viên” không chuyên ấy nhân việc “đòi quà” để được nổi tiếng. Cũng là một sự ăn theo!

Trong đời sống, cái đáng quý nhất là cá tính của mình, trong nghệ thuật lại càng phải như vậy. Thế mà không hiểu tại sao, lại có nhiều người cứ muốn biến mình thành cái bóng của kẻ khác?

HOÀNG THỊ THU GIANG