Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của mình, Quận ủy Tây Hồ đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội bằng việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", trong đó, quan điểm xuyên suốt của quận là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Tây Hồ như: Du lịch văn hóa gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; các sản phẩm làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và không gian sáng tạo, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực...
Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ - Điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa
Cụ thể hóa định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận, Không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ - Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân) ra đời năm 2018, tái khởi động năm 2022, đã được quan tâm đầu tư đổi mới cả về chất và lượng. Riêng năm 2023, gần 40 sự kiện văn hóa đặc sắc của TP Hà Nội và của quận được tổ chức thành công tại đây. Toàn bộ 8 phường và 17 trường học trên địa bàn quận đã xây dựng kế hoạch, đầu tư có tính chiến lược đối với các hạt nhân văn nghệ, thể thao trên địa bàn. 14 đơn vị đã triển khai hiệu quả các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Không gian văn hóa sáng tạo. Trong năm 2024, nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ như: Chương trình Vũ điệu kết đoàn - Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024, Du lịch Hà Nội chào 2024 và Công bố khu du lịch Nhật Tân là khu du lịch cấp thành phố, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 gắn với giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc, Giải Tây Hồ Half Marathon và Kid Run The Earth…
 |
Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức tại Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ thu hút đông đảo du khách tới tham quan. |
Đổi mới hoạt động của Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ với sự tham gia tích cực của người dân, kết hợp với các nghệ sĩ chuyên nghiệp đã thực sự xây dựng được một không gian văn hoá sáng tạo - nơi người dân được sáng tạo, thực hành và hưởng thụ chính những giá trị văn hóa do cộng đồng đem lại, cải thiện đời sống tinh thần người dân, thu hút khách du lịch. Từ đó, khẳng định vai trò và tiềm lực của Tây Hồ trong quá trình xây dựng và phát triển, góp phần làm tăng vị thế của quận trong giai đoạn phấn đấu đưa Tây Hồ sớm trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.
 |
Nhiều chương trình nghệ thuật với sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn quận Tây Hồ được tổ chức tại Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ. |
Theo thống kê của ngành Du lịch thành phố Hà Nội, nhiều hoạt động lễ hội truyền thống của quận Tây Hồ đã thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan. Năm 2024, tại các điểm di tích trên địa bàn quận đã đón trên 1 triệu lượt khách đến tham quan, gấp đôi so với năm 2023. Riêng đêm Giao thừa, lượng khách đến phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, các di tích lịch sử khác trên địa bàn quận lên đến hơn 30.000 lượt người. Đặc biệt, tháng 7-2024, Lễ hội Sen được tổ chức tại Không gian văn hóa sáng tạo phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã đón tiếp trên 50.000 lượt du khách tham dự, tạo một sân chơi phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của Không gian văn hóa sáng tạo
Tây Hồ đã tập trung khai thác tốt giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các di tích nhằm quảng bá hình ảnh địa phương đến nhân dân trong và ngoài nước, góp phần tích cực xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Ngày 2-1, tại Hội nghị Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng đã chia sẻ kinh nghiệm tạo dựng các Không gian sáng tạo mới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.
 |
Phó bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng phát biểu tại Hội nghị tổng kết. Ảnh: LÊ HẢI
|
Theo đó, để các không gian văn hóa hoạt động thật sự hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa, cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và toàn thể người dân.
Địa phương cần tuyên truyền sâu rộng để toàn xã hội nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, từ đó thấy được sự cần thiết của các không gian sáng tạo văn hóa. Việc nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của không gian văn hóa sẽ tạo điều kiện cũng như cơ hội cho các không gian văn hóa phát triển, thu hút đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nghiệp cùng người dân tham gia giữ gìn, sáng tạo, lan tỏa, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa.
Hai là: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý giúp cho hoạt động sáng tạo văn hóa được thông suốt theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn.
Ba là: Tăng cường truyền thông quảng bá và tiếp cận. Quảng bá các sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hoá của Tây Hồ thông qua các kênh truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội.
Bốn là: Đầu tư, triển khai số hoá dữ liệu di sản, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truyền thông quảng bá văn hoá, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hoá và xu hướng du lịch thông minh trong giai đoạn hiện nay.
Năm là: Kêu gọi các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển các không gian văn hoá sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo và phát triển văn hoá nghệ thuật địa phương và các hoạt động phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn.
Hiện nay, Tây Hồ đang triển khai xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây và vùng phụ cận, theo đó sẽ nghiên cứu xây dựng các đề án nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng các di sản văn hóa phi vật thể của quận Tây Hồ gắn với xây dựng các Không gian văn hóa sáng tạo mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quận để phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, quận Tây Hồ định hướng tiếp tục đầu tư tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá điểm nhấn, đặc trưng của Tây Hồ, gắn với hồ Tây, với các di tích lịch sử - văn hoá xung quanh hồ Tây (thực cảnh hồ Tây).
Việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách. "Đó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng hình ảnh quận Tây Hồ đẹp hơn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, dựa trên truyền thống văn hoá lịch sử và lễ hội của quận Tây Hồ để phát triển công nghiệp văn hoá, thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo ra môi trường văn hoá sáng tạo phong phú" - Phó bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết.
Bài, ảnh: THANH HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.