Đáp ứng nhu cầu của công chúng

Từ khi thành lập vào năm 2010 đến nay, mỗi năm trung bình Bảo tàng Hà Nội đón 100.000 lượt khách tham quan; đã triển khai trưng bày được 61 chuyên đề khác nhau như: Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”; Triển lãm và tổ chức chương trình “Tết Việt”; “Hà Nội - Ký ức tháng mười”…

Năm 2022, Bảo tàng mở cửa trở lại đón khách tham quan với 5 trưng bày chuyên đề thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, gồm các chuyên đề: Cổ vật tiêu biểu Bảo tàng Hà Nội; Nếp xưa; Con đường; Hà Nội - Đất trăm nghề; Triển lãm nghệ thuật điêu khắc, hội họa của họa sĩ Ngô Xuân Bính với chủ đề Ego - Người. Tiếp đến tháng 12 này, Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề: Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - 1972.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: Hiện nay, nhu cầu tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa, tài liệu, hiện vật về Thăng Long-Hà Nội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của công chúng ngày càng cao. Bảo tàng Hà Nội phải đáp ứng được nhu cầu của công chúng, duy trì hoạt động trưng bày chuyên đề, đồng thời thực hiện dự án trưng bày thường xuyên của bảo tàng.

 Khách tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

“Hiện nay Bảo tàng Hà Nội đang là điểm thu hút giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm. Trong tương lai Bảo tàng Hà Nội sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa các trưng bày, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều trưng bày chuyên đề hấp dẫn phục vụ công chúng trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Tiến Đà nhấn mạnh.

Xây dựng Bảo tàng gắn liền với lịch sử, văn hóa của Thủ đô

Để góp phần xây dựng ý tưởng trưng bày chuyên đề đặc sắc gắn liền với lịch sử, văn hóa của Thủ đô, xây dựng điểm đến hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho Bảo tàng Hà Nội, các chuyên gia đã nêu nhiều ý kiến sát thực tại cuộc Tọa đàm “Giải pháp, định hướng hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2023- 2028” do Bảo tàng Hà Nội vừa tổ chức.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam rất hoan nghênh Bảo tàng Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm này. Để Bảo tàng Hà Nội hoạt động tốt trong thời gian tới, PGS, TS Đỗ Văn Trụ đề nghị Bảo tàng Hà Nội tập trung nhân lực, trí tuệ hoàn thành trưng bày thường xuyên; kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo sát sao thực hiện dự án trưng bày; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng thêm hoạt động, trau dồi năng lực cán bộ…

PGS, TS Phạm Mai Hùng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử cho rằng: "Bảo tàng Hà Nội đã có nhiều sáng kiến tổ chức các trưng bày chuyên đề. Gần đây Bảo tàng Hà Nội rất đông khách, chứng minh hướng đi đúng của Bảo tàng Hà Nội sau khi mở cửa trở lại và cũng thể hiện năng lực của đội ngũ cán bộ Bảo tàng Hà Nội".

Đông đảo người xem triển lãm tại Bảo tàng. 

PGS, TS Phạm Mai Hùng nêu ý kiến: "Để Bảo tàng Hà Nội có sức hút dài lâu, cần chuẩn bị những chuyên đề trưng bày có chiều sâu, đặc sắc, nội dung chuẩn bị kỹ. Ngoài ra, Bảo tàng Hà Nội cũng cần tập trung đào tạo đội ngũ thuyết minh có năng lực, có ngoại ngữ để đón tiếp khách tham quan. Đồng thời vẫn phải tập trung thực hiện dự án trưng bày thường xuyên, đưa dự án về đích theo tiến độ của Thành phố giao".

Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Bảo tàng, Cục Di sản văn hóa nêu kiến nghị: "Bảo tàng Hà Nội đã gia nhập tổ chức các bảo tàng thế giới ICOM là một điều kiện thuận lợi giúp cho bảo tàng phát triển. Các hoạt động nên bám sát mục đích, thông điệp của bảo tàng là thể hiện Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng các bộ sưu tập hiện vật mà chỉ riêng Bảo tàng Hà Nội mới có. Đổi mới trưng bày gắn với công nghệ số và công nghệ trình chiếu".

Đổi mới cách trưng bày để thu hút người xem.   

Bảo tàng Hà Nội là bảo tàng của Thủ đô nên cần quy tụ và là địa điểm của các làng nghề tổ chức triển lãm, đó là ý kiến của ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt (Bát Tràng).

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Bảo tàng cần bố trí một không gian dành riêng cho giới trẻ sáng tạo; phối hợp với các tổ chức cá nhân thực hiện các triển lãm chuyên đề. Bên cạnh nội dung trưng bày, cần bố trí các không gian trải nghiệm, check in và các dịch vụ tiện ích đầy đủ để thu hút khách đến với bảo tàng.

Là đơn vị đã tham gia với Bảo tàng Hà Nội thực hiện một số triển lãm ứng dụng công nghệ trình chiếu mapping, ông Phạm Trung Hưng, Giám đốc Công ty TNHH CMYK cho rằng: "Một bảo tàng hiện đại, hấp dẫn là một bảo tàng ứng dụng công nghệ thành công. Đặc biệt các thiết bị này được kết nối trên nền tảng web sẽ lan tỏa và phát triển mạnh hơn nữa. Hơn nữa không gian của Bảo tàng Hà Nội là một không gian hiện đại, rất phù hợp với các triển lãm ứng dụng công nghệ".

Hà Nội cần có không gian vừa để các bạn trẻ có những hoạt động trải nghiệm, vừa là nơi trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của Thủ đô. Qua đó, góp phần kết nối quá khứ với hiện tại. Vì vậy, những giải pháp, định hướng thu hút công chúng trong giai đoạn từ nay đến năm 2028 của Bảo tàng Hà Nội là rất cần thiết.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH