Tháo gỡ những vướng mắc

Tại Diễn đàn “Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành văn hóa, thể thao và du lịch” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo Cục Di sản văn hóa rà soát hoạt động của các bảo tàng thuộc sự quản lý của bộ cũng như bảo tàng tại các tỉnh, thành phố. Đây là hệ thống thiết chế văn hóa chịu ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch Covid-19 khi buộc phải đóng cửa, không đón khách tham quan. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Cục Di sản văn hóa cần kết hợp với Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP Hà Nội nhanh chóng đưa ra các phương án để một công trình văn hóa tiêu biểu giữa lòng Thủ đô là Bảo tàng Hà Nội mở cửa, đón khách, phát huy giá trị. Vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó chứ không thể để một thiết chế văn hóa lớn như thế “đắp chăn” mãi”.

leftcenterrightdel
 Các hiện vật được tổ chức, cá nhân hiến tặng Bảo tàng Hà Nội.Ảnh: ĐINH THUẬN


Về vấn đề này, bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở VH&TT TP Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội vừa có quyết định kiện toàn Hội đồng Tư vấn khoa học nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Thành viên gồm đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, UBND TP Hà Nội, các chuyên gia thuộc Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và đầu ngành về di sản, lịch sử, văn hóa... Dự án Bảo tàng Hà Nội sẽ gồm hai phần. Một là phần xây lắp, hai là phần nội dung trưng bày, triển lãm. Sau khi xây dựng xong, bảo tàng được chuyển giao cho Sở VH&TT TP Hà Nội tiếp nhận, mở cửa đón khách tham quan. Tuy nhiên, sở gặp rất nhiều khó khăn để triển khai. Một trong những nguyên nhân khách quan là bảo tàng sẽ phải trưng bày làm sao để thể hiện rõ văn hóa Thăng Long, xứ Đoài, các vùng phụ cận khác, nhất là sau khi địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng vào năm 2008. Từ năm 2017, UBND TP Hà Nội giao Bảo tàng Hà Nội làm chủ đầu tư dự án nội dung trưng bày phù hợp với tình hình thực tế. Đơn vị đã mời nhiều chuyên gia bảo tàng, lịch sử, văn hóa... cùng tham gia thiết kế nội thất. Hiện nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành đề cương trưng bày, chuẩn bị các thủ tục cần thiết để triển khai dự án trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Kể câu chuyện dài về Hà Nội

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho hay, từ tháng 5-2020, Bảo tàng Hà Nội đóng cửa phục vụ công tác thi công dự án trưng bày trên tổng diện tích gần 10.000m2, theo câu chuyện lịch sử Thăng Long-Hà Nội, với chất liệu dựa trên cơ sở hơn 70.000 tài liệu, hiện vật. Đề cương trưng bày được thiết kế theo 7 chủ đề (với 25 tiểu chủ đề) gồm: Thiên nhiên; Hành trình đến Thăng Long; Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt; Hà Nội thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20; Kháng chiến và giành độc lập (1873-1954), kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); Xây dựng chủ nghĩa xã hội và Hà Nội trên đường đổi mới. Mỗi chủ đề được chứng minh bằng nhiều tiểu chủ đề khác nhau, trong đó có những tiểu chủ đề rất độc đáo, tạo ra cái nhìn mới về Hà Nội như: Giảng Võ đường, Kẻ chợ, Khu tập thể... Bên cạnh đó, khu vực trưng bày còn có thêm một chuyên đề giới thiệu tại 3 tầng nhà bảo tàng. Ở sân vườn, tại các vị trí ô đá, bãi cỏ bảo tàng trưng bày và tái hiện không gian: Phố cổ, làng nghề truyền thống,...

Để có số lượng tài liệu, hiện vật phong phú, từ năm 2019, UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT TP Hà Nội đã phát động cuộc vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội. Đến nay đã tiếp nhận hàng nghìn tài liệu, hiện vật của nhiều tổ chức, cá nhân. Qua nghiên cứu, phân loại bước đầu, hiện vật sẽ được trưng bày giới thiệu theo các nội dung: Nhóm tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày thời bao cấp; hiện vật, tài liệu của người Hà Nội trên các chiến trường; hiện vật về kiến trúc đô thị; làng nghề; khảo cổ học, cổ vật; ảnh, tư liệu về gia đình, cảnh quan, di tích...

Đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như thích ứng với xu hướng tham quan hiện nay, bảo tàng đầu tư công nghệ trong tra cứu thông tin qua màn hình, QR code các hiện vật... Bên cạnh đó là 98 video clip dạng phim ngắn từ 5 đến 7 phút về lịch sử Hà Nội, cung cấp khối lượng thông tin lớn cho công chúng, trong đó có video clip dùng tai nghe, có video clip dùng thuyết minh bằng nhiều ngôn ngữ, như: Anh, Pháp, Hàn Quốc... tăng thêm khả năng lựa chọn cách tìm hiểu về Hà Nội khi du khách đến với bảo tàng.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Hà Nội đã nhận được tâm huyết đóng góp của không ít nhà văn hóa, lịch sử trong nước, các chuyên gia thiết kế nước ngoài nhằm đưa lại cho công chúng những ấn tượng thú vị, tiệm cận với xu hướng trưng bày bảo tàng trong khu vực. Dự kiến hàng chục nghìn hiện vật sẽ được trưng bày để kể câu chuyện về Hà Nội vào tháng 6-2022, khi bảo tàng mở cửa trở lại.

CHÂU XUYÊN