Không chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời kháng chiến muôn vàn gian khổ, nhiều cán bộ giữ quyền cao chức trọng vẫn sống giản dị, giữ trọn phẩm chất chí công vô tư của người cộng sản.

Tinh thần "dĩ công vĩ thượng" là nguyên tắc hàng đầu của những người sở hữu và thực thi quyền lực công, nhưng đáng tiếc là một bộ phận quan chức thời nay khi đứng trên đỉnh cao quyền lực lại để việc tư, lợi ích riêng lên trên việc công, lợi ích chung. Không những vậy, họ lại không "phụng công, thủ pháp", không giữ gìn phẩm chất liêm chính của người lãnh đạo và bị cám dỗ rồi dính vào bả tiền bạc, vật chất bất minh nên rơi vào vòng lao lý. Thậm chí có quan chức "dính chàm" không chỉ phạm một lỗi, một tội mà là lỗi chồng lỗi, tội chồng tội. Nào là tội thiếu trách nhiệm quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, tội nhận hối lộ, tội ra quyết định trái pháp luật; nào là lỗi ký bừa, ký ẩu, ký đại vào những văn bản mang lại lợi nhuận kếch sù cho một số doanh nghiệp và bản thân, gia đình họ, nhưng lại gây thất thoát cho Nhà nước hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (áo đen). Ảnh tư liệu: TTXVN  

Giới trẻ thời nay có câu “Phải liều mới ăn được nhiều”. Nhìn vào hàng chục quan chức tầm cỡ thời gian gần đây bị vào nhà đá bóc lịch, đúng là họ liều thật. Cái sự liều của họ bất chấp cả luân thường đạo lý và pháp lý, làm liên lụy đến nhiều người, gây tổn thất rất lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nguy hại hơn, hành vi “liều và ăn nhiều” của họ còn gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền và thể chế chính trị.

Lại nói về đồng tiền, của cải, ai cũng quý, cũng cần, nhưng đồng tiền, của cải chỉ có giá trị, ý nghĩa khi do chính bàn tay, công sức, trí tuệ của mình làm ra, hay đồng tiền được Nhà nước chu cấp, ban thưởng một cách tương xứng với vị trí công tác, công lao đóng góp, cống hiến của mình cho xã hội. Người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhất là cảnh báo các "quan tham": “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”. Người xưa đã đúc kết: “Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của bất nhân để ngoài ngõ”. Hàm ý câu tục ngữ muốn nhắc nhớ, khuyên răn con người ta rằng cái gì tự mình làm ra thì mới chắc chắn, lâu dài, chứ cái thứ của cải do hành vi gian dối, lừa lọc, bất nhân mà có được thì trước sau cũng sẽ trôi dạt ra ngoài cổng, ngoài đường mà thôi.

Nhân nào quả nấy. Khi con người không chăm lo gieo mầm thiện thì đương nhiên họ phải hái quả đắng; khi không quan tâm vun trồng gốc lành thì thân cành, lá ngọn sẽ bị héo úa, tàn lụi. Nói theo ý đức Phật, đó là những người “từ nơi sáng đi vào nơi tối”.

Người Anh có câu châm ngôn “from hero to zero”. Theo nghĩa đen, câu này có nghĩa là “từ anh hùng trở về con số không” hoặc “từ anh hùng trở thành kẻ tay trắng”. Còn nghĩa bóng của câu này để chỉ những người hôm qua là tấm gương, thần tượng cho người khác học tập, ngưỡng mộ, nhưng hôm sau lại trở thành nỗi xấu hổ, sỉ nhục khiến họ bị thất vọng. Cũng có người dịch “from hero to zero” là “từ đỉnh xuống đáy”.

Thế nên có người cho rằng, nhiều quan chức ở nước ta khi ngồi trên ghế lớn, đứng trên đỉnh cao quyền lực thì không chú trọng bảo toàn danh dự, nhân phẩm để lương tâm thanh thản, tâm thế an nhiên, mà lại sinh ra chủ quan, tự mãn, tự buông thả bản thân rồi tự sa ngã khiến mình phải ngồi trong bốn bức tường chật chội, bức bối ở dưới đáy thấp. Đây là bài học đắt giá cho những ai nắm giữ quyền lực công mà không đề cao tinh thần "dĩ công vi thượng", không tự nghiêm khắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và giữ gìn phẩm chất liêm chính của người cộng sản thì sẽ lại rơi vào thảm cảnh... từ đỉnh xuống đáy!

TRUNG NGÔN