Theo nghiên cứu của chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai nhân vật lịch sử thời hiện đại được khắc họa nhiều nhất trong các loại hình nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng.

Về thơ. Tố Hữu có lẽ là nhà thơ đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bài thơ nổi tiếng "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" (1954), hình ảnh Đại tướng hiện lên gắn liền với chiến công huyền thoại “chấn động địa cầu”: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Sau "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", bài thơ viết về Đại tướng được nhiều người biết, ưa thích là "Vị tướng già" của nhà thơ Anh Ngọc. Ở bài thơ viết năm 1994 này, nhà thơ Anh Ngọc đã đưa ra một “công thức” khắc họa chân dung Đại tướng mà sau này đã trở nên phổ biến: Nét bình dị xen lẫn huyền thoại. Ông khẳng định cuộc đời của Đại tướng một mặt là cuộc đời mãi mãi được lưu truyền trong sử sách, một mặt là cuộc đời giản dị như bao cuộc đời khác trong kiếp nhân sinh vô thường: Một chân ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu.

Bìa hai cuốn tiểu thuyết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: THU HÀ

Khi Đại tướng về với “cõi người hiền”, cả nước đã khóc thương Đại tướng bằng những vần thơ đẫm lệ. Hàng nghìn bài thơ viếng Đại tướng của nhân dân và văn nghệ sĩ cả nước, một nhóm các nhà thơ đã tuyển chọn 103 bài (tượng trưng cho số tuổi của Đại tướng) xuất bản tập thơ "Tiễn Người vào bất tử" (NXB Thông tin và Truyền thông, năm 2013). Tập thơ là tình yêu thương, kính trọng vô vàn của toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung và văn nghệ sĩ Việt Nam nói riêng gửi tới Đại tướng. Mỗi bài thơ trong tập thơ là một nén tâm nhang tưởng nhớ đến những chiến công vĩ đại và công đức vô lượng của Đại tướng. Cảm hứng chung của tập thơ là buồn bã, tiếc thương khi Đại tướng ra đi và tự hào vì non sông đất nước Việt Nam đã sinh ra một người con vĩ đại như Đại tướng.

Về trường ca. Cho đến nay-thời điểm hiện tại theo hiểu biết của chúng tôi, có hai trường ca viết về Đại tướng. Trường ca đầu tiên là "Người Anh cả của toàn quân" (NXB Kim Đồng) của nhà thơ Hoàng Bình Trọng, xuất bản năm 2009. Trường ca gồm 8 chương, khắc họa cuộc đời của Đại tướng từ khi sinh thành ở mảnh đất Quảng Bình nắng gió cho đến khi lãnh đạo Quân đội ta giành chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lịch sử. Ở trường ca này, Hoàng Bình Trọng đã làm nổi bật lên bản lĩnh, trí tuệ của Đại tướng trong cuộc đời cầm quân đánh giặc. Nhà thơ có một phát hiện rất tinh tế và chính xác về Đại tướng. Là một nhân cách vĩ đại, nhưng thay vì làm vì tinh tú chói sáng đơn độc, Đại tướng luôn nâng đỡ, giúp những người lính cùng tỏa sáng. Ánh sáng của ông hòa cùng ánh sáng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, hòa cùng dân tộc, đất nước Việt Nam anh hùng. Đó chính là thứ ánh sáng diệu kỳ nhất, không bao giờ tắt trên thế gian: Anh là châu ngọc và muốn tất cả lũ đàn em đều sáng trong như ngọc/ Anh là trầm hương và muốn tất cả lũ đàn em đều ngào ngạt mùi hương/ Anh một vĩ nhân và muốn tất cả lũ đàn em không được sống tầm thường.../ Đúng thế thật. Bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Người Anh cả của toàn quân”.

Bản trường ca thứ hai viết về Đại tướng là "Đường tới Điện Biên Phủ" (NXB Hội Nhà văn, năm 2018) của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Trong bản trường ca này, bên cạnh việc khắc họa tài năng quân sự và tấm lòng với chiến sĩ, đồng đội của Đại tướng, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải đã nhấn mạnh đến cái tứ Đại tướng chính là người được Bác, được dân tộc, được lịch sử chọn để lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng tất cả kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước: Trong cái lán giữa rừng đâu chỉ một mình Tướng Giáp/ Tướng Giáp cầm quân có lịch sử đi cùng.

Về tiểu thuyết. Hiện tại có hai cuốn tiểu thuyết lấy Đại tướng làm nhân vật trung tâm là "Không phải huyền thoại" (NXB Quân đội nhân dân, năm 2007) của nhà văn Hữu Mai và "Đường về Thăng Long" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2019) của Nguyễn Thế Quang. "Không phải huyền thoại" có kết cấu theo kiểu hồi cố. Tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh Đại tướng trở về thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ rồi ngược dòng thời gian trở lại những ngày cách mạng mới giành chính quyền năm 1945, rồi xuôi 9 năm dòng lịch sử đến thời điểm kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, sau đó quay trở lại với cuộc hành trình về nguồn đầy cảm xúc của Đại tướng. Là người có mối quan hệ gắn bó với Đại tướng trong nhiều năm, đã từng chấp bút nhiều cuốn hồi ức của Đại tướng, nhà văn Hữu Mai có lợi thế lớn về nguồn tư liệu. Và ông đã tận dụng triệt để lợi thế này ở cuốn tiểu thuyết nằm trong chương trình vận động sáng tác tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT nhân dân (2001-2004) của Bộ Quốc phòng. Thành công nổi bật của nhà văn Hữu Mai trong hơn 800 trang sách dày dặn là khắc họa hình ảnh Đại tướng trên phương diện một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc. Ông đã “vẽ lại” quá trình hình thành tư tưởng, nhận thức của Đại tướng về đường lối chiến tranh nhân dân, về tư duy và những quyết định của Đại tướng trong từng trận đánh cụ thể, mà tiêu biểu nhất là trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ rất sinh động. Qua những trang văn, bạn đọc thấy hiện lên một vị tướng “không phải huyền thoại”. Những phương thức tác chiến đánh giặc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có sẵn trong các sách binh thư tự cổ chí kim, không phải tự nhiên xuất hiện. Đó là thành quả của bao đêm thao thức, trằn trọc không ngủ nghiền ngẫm, phân tích kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc chiến của Đại tướng. Đó cũng là kết tinh của công sức, lòng gan dạ của những chuyến đi thực tế, trinh sát ngay trước mũi tiến công rầm rộ của quân địch nhằm tìm ra cách đánh phù hợp trong hoàn cảnh phải lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều của Đại tướng. Và trên hết, những phương thức tác chiến ấy xuất phát từ niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân và thắng lợi sau cùng của cách mạng, từ tình yêu những người đồng chí, đồng đội, từ mong muốn làm sao để ít tổn thất xương máu người lính nhất của Đại tướng. Tất cả những yếu tố đó đã hình thành nên phương thức tác chiến, phong cách cầm quân đánh giặc rất riêng, mang bản sắc đặc trưng Võ Nguyên Giáp, không hề lẫn với bất cứ một danh tướng nào.

Là người đi sau, trong "Đường về Thăng Long", Nguyễn Thế Quang lại có cách tiếp cận khác về Đại tướng. Nhà văn thiên về xây dựng hình ảnh Đại tướng trên phương diện một nhà trí thức thông tuệ, lịch lãm. Tiểu thuyết tập trung tái hiện cuộc đời cách mạng của Đại tướng trong khoảng thời gian hơn một năm từ sau Ngày Độc lập 2-9-1945 cho đến những ngày cuối mùa đông năm 1946 lịch sử, giai đoạn nhà nước cách mạng non trẻ phải đối phó với vô vàn sức ép, hiểm nguy từ các đảng phái trong nước và các cường quốc bên ngoài. Bằng ngòi bút sắc sảo và tinh tế, Nguyễn Thế Quang đã khắc họa mối quan hệ giữa Đại tướng với các nhân vật trí thức lớn, nổi tiếng của nước nhà như: Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Cao Xuân Huy... Thông qua những cuộc trao đổi, trò chuyện và tâm sự với những bậc thức giả đó, chân dung nhà trí thức Võ Nguyên Giáp thông minh, yêu nước, kiên định lập trường cách mạng, khéo léo trong ngoại giao, chân tình trong giao tiếp dần hiện lên trước mặt bạn đọc. Chính nhờ sự tương liên, mến tài nhau của người trí thức mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuyết phục luật sư Phan Anh tham gia Chính phủ cách mạng. Mặt khác, ở tiểu thuyết này, Nguyễn Thế Quang đã “làm mới” hình ảnh Đại tướng bằng việc khai thác cuộc sống riêng tư. Đây là một hướng tiếp cận đầy táo bạo và đã đạt được những thành công nhất định của Nguyễn Thế Quang. Những trang viết về tình cảm vợ chồng của Đại tướng với người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái rất cảm động, cung cấp một hình ảnh khác về Đại tướng: Người chồng rất mực thương vợ, một người cha rất mực thương con. Bên cạnh đó, Nguyễn Thế Quang cũng chú ý miêu tả quãng đời niên thiếu của Đại tướng khi còn là học sinh ở Trường Quốc học Huế và những năm tháng đi dạy ở trường tư thục Thăng Long. Có thể nói, "Đường về Thăng Long" là một sự “bổ khuyết” tuyệt vời cho "Không phải huyền thoại", giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về Đại tướng.

Mặc dù có những khác biệt về cách tiếp cận hình tượng nhân vật và thi pháp tiểu thuyết nhưng cả "Đường về Thăng Long" và "Không phải huyền thoại" có điểm chung là khắc họa mối chân tình, quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều làm nổi bật lên ba điểm lớn trong mối quan hệ giữa Đại tướng và Bác, đó là: Sự chân quý, kính phục của Đại tướng với Bác-sự tin tưởng tuyệt đối của Bác đối với tài năng và nhân phẩm của Đại tướng-mối chân tình, gần gũi như trong gia đình giữa Bác và Đại tướng. Mối quan hệ giữa Bác và Đại tướng vừa là mối quan hệ giữa người thầy vĩ đại và người học trò kiệt xuất, vừa là tình đồng chí, đồng đội giữa những con người có cùng lý tưởng cách mạng cao đẹp. Trong cả hai tiểu thuyết, Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp đã trở thành biểu tượng cho cách mạng Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20.

Trên đây là một số tác phẩm văn học viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thiết nghĩ, bao nhiêu tác phẩm viết về Đại tướng cũng là chưa đủ, chưa thể phản ánh trọn vẹn sự vĩ đại vị tướng của nhân dân. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học mới, hay, đưa ra những góc nhìn, kiến giải độc đáo về Đại tướng-người Anh cả của Quân đội ta.

TS ĐOÀN MINH TÂM