Đó là các hội thảo: “Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” do Tỉnh ủy Hưng Yên, Bộ tư lệnh Quân khu 7, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và Báo QĐND phối hợp tổ chức (ngày 18-7-2018) và “Trung tướng Nguyễn Bình, nhà quân sự tài năng, đức độ” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức (ngày 21-7-2023). Tại đây các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ sự nghiệp cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung tướng Nguyễn Bình sinh ngày 30-7-1908, tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, xã Tinh Tiến (nay là xã Giai Phạm) huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1925, khi đang theo học tại Trường Kỹ nghệ Hải Phòng, Nguyễn Phương Thảo bị buộc thôi học vì tham gia vận động học sinh của trường bãi khóa phản đối chính sách hà khắc của thực dân Pháp. Tiếp đó, Nguyễn Phương Thảo làm nhiều công việc khác nhau để tìm đường hoạt động và gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng vào năm 1928. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt, bị kết án 6 năm tù và đày ra Côn Đảo. Chính tại nơi này, ông được những người cộng sản ưu tú như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt... giác ngộ cách mạng. Năm 1935, sau khi ra tù, ông đổi tên thành Nguyễn Bình và chính thức tuyên bố ly khai khỏi Quốc dân đảng để đi theo lý tưởng cộng sản. Ông đã hoạt động rộng khắp trên các địa bàn: Thái Nguyên, Hưng Yên, Lai Châu, Hà Nội, Hải Phòng, Đông Triều, Quảng Yên, Hòn Gai... với nhiều lần bị địch bắt rồi lại trốn thoát để tiếp tục hoạt động. Tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, chính Nguyễn Bình là người tổ chức và chỉ huy du kích đánh chiếm đồn Bần Yên Nhân, bắt toàn bộ trung đội địch, thu vũ khí. Đó là trận đánh gây tiếng vang lớn mà sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “trận đánh du kích kiểu mẫu ở Đồng bằng Bắc Bộ”.
 |
Trung tướng Nguyễn Bình. Ảnh tư liệu |
Trước ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Nguyễn Bình đã chủ động phối hợp cùng đội ngũ cán bộ Việt Minh thành lập Chiến khu Đông Triều. Nhân dân và du kích ở Chiến khu Đông Triều đã chủ động tiến công địch ngay từ lúc chưa có chỉ thị khởi nghĩa. Ngày 20-7-1945, đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy LLVT hỗ trợ quần chúng đánh chiếm tỉnh lỵ và giải phóng Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Đây là tỉnh duy nhất được giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám. Trong Cách mạng Tháng Tám, đồng chí cũng là người tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng, Đồ Sơn, Kiến An, Hải Dương. Khi Ủy ban quân sự liên tỉnh miền Duyên hải Đông Bắc thành lập, đồng chí Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh Chiến khu Đông Triều (một trong những đơn vị tiền thân của Quân khu 3).
Tháng 10-1945, trước âm mưu gây hấn của thực dân Pháp hòng quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, đồng chí Nguyễn Bình được Bác Hồ cử vào chỉ huy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngay khi đến Nam Bộ, ngày 22-10-1945 đồng chí Nguyễn Bình đã viết bản Thông cáo số 1 gửi nhân dân Nam Bộ: “...Đây là cuộc toàn dân kháng chiến cứu nước, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Đồng bào hãy đồng tâm quyết đánh và quyết thắng. Chống giặc tại nhà, tại làng, thôn, ấp, suối, rừng. Không cộng tác với giặc, không buôn bán, làm công cho giặc. Thực hiện triệt để vườn không nhà trống. Đối với địch thực hiện 3 không: Không nghe, không thấy, không biết. Đánh địch bằng mọi thứ vũ khí; không có súng thì dùng dao, bai, cuốc xẻng, gậy gộc... Chúng ta quyết đánh và quyết thắng”.
Để đào tạo cán bộ quân sự phục vụ kháng chiến, ngày 12-12-1945, đồng chí Nguyễn Bình quyết định thành lập Trường Quân chính Miền Đông và cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường. Chỉ trong thời gian ngắn, nhà trường đã tổ chức 2 khóa học với hơn 100 học viên được huấn luyện và trở thành những cán bộ nòng cốt trong chỉ huy, lãnh đạo kháng chiến tại các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, tháng 6-1946, đồng chí Nguyễn Bình được Trung ương Đảng phê chuẩn kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Một vinh dự nữa là ngày 20-1-1948, đồng chí được phong quân hàm Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam.
Năm 1951, Trung tướng Nguyễn Bình được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ và nhận nhiệm vụ mới. Do điều kiện chiến tranh chia cắt, hành trình ra Bắc của Trung tướng Nguyễn Bình phải đi vòng sang đất Campuchia rồi sang Lào để về gặp Trung ương ở Việt Bắc. Trên đường đi, đồng chí bị địch tập kích bất ngờ và hy sinh ngày 29-9-1951 tại Campuchia. Năm 2000, với sự giúp đỡ của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về nước, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.
Cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình đã minh chứng về một tài năng quân sự, người chỉ huy với những tố chất đặc biệt, lập nhiều chiến công hiển hách. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Trung tướng Nguyễn Bình cũng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó. Với những chiến công, thành tích, cống hiến của mình, Trung tướng Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
CHU ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.